CIA và các viên tướng ngụy quyền Sài Gòn (3)

Thứ tư, 24/02/2010 00:00

>>CIA và các viên tướng ngụy quyền Sài Gòn (2)

<<CIA và các viên tướng ngụy quyền Sài Gòn (4)

Kỳ 3: Thiệu - Kỳ xuất hiện

(Cadn.com.vn) - Sau đảo chính Ngô Đình Diệm, CIA nhận ra rằng tướng Khánh không có năng lực. Do đó, cơ quan tình báo này bắt đầu làm quen và tuyển mộ các sĩ quan hay nhân viên dân sự cấp dưới, những người không tuyệt đối trung thành với Khánh.

CIA “chấm” Thiệu - Kỳ

Một trong những người mà CIA lựa chọn là đại tá Không quân Nguyễn Cao Kỳ, vừa mới nhận chức Tư lệnh Không quân và tướng Nguyễn Văn Thiệu, Tổng Tham mưu trưởng liên quân.

Ngay lập tức, con người và tính cách của Thiệu và Kỳ trở thành mối quan tâm của CIA và các quan chức Mỹ. Rất khó đánh giá tính cách của Thiệu bởi ông ta khá kín đáo và xung quanh ông ta toàn các quan chức người miền Nam. Nhưng mọi người đều nhận thấy, ông ta là người cẩn trọng quá mức, có thiên hướng bái ngoại và đa nghi tới mức hoang tưởng.

Kỳ lại hoàn toàn khác. Ông ta tiếp xúc nhiều với CIA và rất dễ tiếp cận. Nhiệm vụ của CIA chỉ là xác định xem đằng sau vẻ bề ngoài hào nhoáng của ông ta là cái gì. Vào tháng 6-1965, CIA đã có chân dung của nhân vật này: một người tầm thường, không có tham vọng chính trị, một nhà quản lý tồi nhưng sức lôi cuốn của ông ta đã thúc đẩy được nhuệ khí của Không lực khi ông trở thành Tổng tư lệnh của lực lượng này vào cuối năm 1963.

Ngay sau khi được CIA “chấm”, Kỳ hăm hở bắt tay vào công việc mới và chỉ trong một thời gian ngắn đã vạch ra một chương trình nghị sự 26 điểm nhằm tiến hành chiến tranh. Nhưng không có một điểm nào trong chương trình này có thể đảo ngược tiền đồ đen tối của chế độ ngụy quyền Sài Gòn.

Bất đồng và hợp tác

Tháng 6-1964, Đại sứ Cabot Lodge về Mỹ. Tổng thống Johnson bổ nhiệm đại tướng Maxwell Taylor thay thế. Nhưng với tác phong huynh trưởng, tự cao tự đại Taylor đã làm mất lòng các tướng lĩnh Việt Nam, buộc CIA phải làm trung gian hòa giải. Cuộc tranh cử tại Mỹ càng làm cho quan hệ giữa tướng Khánh và Taylor trở nên nặng nề hơn. Số phận của tướng Minh cũng là một nguồn bất hòa khác giữa Tòa đại sứ Mỹ và tướng Khánh.

Cuộc không kích dội vào miền Bắc và sự có mặt của lục quân Mỹ ở miền Nam vào tháng 8-1964 đã cho thấy sự can dự vô lý của Mỹ vào Việt Nam. Lợi dụng tình hình, ngày 16-8, các tướng họp mặt tại Vũng Tàu nhưng không có tướng Minh. Do đề nghị của tướng Kỳ, các tướng biểu quyết cách chức Minh, cử tướng Khánh làm Quốc trưởng, và công bố “Hiến chương Vũng Tàu”.

Từ trái qua: Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống Mỹ Johnson và Nguyễn Cao Kỳ. Ảnh: Tư liệu 

Khi các thành phần Phật giáo và Công giáo xuống đường phản đối, CIA nghi có bàn tay bên trong của tướng Trần Thiện Khiêm, buộc Khánh hủy bỏ Hiến chương, thành lập “tam đầu chế” gồm Khánh-Minh-Khiêm do Khánh cầm đầu để lãnh đạo đất nước và hứa sẽ thành lập chính phủ dân sự trong vòng 60 ngày.

Ngày 13-9, một nhóm sĩ quan Công giáo miền Nam và Đại Việt cùng chuẩn tướng Nguyễn Văn Thiệu chuyển quân về Sài Gòn định đảo chính tướng Khánh, nhưng bất thành do sự can thiệp của tướng Kỳ. Ỷ vào công trạng, Kỳ tuyên bố tùy tiện làm CIA rất lo lắng và càng tỏ ra hách dịch khi được cho lãnh tụ của nhóm tướng trẻ. CIA đánh giá ông ta là người có quyền lực nhất tại Sài Gòn và lo lắng Kỳ có thể phản Khánh. Tổng hành dinh CIA ở Langley yêu cầu CIA Sài Gòn tích cực điều tra kỹ lưỡng về tướng Kỳ. Tuy nhiên, Kỳ khẳng định vẫn ủng hộ tướng Khánh.

Trong khi CIA đang tỏ ra chán tướng Khánh vì quân đội chia rẽ và sự bất hòa gia tăng giữa Khánh và Đại sứ Taylor, có nguồn tin cho hay, các sĩ quan Đại Việt sắp đảo chính tướng Khánh. Còn tướng Khánh đang cùng tướng Kỳ và Phạm Ngọc Thảo tính toán kế hoạch thanh trừng nhóm Đại Việt. Như đã hứa thành lập chính phủ dân sự, tháng 10, Khánh mời ông Trần Văn Hương làm thủ tướng. Riêng Khánh vẫn giữ chức tư lệnh quân đội.

Rạng sáng ngày 20-12-1964, Khánh gọi Miller và thông báo ông sắp công bố quyết định giải tán Hội đồng Quốc gia Tối cao vì Hội đồng này không đồng ý với các tướng trẻ về việc cho các tướng già, trong đó có tướng Dương Văn Minh nghỉ hưu. Vụ việc này khiến Đại sứ Taylor bất bình vì ông đã từng khuyên Khánh không nên ép Tướng Minh nghỉ hưu. Taylor mời 4 tướng trẻ có liên quan trong nội vụ gồm Khánh, Khiêm, Thiệu, Kỳ đến tòa đại sứ để chỉ trích rằng, các tướng làm hỏng nỗ lực giúp đỡ Việt Nam của Mỹ. Khánh không tới. Taylor đích thân đến Bộ Tổng Tham mưu gặp Khánh và tuyên bố rằng, Khánh không còn nhận được sự ủng hộ của Mỹ. Khánh tuyên bố sẽ từ chức.

Nhưng mãi không thấy Khánh từ chức. Tháng 1-1965, Khánh lập chính phủ dân sự với ông Phan Huy Quát làm thủ tướng. Đa số các bộ do các chuyên viên dân sự nắm giữ, ngoại trừ tướng Thiệu giữ chức Bộ trưởng Quân lực kiêm Phó Thủ tướng, và tướng Kỳ nắm giữ Bộ Thanh niên và Thể thao kiêm Tư lệnh Không quân. Ngày 3-2-1965, Kỳ nói với Miller rằng các tướng trẻ không còn ủng hộ Khánh và đã đến lúc Khánh phải ra đi. Ngày 19-2, các sĩ quan Đại Việt và Công giáo trong đó có tướng Lâm Văn Phát tiến hành đảo chính nhưng  không bắt được Khánh. Đến ngày 24-2, Khánh từ chức và được cử đi làm đại sứ lưu vong. Chế độ tướng Nguyễn Khánh đổ sụp.

(còn nữa)