Chuyện kể của những phu vàng trở về

Thứ tư, 24/08/2016 11:21

* Kỳ 1: Lên Xao Va nghe chuyện “giấc mơ vàng”

(Cadn.com.vn) - Đời sống khó khăn, thiếu việc làm, nhiều lao động ở các huyện miền núi của tỉnh Nghệ An như Kỳ Sơn, Tương Dương… phải khăn gói rời xa bản làng, tìm đến các bãi vàng tại tỉnh Quảng Nam với hy vọng “đổi đời”. Thế nhưng, nơi thâm sơn cùng cốc, rừng thiêng nước độc, họ phải “quăng” thân mình dưới hầm sâu tìm vàng, lao động như nô lệ để đổi lấy những đồng tiền công rẻ mạt chứ chẳng thể “đổi đời” như mong muốn. Kết cục là người may mắn trở về thì tay trắng vẫn hoàn trắng tay, có người không may mắn thì chôn thân dưới hầm sâu cùng giấc mơ không bao giờ trở thành hiện thực.

Bản Xao Va giữa thung lũng đại ngàn Trường Sơn.

Bản Xao Va, xã Bảo Thắng, H. Kỳ Sơn có 73 hộ dân, 372 nhân khẩu thì có đến 51 hộ nghèo, còn lại là cận nghèo. Ông Ốc Văn Phương - Bí thư Chi bộ bản Xao Va nhẩm tính: “Có khoảng 40 thanh niên rời bản đi làm, nghi là đi làm vàng. Tất nhiên là họ đi mà không báo với cán bộ bản”. Cũng theo ông Phương, thời điểm này đang là mùa phát rẫy nên thanh niên ở nhà còn khá, chứ vào dịp từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau thì chẳng có mấy thanh niên ở nhà. Họ đi đâu, làm gì chỉ có người thân mới biết được.

Một trong những thanh niên về bản trong nỗi sợ hãi sập hầm là Lô Văn Thôn (1995). Năm 2011, vừa học xong lớp 11, nghe người ta rủ rê, Thôn rời bản Xao Va vào bãi vàng ở Phước Sơn (Quảng Nam) tìm kiếm cơ hội đổi đời. Vào bãi vàng, do sức yếu nên Thôn được bố trí làm việc ở bên ngoài cửa hầm với mức lương 4 triệu đồng/tháng. Công việc của Thôn là đãi số đất mà những người ở trong hầm đưa ra để tìm vàng. “Không có đồ bảo hộ, cứ tay trần mà đãi vàng. Em làm từ sáng đến tối mịt. Đợt nào đãi được nhiều vàng thì bữa cơm còn có rượu thịt, chứ không có vàng thì chỉ cơm trắng với muối, rau rừng thôi. Em làm bên ngoài hầm ít nguy hiểm hơn và cũng ít tiền hơn, chứ những người vào hầm thì lương 7 - 8 triệu/tháng. Không phải ai cũng được vào hầm, phải thật khỏe, thật lỳ mới được vào. Nhưng đã vào hầm vàng thì coi như... chết một nửa rồi” - Thôn tâm sự.

Vợ chồng ông Cụt Phò Quyền và Cụt Mẹ Quyên đã mất đi 3 người con trai
trong vụ sập hầm vàng.

Nói về sự trở về của mình, Thôn cho biết: “Có lẽ em sẽ không rời bãi vàng nếu như không có vụ sập hầm vào giữa năm 2012 khiến 2 “phu vàng” quê Hà Giang làm cùng bãi tử vong. Cái chết của 2 người cùng làm khiến em hoảng sợ, đòi về bằng được. Cũng may ông chủ là người biết điều nên em mới được về nhà”. Sau thời gian bỏ hầm vàng về quê, Thôn được tuyển đi lính. Hoàn thành nghĩa vụ quân sự thì về bản và được bầu làm cán bộ thôn, mỗi tháng được hỗ trợ 750 ngàn đồng. “Làm vàng thì nhiều tiền đó nhưng nguy hiểm lắm, không biết sống chết khi mô nên giờ có cho nhiều tiền hơn cũng không dám đi” - Thôn quả quyết.

