Con đường gập ghềnh
Ngay khi bắt đầu cuộc họp với hai người đồng cấp Hàn Quốc và Nhật Bản bên lề đối thoại Shangri-La tại Singapore ngày 3-6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã khẳng định sẽ là một con đường gập ghềnh để đi đến hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều vào ngày 12-6 tới tại Singapore.
Người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng nhấn mạnh, Triều Tiên sẽ chỉ nhận được cứu trợ sau khi nước này cho thấy các bước phi hạt nhân hóa. “Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện tất cả các nghị quyết của HĐBA LHQ về Triều Tiên. Triều Tiên sẽ nhận được cứu trợ chỉ khi nước này có các bước phi hạt nhân hóa có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược”, ông Mattis nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cùng ngày cũng tuyên bố đã đạt được một thỏa thuận với những người đồng cấp Mỹ và Hàn Quốc nhằm hợp tác kêu gọi Triều Tiên đưa ra những bước đi cụ thể hướng tới phi hạt nhân hóa. Phát biểu sau cuộc họp, ông Onodera cho biết, ba quan chức quốc phòng “đã nhất trí hợp tác chặt chẽ nhằm hối thúc Triều Tiên đưa ra những bước đi cụ thể” một cách trọn vẹn, có thể xác minh và không thể đảo ngược.
Kể từ khi tiến hành vụ thử nghiệm hạt nhân đầu tiên vào năm 2006, Triều Tiên hứng chịu hàng loạt biện pháp trừng phạt kinh tế vì chương trình hạt nhân và tên lửa. Bất chấp bị LHQ và Mỹ trừng phạt, Triều Tiên nhất quyết không từ bỏ chương trình hạt nhân và điều này gây leo thang căng thẳng. Chính quyền ông Trump muốn Triều Tiên “phi hạt nhân hóa”, nghĩa là loại bỏ kho hạt nhân của nước này, để đổi lấy việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế và thậm chí là hỗ trợ tài chính dành cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên ban lãnh đạo Triều Tiên lại tin rằng vũ khí hạt nhân là yếu tố quan trọng cho sự đảm bảo an ninh của nước này và đã đơn phương từ chối giải trừ vũ khí.
Xem ra, không dễ gì Mỹ và Triều Tiên tìm thấy tiếng nói chung về vấn đề này trong cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới.
BẢO NGÂN