Có thể cứng rắn với Facebook

Thứ tư, 27/03/2019 07:20

Theo ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử-Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan chức năng Việt Nam phát hiện rất nhiều sai phạm lớn của Facebook tại Việt Nam, nhất là khi gần đây, mạng xã hội này tiếp tục đăng tải những thông tin sai sự thật về dịch tả lợn châu Phi hay các hình ảnh đầu độc khán giả về vụ xả súng ở New Zealand. Nếu họ tiếp tục không tuân thủ, chúng ta sẽ áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn cả về kinh tế kỹ thuật.

Ông Lê Quang Tự Do

3 nhóm vi phạm

Mới đây, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã công bố Facebook đang vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam và chỉ ra 3 nhóm vi phạm lớn. Đó là những vi phạm về quản lý nội dung thông tin trên nền tảng Facebook; quản lý hoạt động quảng cáo; quản lý thanh toán xuyên biên giới và không thực hiện đúng nghĩa vụ thuế với nhà nước Việt Nam.

Ông Lê Quang Tự Do cho biết: Về quản lý nội dung, Facebook cho rằng ưu tiên số 1 của họ là thực hiện tiêu chuẩn cộng đồng của mình để kiểm nghiệm nội dung, sau đó mới đến quy định pháp luật của nước sở tại nơi họ hoạt động. Thực tế, tiêu chuẩn cộng đồng của Facebook có nhiều điều không phù hợp với quy định pháp luật của Việt Nam. Đem tiêu chuẩn cộng đồng thực hiện ở Hoa Kỳ để áp đặt vào hoạt động ở Việt Nam thì không phù hợp và không đúng với thông lệ quốc tế.

Vi phạm về nội dung của Facebook rất nhiều. Có thể kể đến là Facebook cho phép nhiều tài khoản cá nhân, trang Fanpage đăng tải những nội dung xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân tràn lan trên mạng; nội dung không đúng sự thật, thông tin xuyên tạc gây hoang mang dư luận cộng đồng mà không có biện pháp để ngăn chặn; đăng tải nhiều bài viết có nội dung phản động, chống phá nhà nước, chế độ.

Về quảng cáo, Facebook cho phép cá nhân, tổ chức đăng những nội dung kinh doanh không được cấp phép; cho phép quảng cáo rao bán những mặt hàng vi phạm pháp luật, thậm chí cả những mặt hàng quốc cấm như vũ khí, tiền giả, động vật hoang dã, buôn bán người, mại dâm. Đặc biệt, Facebook cho phép “quảng cáo chính trị “ tức là người mua quảng cáo tự do phát tán, lan truyền thông điệp mà phần nội dung facebook hoàn toàn không kiểm duyệt đến một nhóm đối tượng theo yêu cầu của người mua quảng cáo. Những quảng cáo dạng này xuất hiện rất nhiều tại các dịp quan trọng của Việt Nam như trước thời điểm Đại hội Đảng, Hội nghị Trung ương... với nội dung xuyên tạc, tạo thành mối nguy hại lớn cho xã hội.

Vấn đề thuế, Facebook hiện không có hiện diện pháp nhân ở Việt Nam nên Nhà nước ta đang phải thu thuế nhà thầu (thuế của Facebook nhưng thu qua doanh nghiệp trong nước hoạt động kinh doanh với họ). Tuy nhiên, Facebook đã tránh né việc khấu trừ lại thuế cho doanh nghiệp khi doanh nghiệp đóng cho nhà nước, đẩy doanh nghiệp trong nước phải đóng thuế 2 lần (đóng cho mình và cho cả Facebook). Trong việc trốn tránh thuế nhà thầu, Facebook còn “lách” luật bằng cách thanh toán qua thẻ tín dụng quốc tế để gây khó khăn cho việc kiểm soát dòng tiền của cơ quan chức năng Việt Nam.

Nỗ lực ngăn chặn chưa hiệu quả

Hai năm vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhiều lần làm việc với Facebook, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cũng đã thay mặt Bộ trực tiếp làm việc với Facebook nhiều lần nhằm đàm phán với họ cùng giải quyết vấn đề. Theo ông Lê Quang Tự Do, những việc làm trên đã có được một số kết quả nhất định. Trong đó, Facebook đã cam kết tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam; phối hợp để ngăn chặn, gỡ bỏ trên 4.500 đường link vi phạm; có đầu mối trực tiếp nhận yêu cầu của Cục và xử lý những yêu cầu đó nhanh chóng hơn trước. Facebook cũng đã xem xét đến quy định pháp luật của Việt Nam bên cạnh tiêu chuẩn cộng đồng của họ để xử lý những nội dung được phản ánh vi phạm. Tuy nhiên trên thực tế, những việc làm trên vẫn chưa đạt được yêu cầu của phía Việt Nam. Việc ngăn chặn, gỡ bỏ đường link vi phạm diễn ra khá lâu. Một nội dung lan truyền trên Facebook phải mất vài ngày đến một tuần, thậm chí có nội dung phải đến 1 năm sau mới được gỡ bỏ. Như vậy, việc làm này không còn tác dụng ngăn chặn thông tin xấu, độc lan truyền trên môi trường mạng.

