Chuyện kể trên đường phá án
(Cadn.com.vn) - Về nhận công tác tại Phòng Cảnh sát Hình sự (CSHS) CA tỉnh Đắc Lắc chưa lâu, Trung tá Lê Văn Bắc (Đội trưởng Đội 3, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm) nhận nhiệm vụ đi bắt cướp trên tuyến Quốc lộ L14. Thời gian đó, tình hình tội phạm cướp giật trên quốc lộ rất phức tạp. Giao thừa 2005, 4 đối tượng vào khu vực rừng núi hẻo lánh của xã Ea Sol (H. Ea H'leo) khống chế một gia đình người đồng bào dân tộc thiểu số và lấy đi 8 triệu đồng. "Sau khi sự việc xảy ra, không có bất kỳ thông tin gì về nơi ẩn náu của nhóm đối tượng. Khoảng 3 tháng sau, tôi bất ngờ nhận được thông tin có một đối tượng tên Trương Nam chuyên đi làm gỗ khả nghi là có liên quan đến vụ cướp. Tôi trực tiếp đóng vai là người đi làm gỗ để xác minh và tiếp cận đối tượng này. Thấy tôi có nhiều mối quan hệ, Nam xin được đi làm gỗ chung. Tôi nói mới đi chịu án mấy năm về và chỉ nhận những người có tiền án, tiền sự. Nghe vậy, Nam kể cho tôi về việc cầm đầu nhóm thanh niên chém, cướp tại gia đình nói trên. Trước thông tin bất ngờ này, tôi cho người giám sát Nam đồng thời động viên gia đình đưa đối tượng đầu thú. Chẳng bao lâu sau, Nam đã tìm gặp tôi để xin đầu thú và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Từ lời khai của Nam, tôi cùng với các đồng đội tiến hành bắt gọn 3 đối tượng còn lại", trung tá Bắc nhớ lại.
Vụ bắt cướp trên khá "nhẹ nhàng". Tuy nhiên, không phải vụ nào cũng vậy. Một số tên cướp tỏ ra manh động, sẵn sàng chống cự để thoát thân nếu bị phát hiện. Bắc kể: "Đó là lần thực hiện chuyên án bắt các đối tượng chuyên chặn xe, xin đểu ở xã Ea Nam (H. Ea H'leo). Trong quá trình truy bắt các đối tượng, anh em chúng tôi bị 7 đối tượng dùng gậy, đá tấn công". Vụ một nhóm đối tượng trú tại thị xã Gia Nghĩa (nay thuộc tỉnh Đắc Nông) chuyên rạch bạt xe tải để trộm cà- phê trên quốc lộ cũng vậy. Theo đó, cứ chờ xe tải lên dốc qua khu vực lô cao su vắng người thì các đối tượng leo lên xe tải, rạch bạt để đưa cà-phê xuống và dùng xe máy chở đi. Khi xe lên gần hết dốc thì tìm cách nhảy xuống. Nhiều lần, các chủ xe phát hiện thì bị nhóm đối tượng dùng hung khí tấn công tàn nhẫn. Trung tá Bắc và đồng đội kiên trì bám quốc lộ, cuối cùng nhóm tội phạm phải thúc thủ, lần lượt vào nhà giam trong sự vui mừng khôn xiết của nhà xe và lái xe đường dài.
Sau một thời gian không ngừng phấn đấu, Lê Văn Bắc được cử về làm Đội trưởng đội 3, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (năm 2010). Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, Bắc một lần nữa phải tạm quên gia đình và rong ruổi khắp nơi để truy bắt tội phạm trốn nã. Trung tá Bắc chia sẻ: "Với công việc của một trinh sát truy nã đôi khi phải tạm quên gia đình. Có lần, tôi chở đồng nghiệp về nhà khi chỉ còn 2 tiếng nữa thì đến giao thừa thì người đồng nghiệp của tôi bị vợ nói trách: "Anh còn nhớ có gia đình nữa à?". Trên con đường truy nã tội phạm, Trung tá Bắc đã từng đối diện với không ít chuyên án khó, tưởng chừng vô vọng. Vào năm 1994, Ngô Văn Thuận (1963, quê TT- Huế, tạm trú H. Krông Năng) cướp tài sản. Sau đó, Thuận bị bắt và đưa vào nhà tạm giữ tại CAH chờ thi hành án.
Trung tá Lê Văn Bắc |
Tại đây, Thuận cầm đầu 3 đối tượng phá nhà giam, đánh cán bộ để bỏ trốn vào tháng 9-1995. Sau khi di chuyển qua rất nhiều tỉnh, Thuận đến H. Định Quán (tỉnh Đồng Nai) thay tên đổi họ để đoàn tụ với em gái và mẹ. Sau đó, Thuận trốn về tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu để đi đánh cá thuê. Thực tế này khiến cho cuộc truy bắt của các trinh sát nhiều trở ngại. Tuy nhiên, bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ và sự cố gắng, Bắc và các đồng đội nắm được thông tin về mẹ của Thuận đang sinh sống ở Đồng Nai. Tại đây, một đối tượng có tên Ngô Văn Phước hay ghé qua. Qua nhiều ngày xác minh, Bắc phát hiện Phước chính là Thuận. Ngay lập tức, trung tá Bắc cùng 1 trinh sát xuống H. Đất Đỏ (Bà Rịa Vũng Tàu) tìm hiểu những người đi đánh cá thuê. Sau khoảng 3 tháng ăn dầm nằm dề trong dân, Bắc cùng đồng nghiệp phát hiện Thuận đang xuống cá tại cảng nên đã ập bắt vào cuối năm 2014. Giây phút tra tay vào còng, Thuận phải thốt lên: "Tôi không ngờ mình trốn 19 năm mà vẫn bị các anh tìm thấy và bắt giữ".
Tháng 5-2012, Lê Ngọc Long (1955, quê tỉnh Khánh Hòa, tạm trú thị trấn Ea Ka, H. Ea Ka) có hành vi hiếp dâm trẻ em, đau lòng hơn khi nạn nhân là cháu gái ruột của y. Khi bị cơ quan điều tra phát hiện triệu tập thì Long tìm cách bỏ trốn xuống Khánh Hòa xin đi làm thuê nuôi cá lồng bè ở biển. Bằng sự nỗ lực, Bắc cùng các đồng nghiệp đã phối hợp với CA tỉnh Khánh Hòa tiến hành bắt gọn Long vào ngày 31-5-2015. Trường hợp của anh em Hồ Sĩ Sáng (1982) và Hồ Sĩ Lập (1985, quê ở Nghệ An, tạm trú ở H. Krông Buk) cùng với một nhóm đối tượng đập phá ở một hộ dân khiến một người chết. Sau đó, cả hai đều trốn nã. Đến tháng 12-2011, CA tỉnh Đắc Lắc ra quyết định truy nã hai anh em họ Hồ. "Ngay khi tiếp lệnh truy nã, chúng tôi đã lần ra manh mối và bắt được Sáng ở Nghệ An vào ngày 29-12-2011. Thông qua Sáng và gia đình, tôi đã vận động Lập ra đầu thú. Đến ngày 11-1-2012, Lập từ TPHCM về xin gặp tôi đầu thú"- Trung tá Bắc nhớ lại.
Thơ Trịnh