Cô gái "tận mắt chứng kiến vụ bắt cóc tại Đà Nẵng": Gửi lời xin lỗi người dân Đà Nẵng

Thứ tư, 15/06/2016 10:16

(Cadn.com.vn) - Một cô gái đăng tải lên trang mạng xã hội facebook của mình bài viết với những nội dung: "Tôi đã tận mắt chứng kiến vụ bắt cóc tại một tiệm mua bán mỹ phẩm ở đường Hoàng Diệu - TP Đà Nẵng", "Có ai đó bắt khống chế", "Bắt cóc lấy nội tạng"... đã gây hoang mang, bất an cho người dân. Sau thời gian ngắn vào cuộc tiến hành xác minh  theo sự chỉ đạo của Đại tá Lê Văn Tam - Giám đốc CATP Đà Nẵng, Phòng Cảnh sát hình sự đã làm rõ vụ việc...

Trong 2 ngày (29 đến ngày 30-5-2016), trên mạng xã hội facebook xuất hiện thông tin từ trang cá nhân có "nickname" Dương Thị Phương với nội dung: "Có chứng kiến một vụ bắt cóc trẻ em tại một tiệm mua bán mỹ phẩm ở đường Hoàng Diệu (Đà Nẵng)". Theo tác giả bài viết, đây là lần đầu tiên trong đời mình chứng kiến 1 vụ bắt cóc mà lại xảy ra trên địa bàn Đà Nẵng.

Tác giả viết: "Hôm đó rảnh rỗi đi làm về ghé mua mỹ phẩm (ở đường Hoàng Diệu), và có cặp vợ chồng nhà nào đó vào tiệm mua đồ mà để đứa con chơi vậy và không để ý. Sau ra không thấy đứa con đâu tìm quanh hỏi mà không có, người mẹ ngơ ngác hỏi "con đâu", "chị ơi có thấy bé khoảng 4 tuổi con tôi đâu không..., rồi cũng tía tái mặt mày trông hoảng loạn nhìn tội lắm. Còn ông bố thì vọt xe đi tìm, hỏi quanh thì có người thấy có ai đó bắt khống chế bé... Nhân đây cũng cảnh báo cho mọi người có con nhỏ được biết và đôi khi ở các bạn nữ cũng dễ là nạn nhân. Vì có thể tình trạng bắt cóc bữa nay đang hoành hành và có khi bắt cóc lấy nội tạng chứ chẳng phải chuộc tiền gì cả".

Sau khi bài viết đăng tải đã được nhiều người "like" (thích) và "chia sẻ" trên mạng kèm theo những lời bình luận không tốt, gây hoang mang, bất an cho người dân tại TP Đà Nẵng. Trước tình hình đó, ngay lập tức, Đại tá Lê Văn Tam - Giám đốc CATP Đà Nẵng đã chỉ đạo Phòng CSHS vào cuộc tiến hành xác minh, làm rõ vụ việc.

Nội dung thông tin về việc "tận mắt chứng kiến vụ bắt cóc tại TP Đà Nẵng" mà Phương
đã đăng tải trên facebook.

Qua xác minh tại CA các phường có tuyến đường Hoàng Diệu đi qua như: Nam Dương, Hòa Thuận Đông, Phước Ninh, Bình Thuận (Q. Hải Châu), Phòng CSHS CATP được biết, vào khoảng  thời gian từ ngày 27 đến ngày 29/5/2016, CA các địa phương không có ghi nhận trình báo nào liên quan đến việc bắt cóc trẻ em nêu trên. Ngoài ra, CAQ Hải Châu cũng không có ghi nhận trình báo nào liên quan. Tiến hành xác minh, xác định người có "nickname" Dương Thị Phương trên mạng xã hội facebook, Phòng CSHS được biết chủ tài khoản của "nickname" trên là Dương Thị Phượng (1990, HKTT: tổ 100, P. Xuân Hà, Q. Thanh Khê, Đà Nẵng) và số điện thoại đăng ký sử dụng 0934784669.

