Chuyện ở Công viên Nghĩa trang Liệt sĩ

Thứ hai, 25/07/2016 10:25

(Cadn.com.vn) - Có vô vàn câu chuyện cảm động mà chúng tôi chứng kiến tại Công viên Nghĩa trang Liệt sĩ (NTLS) Hòa Phong-Hòa Vang (TP Đà Nẵng) trong tháng Bảy này. Mỗi câu chuyện là một tấm lòng của người còn sống gửi đến người đã hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Làm sao mà quên được một thời đau thương của dân tộc, hào hùng và bi tráng...

Chiều muộn ở Công viên NTLS Hòa Phong- Hòa Vang.

Nằm trên ngọn đồi cao với 2 Nhà bia, Đài tưởng niệm và gần 1.000 phần mộ LS được khép kín trong tường rào, cổng ngõ. Dòng chữ “Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ” bằng đèn Led đỏ cùng những cây sứ lớn nở bung hoa trắng, ngào ngạt hương thơm. Nhìn theo những hàng bia mộ, chúng tôi biết rằng có rất nhiều LS đã hy sinh khi tuổi đời chưa quá đôi mươi, độ tuổi đang hừng hực nhựa sống và nhiệt huyết. Các anh đã hiến dâng cả đời mình cho đất nước, đã anh dũng chiến đấu và thanh thản trở về với đất Mẹ. Nhiều anh, quê tận Bắc Thái, Hà Nội, Hà Nam Ninh xa xôi đã đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, của miền Nam ruột thịt công tác, chiến đấu và nằm lại nơi đây. Nhiều anh không kịp để lại cái tên, năm sinh, quê quán của mình... “Chiến tranh quá khốc liệt. Đứng trước hàng trăm ngôi mộ đồng đội, tôi nhớ đến những đồng đội đã từng cùng ăn, cùng ngủ với mình đêm trước, sớm hôm sau đã hy sinh. Giờ người thì nằm đây, còn những người khác không biết nằm đâu trong số những ngôi mộ vô danh này”, ông Nguyễn Hòa (thôn Khương Mỹ, xã Hòa Phong)-cựu chiến binh thời kỳ chống Mỹ trăn trở.

Còn ông Trần Thiết (thôn Cẩm Toại Tây, xã Hòa Phong) ngồi trầm tư trước mộ phần người thân mà theo ông, đó chỉ là những ngôi mộ “gió”. Ông cho biết, giai đoạn chống Mỹ, quê ông luôn chìm trong khói lửa chiến tranh. Những năm 1964-1965, mẹ ông cũng như bao người mẹ khác lần lượt động viên các con lên đường tham gia cách mạng. Hòa bình lập lại, gia đình ông liên tiếp nhận giấy báo tử các con: LS Trần Văn Quán (1943), nhập ngũ năm 1964, hy sinh năm 1968 tại thôn 4 (xã Điện Xuân, H. Điện Bàn, Quảng Nam); LS Trần Quế (1945) nhập ngũ năm 1965, hy sinh năm 1967 tại Quảng Ngãi... Hơn nửa đời người, ông chắt bóp, gom góp từng đồng để đi tìm hài cốt người thân. Hết tiền lại về nhà lao động tích cóp. Thời gian cứ trôi đi mà lời hứa với mẹ “tìm đưa các em về” vẫn không sao thực hiện được. “Các em tôi không về, mẹ tôi kiên gan chờ đợi. Tôi không hiểu bằng sức mạnh diệu kỳ nào mà mẹ tôi có thể sống và chịu đựng được trong nỗi cô đơn mất mát vô bờ bến ấy. Một sự chờ đợi đằng đẵng. Trước cơn bạo bệnh, người vẫn đau đáu mong các con trở về”, ông Thiết ngậm ngùi... Không biết có phải tại khói hương mà mắt ông Hòa, ông Thiết với chúng tôi lại thấy cay cay? Các anh đã làm nên một thời hào hùng cho đất nước-một thời hừng hực “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Các anh có một thời hào hùng để hôm nay, những người đang sống đủ đầy ấm no, hạnh phúc.

Chúng tôi nghĩ rằng, biết bao con người thường ngày vốn bận rộn với cuộc sống mưu sinh nhưng đến những ngày này vẫn dành riêng cho mình một khoảng lặng trước các hương hồn LS, đặt lên nấm mồ LS những cành hoa tươi thắm, thắp một nén nhang tưởng nhớ công ơn. Cũng như anh Lê Đức Tuấn (thôn Bồ Bản, xã Hòa Phong), giữa khuôn viên nghĩa trang đầy nắng như chạm vào nỗi đau chiến tranh, anh đã cảm nhận sâu sắc những gì mà thế hệ hôm nay có được là từ những hy sinh xương máu của cha ông đi trước. Vì vậy, mỗi lần đến, anh tự tay vun trồng, tưới nước những bồn hoa và chăm sóc các mộ phần LS. Anh mong muốn những người đang nằm lại nơi đây luôn được sưởi ấm nghĩa tình của những người còn sống. Việc làm âm thầm, lặng lẽ của anh đơn giản xuất phát từ tấm lòng...

Tháng Bảy, Công viên NTLS Hòa Phong-Hòa Vang luôn ngạt ngào hương khói và lòng tri ân của người đang sống với những người đã mất. Trong những dòng người đến đây, không chỉ có thân nhân các liệt sĩ, những người đồng đội đi tìm nhau, những người mẹ, người em, người con vẫn rải bước đi tìm người thân, mà giữa cái nắng nóng như thiêu như đốt, rất nhiều người đã tìm về với tấm lòng biết ơn vô hạn.

Vy Hậu