Côn Đảo - một thời và mãi mãi (3)
* Bài 3: Tình người trở lại
(Cadn.com.vn) - Trong số những người có hộ khẩu thường trú tại Côn Đảo, nhiều người quê gốc không phải ở đây. Trong đó, có người nguyên là cựu tù Côn Đảo, ở lại với một tâm nguyện giản dị mà cao cả: để được chăm lo, hương khói cho đồng đội và để những cựu tù từ đất liền khi ra thăm lại “chiến trường xưa”-nơi thử thách lòng trung kiên của người chiến sĩ cách mạng (CM)- cảm thấy được ấm lòng ...
Cựu tù Côn Đảo hiện sống ở hòn đảo này còn 6 người, trong đó có một nữ duy nhất là bà Tư Ni (Nguyễn Thị Ni - 75 tuổi). Hỏi nhà bà Tư Ni, không ai không biết. Nhà bà ở bên hông chợ Côn Đảo, nằm trên con đường mang tên nữ anh hùng Võ Thị Sáu. Khi tôi đến trời đã nhá nhem tối, bà đang dọn quầy tạp hóa. Đã quá quen thuộc với việc được báo chí “làm phiền”, bà cười hồn hậu: “Ai chỉ cho con tìm gặp bà vậy?”. “Dạ! Ban quản lý di tích Côn Đảo giới thiệu ạ!”. Bà hỏi tiếp: “Con đã ra viếng Nghĩa trang liệt sĩ Hàng Dương (NTLSHD) chưa? Bà mới nhờ cô bán quầy tạp hóa bên kia chở đi thắp hương hồi sáng. Mỗi lần nhớ mấy chỉ (chị ấy-P.V) là bà lại ra thăm, thắp cho mấy chỉ vài nén nhang”...
Tham gia làm giao liên khi 21 tuổi, cô gái quê xã Tân Trung, H. Gò Công Đông (Tiền Giang) nhiều lần bị địch bắt rồi giả vờ làm người điên để được gia đình, cơ sở tìm cách “chạy” ra khỏi khám. Đến tháng 6-1971, khi bị Tổng nha Cảnh sát bắt nhốt tại nhà lao Thủ Đức thì không thể “chạy” được nữa. Sau nhiều lần chuyển trại, đến tháng 10-1972, bà bị địch đưa ra Côn Đảo. “Tháng đó lúa trong mình chín vàng mơ, con à! Vừa xuống sân bay Cỏ Ống, chúng đã đẩy bà lên xe đưa về nhốt tại phòng 6 trại II (Phú Hải) cùng với 36 nữ tù khác. 2 năm giam cầm ở Côn Đảo là 2 năm bị địch dùng đủ cực hình tra tấn.
Bà Tư Ni - nữ cựu tù duy nhất còn sống tại Côn Đảo. |
Chỉ biết đưa ra Côn Đảo là coi như “đi đến địa ngục cuối cùng rồi”. Xác định thế để kiên gan bám trụ... Hồi đó, tóc chị nào cũng dài tới tận chân vì không có kéo cắt. Mỗi lần tra tấn, chúng cứ nắm lấy tóc lôi đi. Khi trả về lại phòng giam, người chẳng ra người, máu me đầm đìa... Vài tháng sau, bọn chúng xuất bà qua trại IV (trại Phú Tường), chung trại với bà Trương Mỹ Hoa, Nguyễn Thị Thắng. Mỗi lần được cho ra tắm nắng, chị em gặp nhau, động viên bền gan, vững chí đấu tranh”.
Chuyện tình của bà với ông Tư Hoàng, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Côn Đảo có thể xem là thiên tình sử của những con người yêu nước cảm khái mà tìm đến nhau. Bà Tư Ni nhớ, ngày 5-3-1974, bà được trao trả tù nhân tại sân bay Lộc Ninh (Đồng Nai), được cơ sở phân về công tác tại Hóc Môn đến năm 1982 thì về Gò Công, rồi được tổ chức cho đi học công tác nữ tại trường Lê Thị Riêng ở Thủ Đức. “Trường này cách trường 8 Nguyễn Ái Quốc không xa. Cuối tuần, bà lại qua xin đi nhờ xe lãnh đạo về quê. Rồi mấy ảnh giới thiệu ông Tư Hoàng cũng đang theo học tại trường 8 Nguyễn Ái Quốc cho bà. Ảnh có một đời vợ trước và 1 đứa con gái. Cưới nhau hồi tháng 3-1983, đến năm 1984 thì bà ra Côn Đảo...”. “Bà có mấy người con ạ? Anh chị làm gì, có ở cùng ông bà không ạ?”.
