Con đường tái thiết gập ghềnh của Syria
Khi Tổng thống Syria Bashar al-Assad đang nỗ lực bước vào quá trình tái thiết đất nước sau những chiến dịch quân sự chống phiến quân thành công, các biện pháp trừng phạt của phương Tây là trở ngại lớn có thể khiến các Cty nước ngoài sợ hãi.
Các lệnh trừng phạt của phương Tây là trở ngại lớn cho nỗ lực tái thiết ở Syria. Ảnh: AFP |
Syria đã phải chịu đựng sự hủy diệt vật chất to lớn, trong khi hàng triệu người lao động đã bỏ chạy, bị bắt giữ hoặc bị giết. Một cơ quan của LHQ ước tính, cuộc chiến ở quốc gia Trung Đông này “có giá” 388 tỷ USD.
Cái giá 388 tỷ USD
Với cái giá này, việc tái thiết quy mô lớn vẫn có vẻ xa vời.
Các nước ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad là Nga và Iran, cũng như Trung Quốc, đã thực hiện một số khoản đầu tư trong nước, nhưng họ không thể chi trả chi phí tái thiết và muốn các nước khác chia sẻ gánh nặng.
Nhưng, các nước phương Tây tuyên bố sẽ không chấp thuận tài trợ tái thiết cho Syria, hoặc thả lỏng các lệnh trừng phạt mà không có một thỏa thuận chính trị nào. Khi Tổng thống Assad đang nỗ lực bước vào quá trình tái thiết đất nước sau những chiến dịch quân sự chống phiến quân thành công, các biện pháp trừng phạt của phương Tây là trở ngại lớn có thể khiến các Cty nước ngoài sợ hãi. Mặc dù một số Cty nỗ lực để vẫn hoạt động kinh doanh ở Syria, phạm vi rộng lớn của các biện pháp trừng phạt và áp lực của Mỹ khiến các Cty có nguy cơ vô tình vi phạm lệnh cấm. Và vì vậy, hầu hết các Cty phương Tây đều muốn tránh xa.
Một trong những hy vọng cho công việc tương lai ở Syria, nhà sản xuất ống của Đức Ostendorf Kunststoffe, trưng bày tại một hội chợ thương mại quốc tế ở Damascus và đang xây dựng mối quan hệ với khách hàng tiềm năng. Tuy nhiên, họ vẫn chưa đồng ý bất kỳ hợp đồng nào và đại diện của họ ở Beirut cho biết, Cty đang chờ đợi một nguyên tắc chính trị rõ ràng. “Chúng ta có trở ngại. Không có bất kỳ vận chuyển trực tiếp nào từ Đức đến Syria. Có những ngân hàng Syria không thể nhận được bất kỳ khoản tiền nào từ Châu Âu, và các Cty Châu Âu sợ nhận thêm bất kỳ phiền phức nào từ Syria”, đại diện Nabil Moughrabie nói.
Đầy rẫy hiểm nguy
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ áp đặt với Syria được đưa ra trước khi bùng nổ chiến tranh, nhưng rồi mở rộng sau khi những chiến dịch trấn áp của chính phủ Tổng thống Assad nhằm vào những người biểu tình trong năm 2011 và một lần nữa khi nước này lâm vào chiến tranh.
Các biện pháp trừng phạt làm tê liệt tài sản của nhà nước Syria và hàng trăm Cty và cá nhân, bao gồm cả nhân vật quan chức chính phủ, quân nhân, nhân viên an ninh và những người khác bị buộc tội tham gia vào quá trình chế tạo vũ khí hóa học. Sau Mỹ, các biện pháp trừng phạt của Liên minh Châu Âu (EU) được áp dụng vào tháng 5-2011 và được gia tăng nhiều lần kể từ đó. Trong động thái mới nhất, Tổng thống Donald Trump thông báo Washintgon sẽ tiếp tục các biện pháp trừng phạt đối với Syria thêm 1 năm. Một sắc lệnh hành pháp được ban hành nhằm phong tỏa tài sản của những cá nhân đã bị chỉ rõ, đồng thời cấm xuất khẩu một số hàng hóa sang Syria. Vì vậy, các Cty sẽ gặp rủi ro rất lớn nếu các giao dịch liên quan đến người Mỹ hoặc Cty Mỹ. Ngay cả các Cty “siêng năng nhất” cũng có thể vô tình rơi vào tình trạng tài sản bị đóng băng bằng cách đối phó với một cá nhân hoặc tổ chức bị liệt vào danh sách đen trong môi trường kinh doanh mờ đục của Syria. Rủi ro đó đã tăng lên khi Tổng thống Assad giành lại quyền kiểm soát đất nước, bởi các nước phương Tây không muốn điều này.
“Những người thực hiện các nỗ lực tái thiết và những người phụ trách có thể bị nhắm mục tiêu bởi các biện pháp trừng phạt tài chính”, một chuyên gia nói. Bộ trưởng Tài chính Syria Mamoun Hamdan hồi tuần trước nói với Reuters rằng, các lệnh trừng phạt là bất công bởi vì nó gây ảnh hưởng lớn đến những người bình thường cũng như chính phủ và quân đội.
Mặc dù đã miễn trừ nhân đạo, các biện pháp trừng phạt ảnh hưởng đến chế độ chăm sóc sức khỏe ở Syria, đại diện Syria của Tổ chức Y tế Thế giới Elizabeth Hoff nhận định. Các biện pháp xử phạt ảnh hưởng đến việc mua một số loại thuốc bằng cách ngăn chặn giao dịch với các ngân hàng nước ngoài và ngăn chặn nhiều Cty dược phẩm quốc tế giao dịch với Syria.
KHẢ ANH
SYRIA BÁC TIN SÂN BAY QUÂN SỰ Ở DAMASCUS BỊ TẤN CÔNG Hãng thông tấn SANA của Syria dẫn lời một nguồn tin quân sự bác bỏ thông tin cho rằng xảy ra một vụ không kích hoặc tấn công tên lửa nhằm vào căn cứ không quân Mazzeh, phía tây thủ đô Damascus của Syria vào sáng 2-9. Theo SANA, nguyên nhân của các vụ nổ là do chập điện tại kho vũ khí gần căn cứ trên. Thông báo trên được đưa ra vài giờ sau khi nhiều nguồn tin cho biết đã nghe thấy ít nhất 2 tiếng nổ tại căn cứ không quân Mazzeh thuộc vùng ngoại ô cùng tên, phía tây Damascus. Trước đó, kênh truyền hình i24NEWS đưa tin, các lực lượng chính phủ Syria được cho là đã đánh chặn 5 “tên lửa của kẻ thù” nhằm vào một kho vũ khí tại sân bay quân sự Mezzeh gần Damascus. Kênh truyền hình al-Mayadeen và một số nhà hoạt động ủng hộ chính phủ Syria cho biết, những tiếng nổ trên là hậu quả của một vụ tấn công bằng tên lửa từ Israel. T.L |