Chuyện ở tổ nhiều "không"!

Thứ tư, 16/12/2015 10:56

(Cadn.com.vn) - Tại cuộc tiếp xúc cử tri mới đây, người dân tổ 14A Quang Thành 3B1 P.Hòa Khánh Bắc (Liên Chiểu, Đà Nẵng) bức xúc phản ánh về thực trạng nhiều hộ dân nơi đây hiện chưa làm được hợp đồng điện, nước, không có hộ khẩu, thậm chí tạm trú cũng không, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống an sinh của họ. Phóng viên Báo Công an Đà Nẵng đã tiến hành tìm hiểu sự thật vấn đề...

Từ chuyện mua nhà bằng giấy viết tay...

Toàn bộ 47 hộ ở tổ 14A Quang Thành 3B1 P.Hòa Khánh Bắc đều nằm dọc theo hành lang đường ray xe lửa, phía sau Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Khó có thể hình dung, những ngôi nhà được xây dựng hoàn thiện nằm san sát bên nhau như một dãy phố, có số nhà địa chỉ hẳn hoi lại... không có giấy tờ nhà, đất hợp lệ. Đưa chúng tôi xem giấy tờ mua bán nhà dưới hình thức viết tay, anh Mai Quang Vinh (26 tuổi), quê Bắc Trà My (Quảng Nam), vừa tốt nghiệp khoa xây dựng Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng cho biết: "Đây là nhà ba má mua cho em vào năm 2010. Giấy tờ mua bán nhà là giấy viết tay, có chứng kiến 2 hộ nhà kế cận và xác nhận của Tổ trưởng dân phố vào thời điểm ấy".

Theo giấy tờ mà Vinh cung cấp thì ngôi nhà cấp 4 này được ông Mai Quang Minh và bà Trần Thị Lý-cha mẹ Vinh- mua lại của ông bà Võ Anh Dũng và Võ Thị Kim Loan với giá 125 triệu đồng vào ngày 3-8-2010. Diện tích đất 66 m2, diện tích xây dựng 49,5 m2. Ngoài thông tin về số CMND của người bán là ông Võ Anh Dũng do CA tỉnh Đồng Tháp cấp ngày 11-3-1996, không có thêm bất kỳ thông tin nào khác. Người làm chứng là chủ nhân của 2 nhà kế cận lúc ấy là bà Nguyễn Thị Thắng và Trần Thị Hòa cùng sự xác nhận của tổ trưởng dân phố thời điểm ấy là ông Phan Lôi. Tìm hiểu thêm thì được biết, ngôi nhà mà cha mẹ anh Vinh mua lại chỉ là ¼ trong tổng số diện tích đất được người chủ cắt ra làm 4  lô rồi bán lại cho nhiều người khác. Đến nay, họ không biết chủ nhân đầu tiên đang ở đâu?

Tương tự, tháng 6-2012, vợ chồng chị Nguyễn Thị Mong và anh Nguyễn Thanh Sơn-thường trú thôn La Bông, xã Hòa Tiến, H.Hòa Vang (Đà Nẵng)-cũng mua lại ngôi nhà đang ở từ bà Trần Thị Hòa (1957), có số CMND 200064898 (ghi trong giấy bán viết tay) với giá 130 triệu đồng với sự xác nhận của Tổ trưởng dân phố vào thời điểm đó là bà Nguyễn Thị Lan và 2 hộ nhà kế cận. Cũng anh Vinh, ngôi nhà vợ chồng anh Sơn mua lại chỉ là ½ ngôi nhà được bà Hòa chia đôi ra bán. Nhà này trước khi chia đôi có diện tích đất 66 m2, diện tích xây dựng 49,5 m2, do bà Hòa mua lại của bà Võ Thị Xuân Hiếu vào tháng 6-2010 với giá 107 triệu đồng...

Hiện nay, vợ chồng chị Mong cũng không biết bà Hòa đang ở đâu. Khi chúng tôi đặt vấn đề, vì sao không tìm hiểu rõ về nguồn gốc đất trước khi mua, chị Mong thú thật: "Hồi ấy, vì khó khăn nên khi nghe người ta giới thiệu ở đây có bán nhà giá phải chăng nên vợ chồng tôi lên xem để hỏi mua nhà. Thay vì đi ở nhà thuê mỗi tháng mất 1 triệu đồng nhưng không được tự do, vì thế vợ chồng tôi cố chạy vạy 130 triệu đồng để có căn nhà riêng cho mình. Thấy người dân xung quanh đây, ai cũng mua bán theo hình thức viết tay như vậy, nên cũng yên tâm. Lúc đó, chỉ nghĩ đơn giản vậy thôi!"...

