“Cố vấn” không lương của chính quyền thành phố

Thứ tư, 14/10/2015 11:58

(Cadn.com.vn) - Từ khi trang Facebook “Quản lý đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi – Xanh – Sạch – Đẹp” do Phòng Quản lý đô thị Đà Nẵng (thuộc UBND thành phố) ra đời, anh Lê Công Phúc (33 tuổi, trú đường Trường Chinh, Đà Nẵng) đã mạnh dạn đề xuất khá nhiều ý tưởng đóng góp cho sự phát triển của thành phố. Đến nay, hơn 100 email đã được anh gửi đi, nhiều trong số đó đã được triển khai đưa vào thực tế.

Chàng trai trẻ Lê Công Phúc với hàng trăm hiến kế cho TP Đà Nẵng.

Tương tác với chính quyền qua email, facebook

Là người con của thành phố Đà Nẵng, sau khi tốt nghiệp Trường THPT Thái Phiên, Lê Công Phúc vào TPHCM học chuyên ngành marketing Trường ĐH Kinh tế. Có lẽ vì tính chất ngành học nên anh luôn tìm tòi, học hỏi những cái hay, cái mới lạ ở khắp nơi trên thế giới với mong muốn áp dụng tất cả những tiến bộ đó vào thực tế quê nhà – một thành phố đang trên đà phát triển. Đầu năm 2014, khi trang facebook nói trên được thiết lập, Phúc như có thêm “đất dụng võ”, có một nơi chính thống để đăng tải những ý tưởng, sáng tạo của mình. Ban đầu, Phúc chỉ đơn thuần phản ánh bằng cách đưa những hình ảnh không đẹp của thành phố như cột điện bị gãy đổ, cống ngầm mất nắp... Thấy tình hình được cải thiện hơn sau mỗi lần góp ý, vậy là anh mạnh dạn gửi thêm nhiều ý kiến đề xuất khác với mong muốn xây dựng Đà Nẵng giàu đẹp hơn.

Ngày 12-8 vừa qua, UBND TP Đà Nẵng đã có công văn gửi cho các Sở liên quan về việc triển khai các đề xuất của công dân, trong đó có rất nhiều đề xuất của Lê Công Phúc như: số hóa 3D các mẫu vật, cổ vật của các bảo tàng công lập trên địa bàn thành phố; phát triển môn đá cầu kiểng; khuyến khích các đơn vị kinh doanh đầu tư các loại hình giải trí pha mạo hiểm như zipline, highwire, luge...; đưa các loại hình nghệ thuật biểu diễn ra sân khấu ngoài trời phục vụ công chúng; triển khai việc mở cửa di tích thành Điện Hải phục vụ khách du lịch ban đêm như một hoạt động trong trục văn hóa – lễ  hội hai bên bờ sông Hàn...

Tình cờ như thế, Phúc trở thành thành viên tích cực của diễn đàn. Anh từng may mắn được đi nhiều nơi như Campuchia, Thái Lan, Singapore. Với mỗi chuyến đi như vậy, anh lại thu về cho mình thêm vô vàn ý tưởng. Những lúc rảnh rỗi, Phúc lại lên mạng, tìm tòi những cái hay, cái lạ của các nước tiên tiến trên thế giới, sau đó lưu lại thành từng file hình ảnh trên máy tính, nghiên cứu, xem xét tình hình thực tế của thành phố rồi triển khai thành văn bản gửi cho chính quyền. Ý tưởng của Phúc thì muôn hình vạn trạng, từ giao thông, hạ tầng đô thị đến văn hóa, môi trường... “Những ngày đầu cũng còn khá rụt rè, vì không phải ý tưởng nào của mình cũng hay. Nhưng thấy được mong muốn của tôi, chính thư ký của Chủ tịch UBND thành phố đã động viên, khuyến khích tôi có đề xuất gì thì cứ gửi. Từ đó tôi càng có động lực tìm tòi và học hỏi nhiều hơn”–Phúc cho hay.