Làm việc trực tiếp với Dương Thị Phượng, cô gái cho rằng: "Vào khoảng 16 giờ ngày 28-5-2016, cô có đến tiệm mỹ phẩm "Kềm Nghĩa" (số 354 - Hoàng Diệu, Đà Nẵng) để mua mỹ phẩm. Tại đây, cô thấy hai vợ chồng cùng một bé trai khoảng 4 tuổi đang ở cửa hàng cùng rất nhiều khách hàng. Khoảng 15 phút sau, cô nghe mọi người trong tiệm cùng chị phụ nữ nói trên la lên và nói rằng cháu bé bị bắt cóc. Ngay lập tức, cô tham gia cùng mọi người tìm kiếm cháu bé nhưng không thấy. Vậy là, rạng sáng 29-5-2016, cô đã đăng tải thông tin việc mình tận mắt chứng kiến một vụ bắt cóc trẻ em tại một tiệm mua bán mỹ phẩm ở đường Hoàng Diệu. Đến sáng 31-5-2016, cô đến tiệm mỹ phẩm "Kềm Nghĩa" để tìm hiểu thông tin thì được chủ tiệm thông báo là cháu bé do đi lạc đã được cha mẹ tìm thấy. Vậy là, tối cùng ngày, cô đã gỡ bỏ thông tin nêu trên".

Cũng theo Phương, việc mình đưa thông tin là do nghe mọi người nói, bản thân có mặt tại hiện trường nhưng do chủ quan và lo lắng cho cháu bé. Mục đích đăng tải thông tin nhằm cảnh báo mọi người và mong muốn ai đó biết được thông tin sẽ cung cấp cho cơ quan pháp luật giúp cho gia đình tìm được cháu. Bản thân không có động cơ, mục đích nào khác.

Phương khẳng định: "Vì chủ quan tin rằng đó là một vụ bắt cóc thật, cần phải có thông tin cho mọi người biết để cảnh giác mà tôi đã viết lên trang facebook cá nhân rằng "Tôi đã tận mắt chứng kiến vụ bắt cóc tại Đà Nẵng" và có dùng những từ không chính xác như: "Có ai đó bắt, khống chế", "Bắt cóc lấy nội tạng". Tôi không nghĩ rằng bài viết của mình lại gây hiệu ứng và được nhiều người "like" (thích) và "chia sẻ" trên mạng nhiều như vậy. Cảm nhận được sự hoang mang của người dân Đà Nẵng đối với vụ việc nên sáng ngày 30-5, tôi đến lại địa điểm trên để hỏi lại thì được biết em bé chỉ ham chơi rồi đi lạc gần đó. Tôi đã đính chính lại bài viết trên trang cá nhân của mình.

Tôi cảm thấy có lỗi vì không biết chính xác vụ việc mà đã ghi thông tin khẳng định, làm người dân hoang mang và các CBCS CATP Đà Nẵng phải tập trung làm rõ thông tin không có thực mà tôi gây ra. Tôi nhận thức được việc đăng tải thông tin trên mạng xã hội chưa xác thực là không đúng và cam kết sẽ không tái phạm. Đây là bài học kinh nghiệm và đắt giá cho chính bản thân tôi. Tôi thành thật xin lỗi người dân TP Đà Nẵng và thông qua Giám đốc CATP cho tôi gửi lời xin lỗi đến CBCS CATP đã tốn công sức để làm rõ vụ việc".

Sau khi sự việc được làm sáng tỏ, Phương đã viết thư xin lỗi người dân Đà Nẵng
và CBCS CATP Đà Nẵng.          

Xét thấy hành vi của Dương Thị Phương không có động cơ xấu, mục đích đăng tải nhằm cảnh báo mọi người cảnh giác với việc bắt cóc trẻ em và với mong muốn ai đó biết được thông tin sẽ cung cấp cho cơ quan pháp luật, cho gia đình tìm được cháu bé... và hành vi chưa gây hậu quả lớn, nên Phòng CSHS CATP đã áp dụng biện pháp nhắc nhở, cảnh cáo, răn đe, giáo dục.

Sức mạnh và sự lan truyền của mạng xã hội là vô cùng lớn, chỉ cần một tin đồn thất thiệt cũng đủ gây ra những hậu quả cực kỳ nặng nề mà chẳng ai lường trước được. Vì vậy, mọi người hãy có trách nhiệm với những thông tin mà mình chia sẻ lên trang cá nhân. Việc sử dụng facebook hay các mạng xã hội để đưa thông tin sai sự thật, các thông tin không đúng, không chính xác từ trước đến nay đã bị cơ quan chức năng xử phạt rất nhiều với mức phạt tiền tương đối cao, thậm chí có những vụ việc đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Qua sự việc này, thiết nghĩ người sử dụng facebook hay mạng xã hội cần hết sức thận trọng khi đưa ra những thông tin chưa được kiểm chứng bởi điều đó đồng nghĩa với việc đã tự đặt mình vào tình trạng xấu, có nguy cơ bị áp dụng các chế tài xử lý bất cứ lúc nào...

Lê Hùng