Những ngôi nhà nằm san sát ra dáng phố thị ở tổ 14A lại không có giấy tờ chứng minh
nguồn gốc sử dụng đất hợp lệ.

Không riêng gì họ, hầu hết 47 hộ ở tổ 14A này đều mua nhà theo hình thức viết tay nên đến nay, không có ai làm được sổ đỏ. Trong 47 hộ, hiện chỉ có 10 hộ có hộ khẩu, 17 hộ đăng ký tạm trú, số còn lại chưa có hộ khẩu cũng như tạm trú. Ngoài ra, có 7 hộ hiện chưa làm được cả hợp đồng điện, nước, 7 hộ hoặc chưa làm được hợp đồng điện, hoặc hợp đồng nước. Giải thích về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hùng- mới được bầu làm tổ trưởng tổ 14A vài tháng- cho biết: "Sở dĩ những hộ đã làm được hợp đồng điện, nước đều làm từ  5- 7 năm trở về trước, khi việc làm hợp đồng điện, nước còn dễ. Số còn lại do vào thời điểm đó chưa nghĩ đến, hoặc chủ quan, nghĩ dùng chung đường dây điện, nước cũng được. Mãi đến gần đây, do mâu thuẫn trong việc trả tiền điện, nước nhiều, ít, mới lòi ra chuyện này...".

Những người mua nhà lâu nhất ở tổ 14A cho biết, nguyên thủy khu vực này trước đây là bãi cát trắng. Sau đó, một số người khai thác cát rồi bán lại cho những người có nhu cầu mua để làm nhà ở. Hình thức mua bán đều viết tay, không thông qua chính quyền địa phương, pháp luật. Khi bán, họ nói với người mua là đất tự khai hoang... Ngay như nhà của tổ trưởng Nguyễn Đức Hùng cũng vậy. Ông Hùng cho biết, ngôi nhà của ông mua từ năm 2003, hiện ông cũng đang đau đầu vì chưa biết gõ cửa ở đâu để làm giấy tờ đất. Cũng theo ông Hùng, có 80% hộ trong tổ dù không có giấy tờ đất hợp lệ đã đóng thuế đất, 20% còn lại đến nay không đóng được thuế đất.

Chị Nguyễn Thị Mong cùng những giấy tờ mua bán nhà viết bằng tay.

... và những hệ lụy!

Qua tìm hiểu, được biết, những người đang sinh sống tại tổ 14A phần lớn không phải là dân gốc địa phương, mà từ các nơi khác đến ở. Do hoàn cảnh kinh tế còn khó khăn, nhận thức về mặt pháp luật hạn hẹp, nên họ đã nhắm mắt... mua liều. Và hệ lụy thấy rõ nhất chính là ngoài việc không thể làm được sổ đỏ, đến nay, nhiều hộ dân ở đây không làm được hộ khẩu cũng như hợp đồng điện, nước. Không chỉ có thế, điều này còn ảnh hưởng trực tiếp đến việc học hành của con em họ. Theo đúng tuyến nơi cư trú, lý ra con, em họ sẽ được học trường Ngô Sĩ Liên nhưng vì không có hộ khẩu, buộc phải về dưới phố học hoặc về những trường khác trên địa bàn không bị áp lực tuyển sinh. Ngoài việc tự làm khó mình, chính từ việc mua bán không có giấy tờ hợp lệ này đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý của chính quyền địa phương...

Qua trao đổi,  ông Đặng Ngọc Nhân- Chủ tịch UBND P.Hòa Khánh Bắc, cho biết, nhằm tạo điều kiện cho người dân có thể làm hợp đồng điện, nước, giải quyết trước mắt các vấn đề liên quan đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của các hộ này, chính quyền địa phương đang xúc tiến để chuyển cơ quan chức năng xem xét, giải quyết...Mặc dù chính quyền địa phương đã có những động thái tích cực, nhưng từ thực trạng đã và đang diễn ra tại tổ 14A, có thể thấy, ngoài nguyên nhân chính thuộc về ý thức, nhận thức của người dân, thì chính quyền địa phương từ tổ dân phố đến cấp phường qua các thời kỳ đã chưa thực sự làm tròn trách nhiệm, còn buông lỏng trong công tác quản lý, dẫn đến hệ lụy như đã thấy.

P.Thủy