Hơn nữa, Facebook hoàn toàn thụ động trong việc ngăn chặn nội dung quảng cáo, vi phạm trên môi trường mạng. Mạng xã hội này thường chờ khi Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử yêu cầu chứ không đặt ra cơ chế để tìm kiếm hay không có bộ lọc để những nội dung vi phạm không tái hiện lại. Điều này có thể được hiểu như Cục gửi 100 tài khoản giả mạo tổ chức, cá nhân người nổi tiếng thì Facebook sẽ gỡ 100 tài khoản đó nhưng ngay ngày hôm sau một số cá nhân, tổ chức lập tài khoản lấy lại những tên tài khoản đã bị gỡ họ vẫn đăng tải. Như vậy việc ngăn chặn của họ như “bắt cóc bỏ đĩa”, Cục lại phải tiếp tục rà soát rồi lại gửi cho Facebook đề nghị gỡ bỏ. Để ngăn chặn việc này, Facebook chỉ cần đưa các tài khoản vi phạm vào danh sách không cho phép tái lập hoặc yêu cầu nếu tổ chức muốn lập tài khoản phải có văn bản chính thức, cá nhân phải có chứng minh nhân dân để đảm bảo đó là những tại khoản chính danh chứ không phải giả mạo nhưng Facebook đã không làm vậy. Cùng với nhiều tài khoản không chính danh, quảng cáo chính trị vẫn đang tràn lan trên mạng xã hội này.

Yêu cầu Facebook tuân thủ pháp luật

Thời gian vừa qua người dân, tổ chức, nhất là các nhà báo có khiếu nại, cần ý kiến phản hồi từ Facebook đều rất mất thời gian để nhận được câu trả lời. Về vấn đề này, Cục phó Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho rằng: Đây là tình trạng thường xảy ra bởi Facebook không có văn phòng đại diện nên họ thường lảng tránh hoặc không có đầu mối để trả lời những khiếu nại liên quan đến họ. Thực tế người dân, doanh nghiệp bị nói xấu, bôi nhọ không biết liên hệ với Facebook như thế nào; gửi email theo địa chỉ được cung cấp cũng không thấy phản hồi hoặc được phản hồi rất chậm. Điều này cũng khiến phóng viên các cơ quan báo chí gặp khó khăn khi liên hệ với Facebook. Nên vấn đề đặt văn phòng đại diện là rất cần thiết khi Facebook đã xác định thị trường Việt Nam là thị trường quan trọng, phát triển nhanh và có lượng người dùng rất lớn (trong tốp 10 thế giới) thì họ phải có nghĩa vụ đặt văn phòng đại diện để phục vụ các nhu cầu của khách hàng ở đây.

Luật An ninh mạng của Việt Nam mới có hiệu lực ngày 1-1-2019. Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã căn cứ vào nội dung của Luật này để đấu tranh với mạng xã hội Facebook. Tuy nhiên, Facebook chưa chấp thuận hai yêu cầu quan trọng là mở văn phòng đại diện và lưu trữ dữ liệu người dùng trong máy chủ đặt tại Việt Nam. Theo ông Lê Quang Tự Do, đây là 2 vấn đề khó khăn nhất hiện nay khi đàm phán bởi chúng ta vẫn chưa có những nghị định quy định chi tiết. Mạng xã hội này cho rằng việc mở văn phòng đại diện và lưu trữ dữ liệu đang được thực hiện theo chính sách chung của Facebook trên toàn cầu. Đặc biệt, sau nhiều lần làm việc với cơ quan chức năng của Việt Nam, Facebook vẫn từ chối thành lập, thậm chí bày tỏ ý định chưa muốn thành lập chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam để thực hiện các nghĩa vụ về thuế; đồng thời họ vẫn sử dụng các kênh thanh toán cũ. Như vậy để quản lý tốt những nội dung, hoạt động đăng tải thông tin trên Facebook cần có sự phối hợp liên bộ (Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Tổng cục Thuế, Ngân hàng Nhà nước).

Theo ông Lê Quang Tự Do, Việt Nam cần tích cực hoàn thiện các văn bản pháp luật. Trước mắt, Bộ Công an cần nhanh chóng xây dựng nghị định hướng dẫn chi tiết thực hiện Luật An ninh mạng. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cần chỉnh sửa những quy định có liên quan để phù hợp với thực tiễn trong đó có Nghị định 72 về quản lý cung cấp, sử dụng dịch vụ trên Internet và thông tin trên mạng. Tiếp đó, cần tăng cường sự phối hợp để ngăn chặn được những kênh thanh toán cho các hoạt động vi phạm pháp luật; tạo được sự bình đẳng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước qua việc thu thuế.

Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân khi sử dụng mạng xã hội cũng cần được quan tâm hơn để người dân, doanh nghiệp hiểu về luật mới ban hành, những hành vi bị cấm, hành vi vi phạm pháp luật, những quy định đối với doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam. Các cơ quan báo chí chính thống cần tích cực phát huy vai trò định hướng thông tin. Bản thân người sử dụng mạng xã hội cũng cần nên nâng cao nhận thức, hình thành bộ lọc để kiểm chứng thông tin trên mạng. Bên cạnh đó, cá nhân, tổ chức cũng cần điều chỉnh hành vi của mình, tuân thủ pháp luật khi tham gia mạng xã hội.

Đồng thời, các cơ quan chức năng vẫn cần tiếp tục đấu tranh với Facebook để yêu cầu họ tuân thủ các quy định pháp luật của Việt Nam. Nếu họ tiếp tục không tuân thủ, chúng ta sẽ áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn cả về kinh tế và kỹ thuật.

THU THỦY – MỸ BÌNH – TTXVN