Chuyện ở "cánh đồng vàng" (3)

Thứ bảy, 15/04/2017 12:13

    * Kỳ cuối: Nguy cơ trở thành điểm nóng an ninh trật tự

(Cadn.com.vn) - Trong câu chuyện dài kỳ về “cánh đồng vàng”, Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh Nguyễn Thế Vinh khẳng định: “Ở vùng vành đai quanh nhà máy của Cty vàng Bồng Miêu, chính quyền và lực lượng chức năng còn có thể quản lý được phần nào... Chứ trên diện tích hàng trăm héc-ta, khu vực hầm lò của mỏ vàng Bồng Miêu thì đành chịu. Khai thác lậu,  dùng hóa chất độc hại, gây mất ANTT, ma túy, cướp bóc... chính quyền đành chịu, địa phương không đủ lực lượng, trang thiết bị để kiểm soát và đẩy đuổi.

Đi chỗ nào cũng thấy người khai thác vàng trái phép ở Bồng Miêu. 

 Báo cáo mới nhất của Huyện ủy Phú Ninh ngày 10-3-2017 thể hiện: Cty vàng Bồng Miêu không có lực lượng đủ mạnh để quản lý 365 ha  nhà nước giao, để hàng trăm đối tượng vào khai thác vàng trái phép, gây hậu quả nghiêm trọng. Từ năm 2005 đến nay, xảy ra 13 vụ sập hầm làm 23 người chết, 5 người bị thương. Dùng hóa chất để chế biến, tách lấy vàng và thải ra sông suối, gây ô nhiễm môi trường toàn xã Tam Lãnh và các vùng lân cận. Các đối tượng làm vàng trái phép tranh giành địa bàn, gây gổ, chém giết, cướp giật, vận chuyển buôn bán chất cấm (cyanua), vật liệu nổ. Có trên 150 vụ vi phạm pháp luật tại xã Tam Lãnh liên quan đến người làm vàng bị xử lý, trong đó có 6 vụ gây rối đông người, cướp quặng vàng, tạo điểm nóng, gây dư luận không tốt trong nhân dân.

Tệ nạn xã hội như buôn bán, sử dụng ma túy rất phức tạp, các đối tượng này còn lôi kéo thanh niên địa phương vào con đường nghiện ngập, gây phẫn nộ trong nhân dân. Hàng trăm héc-ta đất khai thác vàng xong, công ty Bồng Miêu không hoàn thổ, để người dân lấn chiếm đất làm trang trại, trồng cây với diện tích trên 125 ha, tập trung ở khu Đồi Sim, Núi Kẽm… Trên diện tích này, các đối tượng còn tận thu quặng vàng, gây ô nhiễm môi trường, mất ANTT, UBND xã Tam Lãnh không thể quản lý được vì diện tích này thuộc quyền quản lý của Cty Bồng Miêu. Từ tháng 3-2016 đến nay, Cty vàng Bồng Miêu dừng hoạt động hoàn toàn vì giấy phép hết hiệu lực. Tuy nhiên Cty không thực hiện đóng cửa mỏ, bàn giao đất cho địa phương quản lý. Lực lượng bảo vệ của Cty cũng cắt giảm, chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ tài sản, thiết bị khu vực nhà máy, các khu vực còn lại không được bảo vệ”…

Từ thực trạng trên, các đối tượng từ nhiều địa phương khác xâm nhập khu vực hầm lò, các khu vực đất rừng để đào đãi, khai thác, chế biến vàng trái phép dễ dẫn đến gây tai nạn chết người như sạt lở, sập hầm, ngạt khí... gây ô nhiễm môi trường. Mới đây nhất, vào đầu tháng 4-2017, đã xảy ra vụ sập hầm vàng làm chết ông Nguyễn Đức Trưởng (1957), trú thôn Bồng Miêu. Đồn CA Tam Lãnh đã mai phục bắt quả tang Võ Minh Trực (1995), trú thôn Trung Sơn, Tam Lãnh có hành vi mua bán, sử dụng chất ma túy trái phép, thu giữ 2 gói ni lông chứa chất ma túy.

Người dân đua nhau đào bới, khai thác vàng trái phép ở Bồng Miêu.

Huyện ủy, UBND H. Phú Ninh đã chỉ đạo quyết liệt các ngành chức năng, UBND xã Tam Lãnh, triển khai nhiều biện pháp nhằm đảm bảo ANTT khu vực mỏ vàng Bồng Miêu. Tổ chức tuyên truyền, vận động người dân không tham gia đào đãi vàng trái phép. Trong dịp trước và sau tết nguyên đán 2017, CAH phối hợp  xã Tam Lãnh đã triển khai 2 đợt truy quét quy mô lớn, đẩy đuổi hàng trăm đối tượng khai thác vàng trái phép ra khỏi địa bàn xã Tam Lãnh. Trung tá Văn Công Đoàn- Trưởng đồn CA Tam Lãnh và ông Nguyễn Thế Vinh đều cho biết, tình hình khai thác vàng trái phép ở khu vực Đồi Sim, Hố Gần cơ bản đã được kiểm soát. Riêng các khu vực ở xa, trên các đỉnh núi, hầm lò như Suối Tre, AD, AM, Ngách Chụm, Bãi Thầu Đâu, Sò Rò, do điều kiện đi lại, tuần tra khó khăn nên các đối tượng khai thác, chế biến vàng trái phép vẫn hoạt động rất phức tạp, chưa có biện pháp ngăn chặn, xử lý hiệu quả. Ông Vinh phân trần: “Ngân sách của xã một năm chỉ có hơn 200 triệu đồng, mỗi đợt truy quét phải tốn tới hơn 80 triệu đồng, thành ra nếu không có sự hỗ trợ của huyện, tỉnh, thì địa phương cũng đành chịu…”.

Trong thời gian tới, dự báo tình hình ANTT ở Tam Lãnh sẽ diễn ra theo chiều hướng phức tạp, tập trung vào các hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép, mua bán, sử dụng trái phép vật liệu nổ, chất độc, ma túy, lấn chiếm, sử dụng trái phép rừng… Dự báo được tình hình này, Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Ninh kiến nghị Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Nam một số nội dung như sau: Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo đóng cửa mỏ, chấm dứt hoạt động vĩnh viễn đối với Cty vàng Bồng Miêu, lập thủ tục tuyên bố phá sản theo quy định pháp luật. Yêu cầu Cty khẩn trương hoàn thổ, phục hồi môi trường, trả các khoản nợ còn thiếu đối với nhà nước và địa phương. Đề nghị UBND tỉnh có ý kiến với các bộ, ngành Trung ương cho chọn nhà thầu có năng lực tham gia đấu thầu, quản lý, khai thác mỏ vàng Bồng Miêu, nhằm quản lý, khai thác có hiệu quả, tránh thất thoát tài nguyên, đảm bảo tình hình ANTT, góp phần vào sự phát triển Kinh tế-xã hội của tỉnh Quảng Nam và địa phương nói riêng. Trong thời gian trước mắt, đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí, lực lượng để chính quyền xã Tam Lãnh, lực lượng CA, Quân sự H. Phú Ninh, xã Tam Lãnh thực hiện việc truy quét, đẩy đuổi các đối tượng khai thác vàng trái phép, nhằm quản lý tốt địa bàn có khoáng sản, đảm bảo tình hình ANTT xã Tam Lãnh.

Hồng Thanh