Có một trái tim luôn xao động...

Thứ bảy, 16/09/2017 10:03

Nhà thơ Thanh Tùng, tác giả thơ ca khúc nổi tiếng Thời hoa đỏ đã giã từ cõi tạm ngày 12-9, để lại trong lòng công chúng mộ điệu bao tiếc nuối, thương cảm...

Nhà thơ Thanh Tùng.

Tôi biết đến ca khúc Thời hoa đỏ khá muộn, nhưng khi lần đầu nghe bài hát, trái tim đã không khỏi xao xuyến vì ca từ, giai điệu quá hay, chảy tràn nỗi lòng khắc khoải trong một không gian thi ca đẹp đẽ và ấm áp. "Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao..." ngân vang trong ngày ông mất, thổn thức, vấn vương trong lòng mỗi người về những kỷ niệm tuổi học trò. Và đằng sau ca khúc quá nổi tiếng này, là cả một chuyện tình buồn với người vợ đầu mà ông yêu đắm say. Dù cho cuộc tình đổ vỡ nhưng khi vợ cũ qua đời, ông đã đến bên mộ vợ khóc thương, và từng con chữ tuôn trào trong nước mắt, để lại cho đời bản tình ca bất hủ  với thời gian. Thời hoa đỏ được nhà thơ Thanh Tùng viết vào khoảng năm 1972-1973, đến năm 1989 ở xứ Bạch Dương xa xôi, sau đó được nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng phổ nhạc đã nhanh chóng chắp cánh cho bài thơ đến với  công chúng yêu nhạc, neo đậu trong tâm thức của biết bao người... Trong văn học, "quý hồ tinh bất quý hồ đa", có lẽ, nhà thơ Thanh Tùng là minh chứng sống động nhất, chỉ Thời hoa đỏ cũng quá đủ làm rung động, si mê biết bao tâm hồn người yêu nhạc, yêu thơ. Bài hát gắn liền với tên tuổi của hai nữ ca sĩ là Lệ Thu và Thái Bảo. Trong đó, ca sĩ Lệ Thu là người đầu tiên thu âm bài hát này và được cho là người thể hiện thành công nhất. Phiên bản của Lệ Thu từng gây ấn tượng sâu sắc và lấy đi nước mắt của nhiều người sau khi được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam...

Sinh ra ở Nam Định nhưng tuổi trẻ của nhà thơ Thanh Tùng gắn bó với đất Cảng đã tạo nên mạch ngầm ngưng tụ trong thơ ông về một thời tuổi trẻ yêu đương rực cháy như loài hoa phượng đỏ say mê trên đất Cảng. Sau này khi vào sống ở TPHCM ông mới có nhiều thời gian đi đây đi đó nhưng có lẽ cái màu hoa ấy vẫn chưa hề dịu tắt, vẫn yêu thương cõi người nồng nàn như những gì ông đã gắn bó và tận hiến cho tình yêu, cho thi ca. Trong một lần trả lời phỏng vấn, ông đã chia sẻ nỗi niềm xúc cảm khi viết bài thơ mà sau này trở thành ca khúc cùng tên rất nổi tiếng: "Bài thơ được tôi viết khi đã chia tay cuộc tình với nhân vật nữ trong thơ (vợ tôi). Do vậy, tôi nhớ mãi "Mỗi mùa hoa đỏ về, hoa như mưa rơi rơi... Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi/ Như máu ứa một thời trai trẻ... Như tháng ngày xưa ta giận hờn/ Ta nhìn sâu vào mắt nhau...". Bài thơ toàn màu hoa đỏ, màu rực rỡ của cánh phượng ven mọi con đường thành phố Hải Phòng, màu đỏ của dòng máu tươi, của lửa cháy tình yêu trong tuổi trẻ, trong con tim từng đôi trai gái - và ở thời hoa đỏ này còn là mùa hạ có tiếng ve ngân ồn ào. Mùa của yêu thương bốc cháy trái tim trai trẻ. Nhưng tất cả vẫn là một nốt nhạc buồn, một dấu chấm than và nốt lặng kéo dài cho tới hết đời tôi" (nguồn: nhavantphcm).

Bìa sách "Thời hoa đỏ".

Cuộc đời của ông là một bản nhạc buồn, như bao thi sĩ vẫn luôn nặng nợ ân nghĩa da diết giữa dòng đời nghiệt ngã, đó còn là minh chứng hùng hồn cho những giai đoạn thăng trầm của đất nước. "Chân leo dốc Trường Sơn/ Giờ mỏi giữa sân nhà/ Muốn lăn vào lòng mẹ/ Như những ngày còn thơ/ Tiếng mẹ run như sóng/ Tiếng mẹ mềm như tơ/ Mẹ cười hay mẹ khóc/ Chỉ thấy mắt ta mờ" ( trích bài thơ Người về, Thanh Tùng). Chỉ mình ông mới biết tại sao ông lại yêu nhiều đến thế, yêu say đắm đến thế, yêu đến quên cả bản thân mình: "Anh đang gom nắng đầu hè/ Gọi hương sắc dậy, rừng ve chín đều/ Gió vàng xô bức tranh thêu/ Phượng hồng tô điểm, tình yêu trở mùa/ Hoàng hôn bảng lảng mõ khua/ Bến sông vọng tiếng chuông chùa bâng quơ" (Bức Tranh Tình, thơ Thanh Tùng). Gian truân trong cuộc sống, lận đận trong đường đời, mãi đến năm 2001 ông mới có tập thơ in riêng mang tên Thời hoa đỏ, tái bản năm 2016, tập thơ cũng đã được trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2002.

Có lẽ, bấy nhiêu cũng đã quá đủ, cho màu hoa rực cháy mãi mãi, như trong câu thơ ông viết: "Trái tim luôn xao động/ Như bên trong vẫn đầy ắp sóng Hồ Tây".

PHAN NAM