“Bà không có con. Chỉ có con riêng của ổng thôi!”. Mãi sau này tôi được biết, hầu hết những nữ tù nhân ở Côn Đảo sống sót trở về trong ngày hòa bình lập lại đều... vô sinh. Dù đã 75 tuổi nhưng bà vẫn miệt mài lao động để mưu sinh và làm chỗ dựa cho con cháu chồng... Niềm vui của ông bà là được đón những cựu tù từ đất liền ra thăm; là được vào NTLSHD để thắp hương cho đồng đội nằm lại nghĩa trang. Lạc quan, yêu đời, phải chăng nhờ thế mà bà đã vượt qua những cơn đau khi trái gió, trở trời, nhất là nỗi đau đớn bị địch cướp đi quyền thiêng liêng nhất của người phụ nữ: quyền làm mẹ!...
Cựu tù Côn Đảo Phan Hoàng Oanh cùng các cháu nội ngoại. Ảnh: P.T |
Kể làm sao cho hết sự khốc liệt, dã man mà kẻ thù đã gây ra cho những người tù chính trị trong suốt hơn 113 năm tồn tại hệ thống “địa ngục trần gian” này. Tôi nhớ mãi câu nói bác Phan Hoàng Oanh- Chủ tịch Hội người tù kháng chiến H. Côn Đảo, nguyên là du kích, Phó Bí thư xã Đông Hưng, H. An Minh (Kiên Giang), bị địch bắt trong một trận càn và đưa ra Côn Đảo giam cầm vào tháng 5-1970- rằng, 5 năm bị giam tù tại Côn Đảo là 5 năm ông được học ở một trường đại học CM lớn.
Trong lần trở lại thăm ông, tôi được gặp bà Trần Thị Chuỗi- người vợ mới cưới 5 tháng thì ông bị địch bắt đưa ra giam cầm tại Côn Đảo, đến sau ngày giải phóng trở về mới biết mình có một đứa con và bà vẫn thủy chung chờ đợi sau gần 7 năm bặt tin tức. Hỏi điều gì khiến bà chờ đợi ông, bà cười đáp: “Có lẽ, đó là linh cảm của một người vợ”. Hỏi, vì sao bà chấp nhận rời quê hương Kiên Giang theo ông ra Côn Đảo, bà cười đôn hậu: “Mình là vợ, ổng đi đâu, mình đi đó chứ con!”. Ông Oanh bộc bạch: “Đến tận giờ bác thấy quyết định ở lại Côn Đảo là hoàn toàn đúng. Bác vừa mới đưa mấy cựu tù Côn Đảo từ đất liền ra thăm lại chiến trường xưa. Ai cũng mắt mờ, chân yếu, tay run, đi thăm lần ni có lẽ rồi thôi, không bao giờ gặp lại...”.
Lang thang khắp Côn Đảo, từ cầu Ma Thiên Lãnh, cầu tàu 914 đến nơi bãi sọ người, các sở muối, sở lò vôi, bãi đập đá Côn Lôn, các trại giam thời Pháp, Mỹ..., nhiều lúc tôi run lên vì không sao chịu đựng nổi những câu chuyện do thuyết minh viên kể: Nào trò “chích điện”, “quay điện”, “đi trực thăng”, trò “mưa bột”, dội nước, tắm nắng, tắm mưa trong nhà lao...; vẫn chưa đủ, giặc còn nhốt các chiến sĩ CM trong chuồng bò- nơi bò và người ở chung. Nước cùng phân bò chảy sang hầm nhốt tù, biến nơi đây thành nơi ngâm mình của người tù, để sau đó bọn cai ngục tiếp tục hành hạ cực kỳ dã man và bí mật...; và tôi hiểu, vì sao những cựu tù Côn Đảo đã chọn nơi đây làm nơi gắn bó phần đời còn lại của mình...
Bút ký: Phan Thủy
(còn nữa)