Người đã trải qua thực tế như Thôn, tất nhiên là chẳng bao giờ quay lại, nhưng con đường hiểm trở từ bản Xao Va ra thế giới bên ngoài chẳng thể nào ngăn nổi đôi chân hàng chục thanh niên Khơ Mú đang mơ hồ với giấc mơ đổi đời từ vàng. Bằng chứng là chúng tôi vẫn thi thoảng bắt gặp những thanh niên vai mang túi nhỏ rời bản đi tìm kiếm cơ hội việc làm, trong đó có người vào các bãi vàng ở Quảng Nam. Và cũng trên con đường này, ba anh em Cụt Sơn Hải đã trở về nhà trong những tấm chiếu bó tròn vắt ngang xe máy. Căn nhà vợ chồng ông Cụt Phò Quyền, bà Cụt Mẹ Quyên (bố mẹ của 3 nạn nhân tử vong dưới hầm vàng ở thôn Dung, TT Thạnh Mỹ, H. Nam Giang, Quảng Nam ngày 12-4-2016) tuềnh toàng nằm giữa bản Xao Va. 3 anh em Cụt Hải Sơn (1982), Cụt Phò Phèng (1985) và Cụt Văn Ngọ (1997) rời nhà vào Quảng Nam làm vàng được hơn 2 tháng thì xảy ra chuyện. “Cả 5 con trai của ta đều đi làm vàng. Ở nhà hết mùa rẫy thì không biết làm chi. Ăn Tết xong thì 3 anh em hắn đi. Nghe người ta hứa là lương cao lắm, đến 7-8 triệu đồng một tháng, nhưng chưa gửi được đồng mô về thì sập hầm, chết cả ba” - ông Quyền chua chát.

Lô Văn Thôn: “Đã vào hầm coi như chết một nửa”.

Vụ sập hầm đã cướp mất của ông Cụt Phò Quyền 3 đứa con trai và khiến 10 đứa cháu nội (6 đứa con của Cụt Hải Sơn và 4 đứa con của Cụt Phò Phèng) của ông phải chịu cảnh mồ côi. Dưới cái nắng gay gắt, mấy đứa cháu nội của ông Quyền có đứa chẳng có quần áo để mặc, đuổi nhau chạy khắp bản. Mất đi trụ cột của gia đình, không biết tương lai của chúng sẽ đi về đâu? Thời điểm 3 người con của ông Quyền tử vong do sập hầm thì người con thứ 4 là Cụt Văn Bình (1995) cũng đang đi đào vàng cho một hầm vàng ở Khe Vinh (H. Nam Giang, Quảng Nam) vẫn không hề hay biết. Ở tách biệt nhau, lại không có sóng điện thoại nên mãi mấy ngày sau Bình mới biết tin dữ. “Nghe 3 anh em chết do sập hầm, em cũng về luôn. Sợ lắm, không muốn bỏ mạng ở bãi vàng mô” - Bình thảng thốt. Theo Bình thì bãi vàng nơi anh ta làm việc có 18 người thì đến 16 người quê Kỳ Sơn. Cái chết của 3 người anh em chỉ khiến một mình Bình khiếp sợ mà bỏ bãi trở về, 17 người còn lại vẫn bám trụ, tìm cơ hội đổi đời.

3 nạn nhân Cụt Hải Sơn, Cụt Phò Phèng và Cụt Văn Ngọ không phải là những người đầu tiên ở Kỳ Sơn bỏ mạng nơi xứ vàng Quảng Nam. Ngày 13-5, tại sông Bung thuộc xã La Êê (Nam Giang) cũng xảy ra một vụ sập hầm vàng khiến 2 phu vàng tử vong, trong đó có Bịt Văn Quang (1993, trú xã Mỹ Lý, H. Kỳ Sơn). Đây là hầm vàng khai thác trái phép nên khi vụ việc xảy ra, chủ bãi vàng đã giấu nhẹm thông tin. Vậy nên, mãi tới ngày hôm sau cơ quan chức năng mới biết và triển khai lực lượng đến hiện trường tổ chức tìm kiếm thi thể các nạn nhân xấu số.

Ông Cụt Thanh Hoài - Chủ tịch UBND xã Bảo Thắng thừa nhận: “Theo thống kê sơ bộ, toàn xã có gần 90 lao động rời khỏi địa phương, nghi là đi làm vàng. Đây chỉ là con số mà xã nắm được, còn cụ thể bao nhiêu người thì không rõ”.

Xuấn Sơn
(còn nữa)