"Con hổ mới" của Trung Á
(Cadn.com.vn) - Từng là đất nước của sự độc tài và biệt lập, song những cải cách gần đây đang mang đến nhiều hứa hẹn về Turkmenistan - "con hổ mới" của Trung Á.
Năng lượng
Cách tiếp cận của Ashgabat dựa vào 3 trụ cột: đường ống, khai thác khí hydrocarbon và phát điện.
Mặc dù đến năm 2009, Turkmenistan vẫn phụ thuộc gần như hoàn toàn vào năng lượng của Nga, nhưng hiện nay, quốc gia Trung Á này đã có những hệ thống đường ống dẫn dầu đa dạng, với 3 con đường xuất khẩu khác nhau. Đầu tiên vẫn là đường ống Trung Á-Trung tâm đưa năng lượng từ Nga đến các nước Châu Âu. Tuyến đường thứ hai liên kết Turkmenistan với Iran qua Korpezhe-Kurt Kui và kể từ năm 2010 còn có hệ thống Dauletabad-Sarakhs-Kargan.
Nhưng con đường thứ ba mới quan trọng nhất: tuyến Trung Quốc - Trung Á, cho phép Ashgabat vận chuyển khí trực tiếp sang Bắc Kinh, cung cấp hơn 40% khí đốt cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào năm 2020. Tuyến đường thứ tư, dự kiến sẽ hoàn thành vào 2016-2017, đó là đường ống dẫn khí Đông-Tây trong nước. Đó là chưa kể tuyến đường ống xuyên Caspian.
Ngoại giao "vận tải"
Turkmenistan đang nỗ lực chấm dứt nhiều thập niên dài tự cô lập, đặc biệt là lần đầu tiên tổ chức một hội nghị quốc tế tại Ashgabat vào năm 2012.
Turkmenistan rõ ràng muốn khẳng định vị thế trung tâm của "con đường tơ lụa" lớn. Nước này cũng đã gia nhập Các quốc gia Hợp tác Kinh tế khu vực Trung Á (CAREC) trong năm 2010; ký kết Hiệp định đa phương về giao thông vận tải quốc tế của hành lang Châu Âu-Caucasus-Châu Á năm 2013 - hai bước sẽ thúc đẩy hội nhập của Turkmenistan với hành lang giao thông liên lục địa.
Ngoài ra, Ashgabat cũng thiết lập một quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc vào năm 2013, và theo đuổi các mối quan hệ đặc biệt với Thổ Nhĩ Kỳ. Trung Quốc và Turkmenistan hiện ưu tiên phát triển "con đường tơ lụa" nằm trong vành đai kinh tế của Bắc Kinh giai đoạn 2014-2018. Với Ankara, Ashgabat chú ý đến thỏa thuận thương mại tự do rộng rãi vào năm 2015 để thúc đẩy thương mại song phương vốn ở mức 5 tỷ USD vào năm 2013.
Cuối cùng là dự án tuyến đường sắt Turkmenistan-Afghanistan-Tajikistan khởi công vào tháng 6-2013, giúp liên kết với Iran. Bằng cách kết nối Afghanistan và Tajikistan, Turkmenistan có thể làm tăng vai trò lãnh đạo trong khu vực giúp Afghanistan hồi phục cũng như kéo Dushanbe và Tashkent xích lại gần nhau hơn.
Những cải cách
Một vấn đề cần nhìn nhận là nỗ lực cải cách để tạo ra nền kinh tế cạnh tranh hơn. Sau khi thông qua hiến pháp mới vào năm 2008, Ashgabat bắt tay vào những cải cách nhằm biến đất nước thành nền kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế toàn cầu.
Năm 2013, chính phủ nước này thành lập một ủy ban để gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và nhắm đến việc tư nhân hóa lĩnh vực vận chuyển, xây dựng và truyền thông. Và cải cách mang tính biểu tượng nhất cho đến nay là việc chấm dứt trợ cấp khí đốt cho người dân, vốn có từ năm 1993, và phụ cấp xăng dầu 120 lít mỗi tháng. Một vòng mới của cải cách phản ảnh một quốc gia "biến đổi chính trị xã hội".
Trong khi một số nhà quan sát chào đón những nỗ lực cải cách mới nhất của Turkmenistan với thái độ hoài nghi, có lý do để tin rằng cam kết của Ashgabat là nghiêm túc. Tuy nhiên, Diplomat cho rằng, sự tăng trưởng đáng kể thời gian qua và trong những năm, một mặt sẽ tạo nhiều cơ hội, nhưng chắc chắn cũng đặt ra những thách thức cho Turkmenistan.
Thanh Văn