Chuyện tình “đôi đũa lệch”

Thứ tư, 04/01/2017 10:31

(Cadn.com.vn) - Trong chuyến công tác cuối năm đến H. Quế Phong (Nghệ An), chúng tôi theo chân cán bộ Phòng dân tộc của huyện tìm hiểu cuộc sống, phong tục tập quán của người dân địa phương. Trong những câu chuyện ấy, anh nhắc đến chuyện tình yêu của bà Lô Thị Tâm (1951) và ông Vi Văn Thoại (1971) bằng sự ngưỡng mộ và trân trọng. Đám cưới đặc biệt chấn động các bản làng khắp huyện miền núi Quế Phong (Nghệ An) ngày ấy, đến nay đã được gần 20 năm. Ngày đó mọi người vẫn có những dèm pha, nghi ngờ, trêu đùa cười cợt. Bởi lúc đó bà Tâm đã 47 tuổi trong khi ông Thoại chỉ mới 27 tuổi. Thế mà gần 20 năm trôi qua, “đôi đũa lệch” vẫn so vừa sống hạnh phúc bên nhau, người ta cũng đã quên hết mọi nghi hoặc, xóa bỏ hết mọi dèm pha...

Lúc bấy giờ, ở huyện biên giới vùng sâu vùng xa Quế Phong, một đứa trẻ tới trường biết chữ đã là hiếm. Ấy vậy mà Lô Thị Tâm còn đi làm cô giáo. Học hết lớp 7, được cán bộ vận động, cho đi học, Tâm học tiếp 7+2 tại trường Trung cấp sư phạm Tân Kỳ, Nghệ An. Tốt nghiệp năm 1973, cô Tâm được phân về làm giáo viên ngay tại huyện nhà. Năm này qua năm khác, cô giáo Tâm cắm bản ở Nậm Nhoong, rồi đến Châu Thôn, Châu Kim, H. Quế Phong. Trẻ trung, năng nổ, hoạt bát, nhiệt tình thế mà chẳng hiểu sao Tâm mãi vẫn chưa chịu lấy chồng. Cũng nhiều người đến đặt vấn đề, nhưng cô đều chưa thấy ưng, một phần cũng muốn toàn tâm toàn ý mang cái chữ cho con em đồng bào mình. Ngoảnh đi ngoảnh lại, chẳng mấy chốc cô đã quá 30 tuổi. “Đàn bà con gái ở miền xuôi đã vậy rồi thì ở vùng cao này, ở tuổi đó được coi là lỡ thì, già rồi. Năm tôi 35 tuổi cũng có người ở Quỳ Châu lên hỏi cưới nhưng tôi cũng không ưng. Lúc đó nghĩ, có lẽ “duyên” chưa đến. Sau đó một thời gian tôi “quên” mất chuyện lấy chồng luôn, rồi nghĩ  sẽ không lấy chồng nữa mà góp tiền làm cái nhà ở một mình thôi...”, bà Tâm kể. Năm 1994, cô Tâm nghỉ hưu sớm rồi mở một cái quán nhỏ bên cạnh đường 7, bán hàng cho vui. Tính tình vui vẻ, hay chuyện nên quán lúc nào cũng đông khách. Thế rồi tình yêu đến với cô Tâm bất ngờ lắm, chân thật lắm khi chàng trai trẻ Vi Văn Thoại ở cùng bản kém hơn 20 tuổi  đem lòng yêu thương. Đến lúc muốn cưới, Thoại chỉ  hỏi: “Có ưng lấy ta không”? Cô Tâm cũng trả lời nửa đùa nửa thật “Ừ, lấy tui thì lấy, không lấy thì thôi, tui cũng quá lứa rồi”, thế là họ làm đám cưới.

Chênh lệch về tuổi tác nhưng bà Tâm-ông Thoại đã sống hạnh phúc gần 20 năm qua.

“Tự nhiên thấy có tình cảm, cũng không biết được vì sao nữa...”, ông Vi Văn Thoại bộc bạch.  Tin ông với bà yêu nhau làm họ hàng hai bên nghe thông báo ai nấy đều hốt hoảng, bởi từ trước tới nay cái xứ này chưa từng có chuyện như vậy. Gia đình bà lo sợ người ta chỉ trêu đùa con gái mình, rồi sợ nếu lấy nhau thật thì có ở được với nhau hay không? “Lúc ấy ta đã 47 tuổi rồi, còn chồng thì mới có 27 tuổi. Khắp làng bản bàn tán xôn xao, ta cũng ngại lắm”, bà Tâm nhớ lại. Khi bà sinh được đứa con gái đầu lòng ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh về, cả làng ai cũng mừng kéo đến chúc phúc. Từ đó trong ngôi nhà nhỏ dưới chân dốc, cạnh con suối Nậm Giải, ở bản Cọ, xã Châu Kim luôn đầy ắp tiếng cười. Hằng ngày ông Thoại chạy xe ôm chở các thầy cô lên đi dạy, chở cán bộ huyện, tỉnh đi họp, đi kiểm tra... kiếm tiền còn bà Tâm thì ở nhà bán quán. Cuộc sống cứ thế trôi đi, với những mùa lúa dưới ruộng, mùa măng trên rừng, với những lo toan vất vả thường ngày. Thỉnh thoảng, cũng có lúc cãi vã nhau nhưng ai cũng hiểu và chia sẻ cho nhau nên mái ấm của ông bà vẫn bền chặt. Bây giờ, cô con gái của 2 vợ chồng bà Tâm, ông Thoại đã 18 tuổi, đang học lớp 12.

Chúng tôi khâm phục tình yêu của ông bà dù là “đôi đũa lệch” nhưng chừng ấy thời gian đã chứng minh tình yêu của họ thật bền chặt, vượt qua ranh giới tuổi tác.  Ngẫm lại, cuộc sống vẫn tươi đẹp và nhiều màu sắc khi sống có tình yêu. Và cái lý lẽ đơn giản, mộc mạc nhưng là cách giải quyết mọi chuyện hết sức thuyết phục của đồng bào vùng cao nơi này là “nếu đã ưng nhau rồi thì về ở với nhau thôi”.

Dương Hóa