Cơ hội cuối cùng

Thứ sáu, 06/03/2020 08:38

Hội nghị thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, diễn ra trong ngày 5-3 (giờ địa phương), được xem là cơ hội cuối cùng để thực hiện một thỏa thuận tránh xảy ra thảm họa nghiêm trọng hơn nữa ở phía tây bắc Syria.

Tình hình chiến sự ở tây bắc Syria đang ngày càng căng thẳng khi lực lượng liên minh Nga-Syria đang nỗ lực tiêu diệt lực lượng phiến quân ở tỉnh Idlib để giải phóng hoàn toàn khu vực này, thì Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục đẩy mạnh can thiệp quân sự. Với sự can thiệp ngày càng sâu rộng của Thổ Nhĩ Kỳ, mâu thuẫn Nga-Thổ cũng đang tăng dần làm gia tăng mối lo chiến tranh giữa hai bên.

Thực tế hiện nay, đối mặt với tổn thất gia tăng cho quân đội của mình ở tỉnh Idlib của Syria và làn sóng người tị nạn chạy trốn khỏi cuộc chiến, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sẵn sàng ngừng bắn và người đồng cấp Vladimir Putin sẵn sàng mặc cả. Với một cuộc khủng hoảng di cư mới xuất hiện ở biên giới Châu Âu, mọi con mắt sẽ đổ dồn về Moscow, nơi hai nhà trung gian quyền lực chính ở Syria sẽ xem liệu họ có thể thực hiện một thỏa thuận khác khắc lên phía bắc Syria, phù hợp với chương trình nghị sự của riêng họ hay không. Cho dù cả hai có thể đạt được bất cứ thỏa thuận nào, nhiều khả năng nó sẽ chỉ mang lại một lệnh ngừng bắn tạm thời cho các bên. Vấn đề chính ở Idlib là mong muốn của Tổng thống Bashar Assad - thiết lập toàn quyền kiểm soát khu vực và chặn biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.

Cuộc chiến ở Idlib, khu vực do phe đối lập kiểm soát cuối cùng ở Syria, đã trở thành thảm họa đối với người dân. Gần 1 triệu người đã rời bỏ nhà kể từ ngày 1-12, khi cuộc tấn công mới nhất của chính phủ bắt đầu, trong làn sóng dịch chuyển lớn nhất kể từ khi cuộc nội chiến ở Syria bắt đầu cách đây 9 năm. Không nơi nào để đi, nhiều người đã chen chúc đến biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, nơi đã tiếp đón 3,6 triệu người tị nạn Syria và từ chối cho những người mới vào. Nó cũng đã đưa Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO, đến sát bờ vực chiến tranh với Nga.

Trong tháng vừa qua, quân đội Syria và Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần đụng độ trên bộ và cả trên không. Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đã điều hàng ngàn binh sĩ đến Syria trong vài tuần qua, mọi sự can thiệp đã trở thành thảm họa: 58 lính Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng trong tháng qua, bao gồm 33 người trong một cuộc không kích vào tuần trước. Bị xúc phạm, Tổng thống Erdogan đã mở rộng biên giới với Hy Lạp, tuyên bố sẽ không còn kìm hãm dòng người di cư và người tị nạn muốn đến Châu Âu. Một số nhà lãnh đạo Châu Âu đã cáo buộc ông Erdogan sử dụng người tị nạn để "tống tiền" phương Tây.

Nhưng rõ ràng, động thái này cho thấy sự tuyệt vọng của ông Erdogan, đặc biệt là sau khi không nhận được sự trợ giúp theo đúng mong muốn từ NATO, và có khả năng gây phản tác dụng khi những cảnh kịch tính gợi nhớ đến cuộc khủng hoảng di cư năm 2015 diễn ra tại các cửa ngỏ của Châu Âu.

THANH VĂN