Cơn bão kinh tế báo hiệu những cuộc biểu tình mới ở Iran
Ngay cả khi tình trạng bất ổn tại Iran đã nguội đi và mạng Internet đã được khôi phục, các yếu tố cơ bản dẫn đến sự bất mãn của công chúng vẫn còn đó.
Mọi người tham dự lễ tang hai nhân viên an ninh thiệt mạng trong các cuộc biểu tình phản đối tăng giá xăng dầu tại Tehran. Ảnh: Anadolu |
Iran đã quay cuồng sau hơn 10 ngày biểu tình, trong đó hơn 100 người biểu tình thiệt mạng tại các thành phố trên khắp đất nước kể từ khi các nhà lãnh đạo nước này yêu cầu các lực lượng an ninh dập tắt các cuộc biểu tình phản đối quyết định tăng giá xăng dầu hôm 15-11. Các cuộc biểu tình bùng phát do giá nhiên liệu, nhưng sự bất mãn xuất phát từ nạn lạm phát, chế độ gia đình trị và nền kinh tế tê liệt bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ đã diễn ra trong nhiều năm qua.
Trong khoảng thời gian 2012-2013, tỷ giá hối đoái của đồng rial (IRR) đã tăng từ 800 lên 3.600 IRR/ 1 USD. Tỷ lệ này vẫn giữ nguyên khi Kế hoạch hành động toàn diện chung 2015, hay thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với các cường quốc thế giới, được ký kết. Nhưng vào đầu năm 2018, khi Mỹ đe dọa rút khỏi thỏa thuận, tỷ giá này tăng vọt trở lại, đạt 14.000 IRR/1 USD vào tháng 4-2019.
Các sự cố lặp đi lặp lại trong tỷ giá hối đoái đã gây ra hậu quả xấu đối với toàn nền kinh tế, ảnh hưởng đến mọi thứ, từ giá trái cây đến tiền thuê nhà cũng như tiền tiết kiệm của người dân. Năm ngoái, người dân thủ đô Tehran đã trải qua một đợt tăng giá thuê nhà lên gần 2/3, với một số chủ sở hữu tài sản thậm chí còn yêu cầu người thuê phải trả bằng đồng USD, vốn ngày càng trở nên khan hiếm. Tỷ lệ lạm phát hàng năm hiện ở mức khoảng 42%.
“Thế hệ Aghazadeh”
Trong khi người dân Iran đang mất dần sức mua hàng hóa, các quan chức chính phủ, gia đình và người thân của họ ngày càng giàu hơn.
Chủ nghĩa gia đình trị là rất phổ biến ở Iran, và nó khiến cho thế hệ trẻ giỏi giang ở Iran không thể làm việc trong các cơ quan nhà nước. Trong 4 thập kỷ qua, kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo 1979, người Iran đã chứng kiến cùng một nhóm người nắm quyền lực và nắm giữ chức vụ ngày càng cao hơn. Một câu nói đùa phổ biến tại nước này là "các quan chức cấp cao không bao giờ chết, họ chỉ di chuyển từ vị trí này sang vị trí khác". Các quan chức hàng đầu được bảo đảm về chức vụ, sự giàu có và con cái, họ hàng của họ cũng chắc chắn sẽ có được một vị trí tốt. Điều này làm phát sinh thuật ngữ “Aghazadeh”, có nghĩa là con cháu của quan chức lớn.
Tham nhũng tràn lan cũng là những đặc điểm phổ biến trong nền chính trị Iran hiện nay, và các tờ báo trong nước hầu như ngày nào cũng đăng tin về các cá nhân bị bắt vì tội lừa đảo hoặc chuyển một số tiền khổng lồ ra nước ngoài.
Chi tiền cho tôn giáo
Chi tiền quỹ nhà nước cho các tổ chức tôn giáo nhằm đạt được quyền lực mềm là một nguyên nhân khác gây ra sự bất bình của công chúng. Vào thời điểm các lệnh trừng phạt làm tê liệt nền kinh tế, các tổ chức tôn giáo, cơ sở văn hóa và các tổ chức quyền lực mềm vẫn nhận được số tiền khổng lồ từ chính phủ.
Trong khi sinh viên đại học phải chịu cảnh giá cả chi tiêu cao, phải ở trong các ký túc xá cũ nát thì sinh viên trong các trường tôn giáo được hưởng quá nhiều đặc quyền. Ví dụ, Trung tâm Dịch vụ Hội thảo Hồi giáo dành riêng các khoản phúc lợi cho các sinh viên chủng viện tôn giáo trong và ngoài nước, cấp cho họ bảo hiểm, các khoản vay mua nhà và thậm chí là các khoản thanh toán mua hàng.
Trốn thuế
Một yếu tố khác làm tổn thương ngân sách nhà nước là trốn thuế. Hầu hết các nhân viên chính phủ đều nộp thuế đầy đủ vì trừ từ tiền lương hàng tháng. Ngược lại, các bác sĩ, doanh nhân, chủ doanh nghiệp và các cơ sở tôn giáo không phải trả thuế, trả rất ít hoặc được miễn hoàn toàn.
Trong một bài phát biểu gần đây, người đứng đầu Tổ chức Thuế Iran cho biết, hơn một nửa số người có thu nhập cao nhất của nước này không phải trả thuế. Một báo cáo gần đây nhấn mạnh rằng trong năm qua, số tiền trốn thuế lên đến 1,5 tỷ USD và đây chỉ là số tiền được phát hiện. Số tiền thuế chưa được phát hiện có thể lên tới gần 7 tỷ USD, một khoản tiền có thể tăng đáng kể ngân sách nhà nước.
Lệnh trừng phạt của Mỹ
Cuối cùng, lệnh trừng phạt của Mỹ đối với ngành dầu khí của Iran một năm trước đã làm suy giảm đáng kể ngân sách quốc gia. Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền và khôi phục các lệnh trừng phạt đối với Iran, khoản thu từ xuất khẩu dầu giảm mạnh do Tehran buộc phải chuyển lậu hoặc cung cấp dầu với giá thấp và thậm chí phải chịu phí vận chuyển để có thể tìm kiếm khách hàng. Trong trường hợp Iran chuyển dầu cho khách hàng thành công, việc lấy lại tiền cũng vô cùng khó khăn. Tiền thường bị giữ lại ở nước ngoài và Tehran chỉ có thể sử dụng nó để mua hàng hóa từ nước mua dầu. Điều này khiến doanh thu sụt giảm nghiêm trọng.
Nhưng trong bối cảnh đó, chính phủ lại quyết định tăng thuế xăng dầu, 50% cho 60 lít đầu tiên và 300% cho số dầu sau đó. Chính sách này có thể đã đúng, nhưng thời điểm áp dụng và cách thực thi không thể tồi tệ hơn, và điều đó đã làm bùng nổ sự bất mãn. Sau một tuần xuống đường, tình hình dường như đã nguội bớt, nhưng chính phủ Iran và toàn bộ hệ thống cầm quyền nên hiểu rõ: Nếu họ không giải quyết các vấn đề cốt lõi và cải cách nền kinh tế, sẽ có thêm các cuộc biểu tình trong thời gian tới.
AN BÌNH