CIA và các viên tướng ngụy quyền Sài Gòn (10)

Thứ năm, 04/03/2010 00:00

>>CIA và các viên tướng ngụy quyền Sài Gòn (9)

Kỳ cuối: Ngụy quyền sụp đổ, Việt Nam thống nhất

(Cadn.com.vn) - Mặc dù đã đề ra những phương án đặc biệt trong việc chuyển giao quyền lực cho tướng Dương Văn Minh, song chính quyền Sài Gòn cũng không thể tránh khỏi kết cục đương nhiên là sụp đổ. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975 của quân giải phóng đã toàn thắng, đánh bại hoàn toàn chiến tranh xâm lược của Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngày 24-4-1975, Martin yêu cầu Polgar sắp xếp để Thiệu và Khiêm rời khỏi Việt Nam một cách tối mật. Polgar phải nhờ Frank Snepp, chuyên viên phân tích cao cấp của tòa đại sứ Mỹ làm tài xế. Cuộc di tản được tổ chức vào đêm 25-4. Thiệu giao cho Khiêm liên hệ với Polgar sắp xếp nhân sự và hành trình. Đoàn người kể cả Thiệu và Khiêm được lên danh sách gồm 14 người, tập trung tại nhà Khiêm trong Bộ Tổng tham mưu gần Tân Sơn Nhất.

Vào sân bay, xe phải đi qua hai trạm mà Polgar cho là nguy hiểm: cổng ra Bộ Tổng tham mưu và nhất là cổng vào sân bay. Polgar buộc phải dùng xe của Đại sứ Martin với biển số và cờ ngoại giao để chở Thiệu và Khiêm, như một đoàn xe đưa đón một phái đoàn ngoại giao cao cấp. Qua cổng sân bay, Polgar yêu cầu Thiệu cúi thấp người, và Thiệu làm theo. Đại sứ Martin đứng đợi tiễn Thiệu tại chân cầu thang máy bay trong bóng tối. Ngày 26-4, quân giải phóng tăng áp lực quân sự buộc sân bay Biên Hòa đóng cửa. Polgar cho rằng, Hà Nội hành động vì sự chậm trễ của Hương.

Trong ngày 26-4, Cẩn theo khuyến cáo của CIA vẫn còn giữ ghế Thủ tướng nhưng bắt đầu sốt ruột. Cẩn yêu cầu Đại sứ Martin cho ông phương tiện rời nước. Ngày 27-4, Martin thấy không ai cần Cẩn nữa nên yêu cầu CIA sắp xếp cho ông ta ra đi. Cẩn rời Sài Gòn ngày 28-4 cùng gia đình tướng Nguyễn Khắc Bình và vợ con của tướng Đặng Văn Quang trên một chiếc máy bay C-130. Quang nói ông không thể rời nước khi đang còn chức vụ.

Ngày 27-4, với sự đồng ý của Đại sứ Martin, hai viện quốc hội ngụy quyền họp thông qua quyết định giao trọn quyền cho tướng Minh. Minh tuyên thệ nhậm chức TổNG thống vào lúc 17 giờ ngày 28-4 trong bầu không khí ảm đạm. Tuy nhiên, việc Minh nhậm chức cũng không thể làm thay đổi kế hoạch kết thúc chiến tranh của quân giải phóng. Sau khi Minh tuyên thệ nhậm chức, quân giải phóng ném bom sân bay Tân Sơn Nhất. Và 4 giờ ngày 29-4, quân giải phóng pháo kích sân bay trong mấy giờ liền làm hư hỏng đường băng, và phá hủy 4 chiếc trực thăng của CIA.

“Như có Bác Hồ trong ngày vui Đại thắng”. Ảnh: Tư liệu 

Tại Washington, Shackley chỉ lo việc di tản. 8 giờ, tòa đại sứ nhận được thông báo của Minh yêu cầu tất cả nhân viên thuộc Phòng Tùy viên Quốc phòng Mỹ phải rời Sài Gòn trong vòng 24 giờ. Đại sứ Martin hứa thi hành và lệnh di tản toàn diện bắt đầu. Tướng Smith báo cáo cho Đại sứ Martin biết, sân bay không thể sử dụng được nữa và đề nghị Martin chuyển qua chương trình di tản bằng trực thăng. 11 giờ, lệnh di tản bằng trực thăng của Lực lượng Thái Bình Dương được ban hành. 15 giờ, cuộc di tản bằng trực thăng do Hạm đội 7 điều động bắt đầu.

Trực thăng lớn C-53 di tản nhân sự tại sân bay Tân Sơn Nhất, ưu tiên cho nhân viên thuộc Phòng Tùy viên Quốc phòng. Trực thăng C-47 nhỏ hơn di tản nhân sự tại tòa đại sứ. Mọi người phải ra đi ngoại trừ 200 nhân viên tối cần thiết, trong đó có 50 nhân viên CIA, ở lại cho đến các chuyến bay cuối cùng để thanh lý mọi việc. Trên nguyên tắc, Đại sứ Martin đã hết nhiệm vụ nên ông có thể rời tòa đại sứ bay ra hạm đội.

Nhưng ông Đại sứ đặc biệt xin phép Tổng thống Ford để ông và vài phụ tá ở lại. Ông hy vọng, qua cuộc vận động của Kissinger với Mosscow - phút chót Hà Nội chấp nhận tòa đại sứ Mỹ có thể ở lại và tránh được cái nhục cho Mỹ cuốn cờ bỏ chạy. Ngoài một số lý do như quản lý kém, ngụy quân tan rã quá nhanh, lệnh di tản bằng trực thăng ban hành quá trễ là trở ngại lớn nhất làm cho Mỹ không thể thực hiện một cuộc di tản trong trật tự.

20 giờ ngày 28-4, Washington ra lệnh sẽ chấm dứt di tản vào lúc 3 giờ 45 ngày 30-4. Martin quyết định sẽ ra đi trong chuyến máy bay cuối cùng. Vào lúc 4 giờ ngày 30-4-1975, khi không có sự lựa chọn nào khác, Đại sứ Graham Martin cuốn cờ Mỹ bước lên trực thăng. Theo chân ông là Polgar, LaGueux và Jacobson. Đây chính là những hình ảnh cuối cùng đại diện cho chế độ xâm lược của Mỹ tại Việt Nam.