Chuyện "ông trùm" nấm lim xanh xứ Quảng

Thứ ba, 15/01/2019 17:55

Một chàng trai xuất thân nghèo khó, đến nay, anh Lương Tấn Oanh (1982, trú xã Tiên Hiệp, H. Tiên Phước, Quảng Nam) được biết đến ngoài là "ông trùm" nấm lim xanh ở Quảng Nam, anh còn là người đam mê đồ cổ cháy bỏng. Từ thú vui sưu tầm đồ cổ đã giúp anh vươn lên làm giàu và gìn giữ nét đẹp văn hóa Việt.

Anh Oanh bên ngôi nhà sàn làm bằng nấm lim xanh.

Từ "ông trùm" nấm linh xanh...

Sinh ra và lớn lên ở một miền quê nghèo khó xứ Quảng, Oanh phải sớm lăn lộn mưu sinh. Từ sửa điện thoại, cắt tóc đến chụp ảnh..., nghề gì anh cũng học nhanh, thành thạo nhưng cuộc sống vẫn bấp bênh do thu nhập không ổn định. Một ngày, Oanh quyết định rẽ bước sang con đường kinh doanh dù chưa hề có kinh nghiệm, bí quyết gì. Đúng thời điểm đó, nấm lim xanh, một đặc sản quý giá của núi rừng quê hương anh từ chỗ không ai chú ý bỗng dưng thành cơn "sốt" trên thị trường. Thấy nhiều người đổ xô vào rừng đi tìm, hái bán với giá cao ngất ngưởng, Oanh quyết định đi theo. "Ban đầu tôi cũng như mọi người, lặn lội vào tận rừng sâu tìm nấm về bán. Được thời gian, biết được giá trị kinh tế rất cao từ loài nấm này, tôi quyết định xây dựng thương hiệu nấm của riêng mình. Tôi dồn tiền, vay mượn khắp nơi để thành lập Công ty TNHH Nấm Lim Xanh Tiên Phước chuyên thu mua nấm của người dân sau đó phân phối lại cho các đầu mối khác", Oanh kể chuyện "khởi nghiệp" của mình. Tiếng lành đồn xa, nhiều người từ Đà Nẵng, Quảng Ngãi, ngoài Bắc, trong Nam tìm đến mua nấm của anh. "Quan trọng là chất lượng nấm, mình bán hàng phải đặt uy tín lên hàng đầu thì mới tạo được lòng tin ở khách. Nấm của tôi khách hàng mua về dùng thử, thấy hiệu quả rồi quay lại đặt hàng. Hơn nữa, Công ty của tôi cũng thu mua thường xuyên nấm của người dân địa phương tại quê nhà nên họ yên tâm vì tôi cam kết về giá cả, không lo bị người khác ép giá", Oanh cho hay.

Theo anh Oanh, nấm lim ở Quảng Nam có tới 6 loại, gọi là "lục bảo linh chi", gồm nấm hồng chi, hoàng chi, tử chi, hắc chi, tuyết chi và thanh chi. Trong đó, giá trị nhất là loại nấm tử chi. Ba loại thông dụng nhất là hồng chi, mọc ở rễ cây lim, tử chi mọc ở thân và hoàng chi (hay còn gọi là cổ linh chi), mọc gần gốc. "Nấm lim có tác dụng hỗ trợ ngăn ngừa và điều trị ung thư (các dạng ung thư và u, bướu); xơ gan, gan nhiễm mỡ; phì đại tiền liệt tuyến; phục hồi tai biến mạch máu não sau đột quỵ; chữa bệnh gout (bệnh gút) hay còn gọi là bệnh thống phong; viêm khớp, đau nhức khớp; tiểu đường (đái tháo đường); đau dạ dày, đại tràng. Bên cạnh, còn có tác dụng phục hồi, tăng cường chức năng: Giải độc gan (do rượu, bia, độc tố) hay còn gọi là ngộ độc cồn etylic trường diễn hoặc cấp tính; tăng cường sinh lực; giảm mỡ máu; giảm cao huyết áp; giảm mỡ thừa (giảm béo, chống tăng cân); giải độc, thanh lọc cơ thể...", anh Oanh thông tin. Để quảng bá cho thương hiệu nấm của mình, Oanh còn nghĩ ra nhiều cách rất độc, lạ. Mới đây, tại một hội chợ triển lãm tại Đà Nẵng, "ông trùm" nấm lim xanh xứ Quảng đã mang ra một ngôi nhà sàn được kết hoàn toàn bằng nấm lim xanh. Ngôi nhà này được anh thuê 7 thợ cùng mình hoàn thiện trong 10 ngày. Hay như trước đó tại phiên chợ Sâm Ngọc Linh (H. Nam Trà My, Quảng Nam), Oanh cũng giới thiệu một con rồng làm hoàn toàn bằng nấm khiến nhiều khách tham quan tò mò, thích thú.

Nhiều đồ cổ được anh Oanh sưu tầm.

... đến đam mê đồ cổ

Ai cũng ngỡ rằng, đã thành công và trở thành "đại gia" như Oanh thì phải thích chơi đồ xịn, hàng hiệu. Thế nhưng, khi tiếp xúc mới cảm nhận rằng Oanh vẫn là một "gã nhà quê", đặc biệt đam mê đồ cổ. Anh bảo từ nhỏ đã có ước mơ sưu tầm đồ cổ, biến căn nhà của mình thành những bảo tàng với đa dạng các đồ vật cổ để lưu giữ, nhắc nhở con cháu về những giá trị truyền thống đáng tự hào. Khi có điều kiện anh liền bỏ thời gian, công sức và tiền bạc lặn lội đi mua đồ cổ về trưng bày cho thỏa cơn "khát". Bạn bè, người thân ai giới thiệu ở đâu có người bán anh đều tìm đến để mua. Dần dần, hai căn nhà của anh ở TP Tam Kỳ và ở Duy Hải (H. Duy Xuyên) cạnh chân cầu Cửa Đại ngập tràn đồ cổ giá trị... Khi phát hiện được bất kỳ nơi đâu có người bán đồ cổ, dù có bận rộn, khó khăn đến mấy anh cũng quyết mua cho bằng được. "Có lần tôi ra đến Huế, chỉ để mua một chiếc sập ba cạnh của hoàng tộc mang về với giá hàng trăm triệu đồng. Có nhiều chuyến đi xa hơn, đến tận Nam Định, Ninh Bình, hoặc xuất ngoại sang Campuchia, lần nào cũng có thành quả là một món đồ cổ đem về. Hiện nay, tôi đang ấp ủ dự định sẽ sắp xếp lại tất cả các loại đồ cổ sưu tầm được theo một nội dung nhất định rồi mở không gian trưng bày, giới thiệu đến nhiều người", Oanh bộc bạch.

PHI NÔNG