Trung bình mỗi tháng, anh gửi email một lần cho lãnh đạo thành phố về những ý tưởng như lát gạch 3D, xây nhà vệ sinh công cộng, làm nắp cống chắn rác hình con cá... đều nhận được sự phản hồi nhanh chóng từ cơ quan chính quyền. Những ý tưởng nào chưa thực hiện được, anh đều nhận được câu trả lời thỏa đáng. Như việc lắp năng lượng mặt trời cho tòa nhà hành chính, anh được chính Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố gửi thư để giải đáp, phân tích lý do vì sao ý tưởng này chưa thể áp dụng được. Với những hiến kế khả thi hơn, anh được mời lên làm việc trực tiếp với lãnh đạo thành phố. Thậm chí, anh còn được đích thân Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ gửi email cảm ơn và ghi nhận những ý tưởng của anh. Nói về bức thư bất ngờ này, anh Phúc kể: “Những ý tưởng tôi gửi lên rất nhiều nên không nghĩ là lãnh đạo thành phố lại dành thời gian xem hết và gửi thư cảm ơn như vậy. Đó không chỉ thể hiện sự quan tâm của thành phố mà còn là niềm động viên để tôi tiếp tục cống hiến sức mình”.

“Lan tỏa giá trị của những ý tưởng”

Đó là câu slogan của TED – một chuỗi những hội thảo toàn cầu về công nghệ, giải trí, thiết kế mà theo Phúc, chính nó đã truyền cảm hứng sáng tạo cho anh. Anh chia sẻ: “Các ý tưởng của tôi không phải cái nào cũng khả thi nhưng tôi vẫn mạnh dạn nêu ra, bởi nếu im lặng thì ý tưởng đó cũng sẽ chết đi. Chi bằng cùng đưa ra để nhận được sự góp ý của mọi người, có khi nhờ đó mà ý tưởng ấy lại trở thành hiện thực”. Với hơn 100 email hiến kế cho thành phố, cứ tưởng đó đã là con số khá lớn, nhưng khi Phúc mở máy tính ra thì mới thấy, trong đó là cả hàng ngàn file dữ liệu đang “xếp hàng” chờ ngày được gửi đi. Một trong số những ý tưởng phát triển văn hóa, du lịch của thành phố được Phúc gửi đến Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ là việc tổ chức giải chạy Danang Sundown (dự kiến vào tháng 6-2016) – một cuộc thi chạy bộ vào ban đêm. Ngay sau đó, ý tưởng của Phúc được chuyển cho Sở VH-TT&DL xem xét. Ông Nguyễn Phúc Linh – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL thành phố cho hay, ông rất ủng hộ ý tưởng của anh Phúc về việc xây dựng Đà Nẵng trở thành điểm đến văn hóa, thể thao, du lịch và sẵn sàng hỗ trợ việc tổ chức giải chạy đêm khi có kế hoạch cụ thể.

Không dừng lại ở đó, Phúc còn tự mình thực hiện ý tưởng chế tác những mẫu vật tê giác Việt Nam và bán cho những người quan tâm. Theo anh, tê giác Việt Nam đã bị tuyệt chủng từ năm 2011, nhưng anh không muốn mọi người lãng quên nó. Việc chế tác những mẫu vật tê giác với các hoa văn sống động nhằm nhắc nhớ mọi người về loài động vật quý hiếm này và nâng cao nhận thức trong việc bảo tồn tê giác. Nếu được sự quan tâm, hỗ trợ, anh mong muốn mẫu tê giác của mình sẽ được tạc tượng với kích thước bằng con tê giác thật, trưng bày ở khu vực cầu sông Hàn vào những mùa pháo hoa để du khách có thể chiêm ngưỡng, chụp hình, vừa quảng bá hình ảnh thành phố, vừa thay đổi suy nghĩ của mọi người với hành vi săn bắt tê giác.

Mặc dù còn rất trẻ, nhưng Phúc vẫn ngày đêm suy nghĩ không ngừng để hiến kế cho thành phố. Anh tâm sự: “Nhiều người nói tôi bao đồng, có gì hay thì “giấu nghề” đi chứ ai đời cứ làm việc không công, nhưng tôi vẫn bỏ ngoài tai. Hiện tại, tôi vẫn chưa có cơ sở gì để khẳng định những cái mà thành phố đã hoặc đang làm là từ ý tưởng của mình, nên tôi hy vọng thành phố sớm xem xét, công nhận để tôi có được một vị trí nhất định, danh chính ngôn thuận mà cống hiến sức mình cho thành phố”.

Thảo Vy