Chuyện về người “đánh tráo” bộ quần áo Bác Hồ
(Cadn.com.vn) - Tên ông là Trần Mịch, cái tên bình dị như miền quê Trà Đỏa (Thăng Bình, Quảng Nam). Trong căn nhà ở đường Thái Phiên (P.Phước Ninh, Q.Hải Châu, Đà Nẵng) ông Mịch hào hứng kể với tôi những kỷ niệm về Bác Hồ và bảo “đó là diễm phúc của cuộc đời”. Tuổi 93, có thể nhiều chuyện khác đã quên quên, nhớ nhớ nhưng chuyện về Bác Hồ thì ông không quên. Ông tham gia cách mạng từ rất sớm, đến năm 25 tuổi đã là Bí thư đầu tiên của Huyện ủy Trà My.
Đến năm 1950, ông được điều động ra Bắc nhận nhiệm vụ mới. Vậy mà bao nhiêu háo hức khi nghĩ được ra Bắc học tập, sau này về sẽ đóng góp nhiều hơn cho quê hương trong chàng trai trẻ chợt tan biến khi được phân công làm tiểu đoàn trưởng thuộc Cục quân nhu, chuyên lo may mặc. Chí trai thời binh lửa, ai lại gắn với nghề của “nữ nhi”, thoáng chút buồn nhưng Trần Mịch vẫn nhận nhiệm vụ mới.
Giữa năm 1956, ngành quân trang rời chiến khu về Hà Nội, Trần Mịch trở thành giám đốc đầu tiên của Xí nghiệp May X10 - Tổng cục Hậu cần. Ông đã có nhiều sáng kiến mới trong điều hành và nhanh chóng đưa xí nghiệp vang danh khắp miền Bắc. Dịp cận Tết năm 1959 (ngày 8-1-1959), Xí nghiệp được vinh dự đón Bác Hồ về thăm. Năm ấy, Bác đã tròn 69 tuổi, nhưng vẫn nhanh nhẹn, đi thăm các phân xưởng, nhà trẻ, bếp ăn... Sau khi về thăm Xí nghiệp, Bác đã gửi thư khen: “Bác rất vui lòng, các cô các chú có tiến bộ khá về: Đoàn kết, thân ái/ Liên tục thi đua/ Cải tiến kỹ thuật /Tăng gia sản xuất/ Thực hành tiết kiệm/ Quản lý xí nghiệp”...
Ông Trần Mịch (bên phải) giới thiệu với Bác Hồ về hoạt động thăm Xí nghiệp May 10. |
Dịp đó, khi đứng thật gần Bác, Trần Mịch thấy bộ quần áo kaki Người đang mặc đã ngả màu, tay áo đã sờn cũ. Trước phút tiễn Bác, ông ngỏ ý với anh Vũ Kỳ (thư ký của Bác) là sẽ may tặng Bác một bộ đồ mới song anh Vũ Kỳ lắc đầu quầy quậy nói Bác không muốn thế. Thế rồi, những ngày áp Tết năm đó, Bác Hồ nhận được món quà tặng của Xí nghiệp May X 10 là một bộ quân phục mới. Bác vui vẻ nhận, sau đó viết một bức thư khen ngợi tinh thần thi đua của đơn vị và gửi trả lại bộ quân phục này, để làm giải thưởng cho người có thành tích tốt nhất trong Xí nghiệp. “Lúc đó phong trào thi đua của Xí nghiệp mạnh lắm, ai cũng hăng say làm việc, để nhận được bộ quân phục của Bác” – ông Mịch nhớ lại.
Tuy nhiên sự việc không dừng lại ở đó. Ít lâu sau, Bác Hồ sang thăm Indonesia. Khi chuẩn bị thay quần áo để đi, Bác chợt gọi anh Vũ Kỳ lại hỏi: “Chú Kỳ, bộ quần áo này không phải của Bác!”. Biết không thể giấu Bác, anh Vũ Kỳ phải khai nhận rằng đã cùng với Trần Mịch âm mưu “đánh tráo” bộ quần áo cũ của Bác bằng bộ mới.
Thì ra, biết Bác chuẩn bị công tác nước ngoài, anh Vũ Kỳ bí mật đem bộ quần áo kaki Bác vẫn thường mặc sang Xí nghiệp May X 10 cùng giám đốc Trần Mịch “tương kế tựu kế” may thêm một bộ khác giống hệt như vậy. “Công phu lắm chúng tôi mới tìm đúng loại vải mẫu, sau đó giặt ủi nhiều lần cho vải “cũ” đi. Rồi loại cúc áo đúng kiểu và cũng đã qua sử dụng. Khi hoàn thành, những thợ may giỏi nhất Xí nghiệp cũng khó nhận ra đâu là phiên bản, thế nhưng vẫn không giấu được Bác... Lần đó, nghe anh Vũ Kỳ kể lại, Bác mới vui vẻ mặc bộ quần áo nhưng Bác dặn, vật còn dùng được thì dùng không nên lãng phí, dân mình còn nghèo, phải biết tiết kiệm”–ông Mịch xúc động kể.
Vợ chồng ông Trần Mịch luôn lưu giữ những kỷ niệm và hình ảnh về Bác Hồ. |
Năm 1962, Trần Mịch được điều động về làm Giám đốc Nhà máy sứ Hải Dương. Và cũng không bao lâu, ông đã đưa nhà máy trở lại hoạt động hiệu quả và sứ Hải Dương khi ấy được đánh giá thuộc loại đứng đầu Đông Nam Á và cũng vinh dự được Bác Hồ đến thăm. “Lần đó khi đến nhà máy Bác nhận ra tôi ngay và nói “chú được về đây à”. Bác dặn phải cố gắng làm việc, để tiếp tục phát triển nhà máy”-ông Mịch kể. Sau này khi Bác Hồ qua đời, chính ông Mịch được Trung ương Đảng giao nhiệm vụ may bộ đồ kaki để Bác mặc nằm trong lăng.
Về sự việc này, ông Mịch kể: “Khi nghe tin Bác Hồ qua đời, tôi và cả Xí nghiệp May 10 chìm trong nước mắt. Lúc đó anh Vũ Kỳ điện cho tôi nói “Bác đã mất rồi song Trung ương muốn Bác vẫn như còn sống. Anh xem may cho Bác một bộ đồ để Bác mặc “lúc đi xa” và may cờ phục vụ trong tang lễ Bác!”. Nhận nhiệm vụ, tôi và anh Trần Quảng-Trưởng phòng kỹ thuật của May 10 trực tiếp chọn vải, chọn chỉ tốt và cử anh Đỗ Huy Tùng trực tiếp may. Riêng các số đo thì chúng tôi lấy lại lần may đồ cho Bác trước đó. Sau khi may xong, tôi và cậu lái xe trực tiếp đem đến Văn phòng TW Đảng để giao”. Về chuyện này, bà Võ Thị Thuyền (vợ ông Mịch) vẫn nhớ: “Trong lúc mấy ổng lo may bộ đồ cho Bác thì cả May 10 phải khẩn trương may triệu lá cờ với nhiều kích cỡ khác nhau để phục vụ tang lễ Bác! Trước tinh thần làm việc đó, Trung ương đã phát cho mỗi anh chị em công nhân và lãnh đạo May 10 mỗi người một huy hiệu Hồ Chí Minh mà bây chừ tôi vẫn còn giữ”…
Hoàng Anh