TƯ VẤN PHÁP LUẬT:

Chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu

Thứ hai, 19/09/2016 09:50

(Cadn.com.vn) - Ông Đặng Văn Tú (trú Quảng Ngãi) hỏi: Một doanh nghiệp (DN) muốn mua lại thương hiệu của Cty ông để sử dụng cho sản phẩm của họ tại Việt Nam. Cty ông muốn bán nhưng vẫn muốn tiếp tục sử dụng thương hiệu của mình. Vậy, theo quy định của pháp luật, Cty ông có quyền làm việc này không?

Bà Nguyễn Thị Ngọc Thy, Trưởng phòng Sở hữu trí tuệ - Chi nhánh Văn phòng luật sư Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng, trả lời: Cty của ông Tú hoàn toàn có thể thực hiện điều đó thông qua hợp đồng (HĐ) chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu, tức là việc tổ chức, cá nhân nắm độc quyền sử dụng nhãn hiệu (gọi tắt là bên chuyển quyền) cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng nhãn hiệu đó (gọi tắt là bên nhận quyền). Cty của ông có thể tham khảo các loại hình HĐ dưới đây để quyết định: HĐ độc quyền là HĐ mà theo đó trong phạm vi và thời hạn chuyển giao, bên nhận quyền được độc quyền sử dụng nhãn hiệu, bên chuyển quyền không được ký kết HĐ sử dụng nhãn hiệu với bất kỳ bên thứ 3 nào và chỉ được sử dụng nhãn hiệu đó nếu được phép của bên nhận quyền; HĐ không độc quyền: là HĐ mà theo đó trong phạm vi và thời hạn chuyển giao quyền sử dụng, bên chuyển quyền vẫn có quyền sử dụng nhãn hiệu, quyền ký kết hợp đồng sử dụng nhãn hiệu không độc quyền với tổ chức, cá nhân khác; HĐ độc nhất: là HĐ chuyển giao mà theo đó, bên nhận quyền có độc quyền sử dụng nhãn hiệu được chuyển giao, có quyền cho hoặc không cho người khác sử dụng nhãn hiệu được chuyển giao, tuy nhiên, chủ sở hữu nhãn hiệu vẫn có quyền sử dụng nhãn hiệu của mình trên lãnh thổ được chuyển giao.

Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn
của Chi nhánh Văn phòng luật sư Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng
Điện thoại tư vấn: 0905102425