Chuyện nhặt trên “lãnh địa” voi rừng xứ Quảng (Kỳ cuối: Cần giải pháp phát triển đàn voi bền vững )
Từ thực tế đàn voi tại xã Trà Đốc cho thấy, người dân tác động vào rừng tự nhiên để mưu sinh dẫn đến việc môi trường sống của voi bị xâm hại. Và ngược lại, voi “ngược xuôi” tìm nơi ăn, chốn ở cũng khiến con người thất điên bát đảo. Sự tác động qua lại giữa “đôi bên” khiến cuộc sống của người dân lẫn voi gặp phải khó khăn về lương thực và tính mạng. Làm sao để dung hòa môi trường sống giữa người và voi đang là vấn đề cần được các ngành khẩn trương quan tâm.
Từ khi KBT voi được thành lập, voi ít về và làng Cấm La yên bình hơn. |
Ông Hồ Văn Lợi - Chủ tịch UBND xã Trà Đốc cũng đang lo lắng khi đàn voi trên địa bàn mỗi lúc một vơi đi. “Theo thời gian, đàn voi mỗi ngày lại ít dần. Nếu như năm 2014, đàn voi còn 3 con thì nay người dân báo lại chỉ còn 2 con. Không gian sinh sống của chúng ngày càng bó hẹp do tác động của con người. Trước tình trạng trên, năm 2018 đã có đoàn chuyên gia về khảo sát, lập quy hoạch sẽ khoanh vùng bảo vệ đàn voi. Thế nhưng không biết tại sao từ đó đến nay không thấy họ trở lại”, ông Lợi thông tin.
Nói về sự xung đột giữa người và voi, ông Lợi cho rằng đây là vấn đề rất nghiêm trọng, cần cơ quan chức năng sớm vào cuộc giải quyết. “Người dân địa phương sống nhờ vào nương rẫy, nhưng khi gần đến mùa thu hoạch thì voi về giẫm đạp, ăn hết, do vậy người dân rất bức xúc. Trước tình hình đó chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động người dân không nên xâm hại đến đàn voi. Trước thiệt hại của người dân do voi rừng gây ra, xã đã kiến nghị lên huyện hỗ trợ cho người dân mỗi năm 15kg gạo/người. Tuy nhiên đó chẳng là bao so với thiệt hại của người dân do voi gây ra. Về lâu dài, các ngành chức năng cần có giải pháp khoanh vùng bảo tồn đàn voi cũng như bảo vệ rừng, mở rộng diện tích không gian sống của đàn voi, qua đó voi có đủ nguồn thức ăn, sinh sống trong diện tích quy hoạch. Có như thế sự xung đột giữa voi và người mới chấm dứt, tính mạng người dân mới đảm bảo, tránh những rủi ro có thể xảy ra”, ông Lợi kiến nghị.
Trong khi đó, trở lại đàn voi ở Nông Sơn, ông Mai Văn Dưỡng- Phó Giám đốc BQL KBT voi cho biết, thời gian qua, BQL đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền người dân tránh xung đột với voi, tập huấn kỹ năng ứng phó khi đàn voi ra rẫy của dân tìm thức ăn, hỗ trợ dân kẻng để khi voi về làng thì đánh cho chúng sợ vào lại rừng. “Song song với những biện pháp ứng phó trên, hiện nay chúng tôi đã triển khai trồng hàng rào bằng cây bồ kết (loại cây có gai dài) gần 2,4km ở bìa rừng để đàn voi không ra khỏi rừng, tránh xung đột với người, phá nương rẫy của dân”, ông Dưỡng nói.
Phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng chụp ảnh lưu niệm với cán bộ BQL KBT voi. |
Còn ông Lương Quang Minh- Trưởng thôn Phước Hội cho rằng, đàn voi sinh trưởng, phát triển tốt, ngoài việc bảo vệ chặt chẽ của khu bảo tồn, thì dân làng là lực lượng chủ chốt bảo vệ chúng. Tránh xung đột, ảnh hưởng tới đàn voi, đó là câu cửa miệng của người dân, và họ cũng là một tai mắt của cơ quan chức năng. Trong các cuộc họp, việc đầu tiên là thôn luôn tuyên truyền người dân phải bảo vệ, tránh xung đột với đàn voi. “Thông qua các lớp tập huấn, người dân biết được cách ứng phó mỗi khi gặp voi rừng. Từ đó sự xung đột giữa voi và người đã giảm. Mình không đụng tới chúng thì chúng chẳng làm gì mình đâu”, ông Minh nói thêm.
Trao đổi với P.V liên quan đến các đàn voi trên địa bàn tỉnh, ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, việc ghi nhận thêm một cá thể voi con ở đàn voi tại H. Nông Sơn là một tín hiệu rất tốt, chứng minh cho nỗ lực của tỉnh trong bảo vệ thiên nhiên, động vật hoang dã. “Môi trường sống của voi tại đây đã cải thiện rất nhiều, khả năng sinh trưởng tốt. Trên địa bàn tỉnh còn có một đàn voi ở huyện Bắc Trà My, tỉnh đang đề nghị các nhà khoa học nghiên cứu để có biện pháp bảo tồn đàn voi này một cách tốt nhất. Về phương án bảo vệ đàn voi sắp tới, UBND tỉnh đã xây dựng đề án phát triển khu bảo tồn voi để xin Trung ương hỗ trợ kinh phí thực hiện”, ông Lê Trí Thanh cho hay.
Trước thực trạng trên, thiết nghĩ làm thế nào để dung hòa môi trường sống giữa người và voi, cũng như có những sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời cho người dân bị thiệt hại cần được các ngành chức năng của tỉnh Quảng Nam khẩn trương quan tâm, giải quyết.
TRẦN TÂN