Cơn lốc hàng Thái (2)

Thứ sáu, 06/05/2016 10:44

* Bài cuối: Học gì từ người Thái

(Cadn.com.vn) - Dù hàng Thái tràn vào đang đặt ra nhiều thách thức với hàng Việt, với nền sản xuất trong nước song cách tiếp cận thị trường bài bản, có chiến lược của người Thái cũng để lại cho doanh nghiệp (DN) Việt nhiều bài học quý giá.

Tầm nhìn xa

Giải thích lý do người Thái chọn thị trường Việt để “phủ sóng” hàng hóa, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng, ông Phan Hải cho biết vì thị trường Việt gần 100 triệu dân, đang ở cơ cấu dân số vàng, hàng hóa chưa bão hòa lại rất gần Thái, nhìn xung quanh thì đây quả là “miếng mồi béo bở” với người Thái. “Thị trường Việt chưa bão hòa, sản phẩm chỉ cần nhích hơn mặt bằng chung một chút về chất lượng, mẫu mã là có thể tồn tại, dù đến sau. Trong khi đó, như thị trường Nhật giờ bão hòa rồi, bán được một sản phẩm ở đó khó vô cùng, sản phẩm phải siêu bền, siêu rẻ, hàm lượng trí tuệ khủng khiếp...” - ông Hải nói. Cũng theo ông Hải, giá hàng Thái phù hợp, chất lượng tốt vì các nhà sản xuất Thái đã đủ khấu hao máy móc, công nghệ, hàng hóa họ sản xuất đã dư thừa so với nhu cầu trong nước buộc họ phải tìm thị trường mới để tiêu thụ.

Để hàng Thái có thể tung hoành thị trường Việt như hôm nay người Thái đã có chiến lược chuẩn bị từ nhiều năm trước rất bài bản và chuyên nghiệp. Ông Lê Viết Tươi, nguyên Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng chia sẻ, người Thái rất coi trọng công tác xúc tiến thương mại. Không những tổ chức các hội chợ quy mô trong nước mà họ sẵn sàng bỏ kinh phí lớn tham gia nhiều hội chợ thương mại ở các nước, nhất là Việt Nam.

Người Thái đã nhắm tới thị trường Việt nên chuẩn bị kỹ lưỡng từ nhiều năm trước chờ tới khi các cam kết hội nhập ASEAN có hiệu lực mới bung ra mạnh mẽ. Thậm chí từ nhiều năm trước DN Thái đã cho nhân viên học tiếng Việt để sang chào bán hàng. Các nhà lãnh đạo Thái cũng tận dụng mọi cơ hội để ủng hộ, tiếp thị cho hàng Thái. Đó thực sự là những bài học quý giá cho DN Việt.

Gian hàng Thái tại một hội chợ thương mại ở Đà Nẵng.

Bài học niềm tin

Niềm tin với người dùng chính là chất lượng, mẫu mã, giá cả trên sản phẩm. Để có được niềm tin đó, người Thái phải xây dựng, chuẩn bị hàng chục năm. Và việc xây dựng ấy là một tổng thể bài bản, có chiến lược từ xúc tiến thương mại, tiêu chuẩn sản phẩm, kênh phân phối đặc biệt là các biện pháp bảo vệ hàng Thái. “Hình ảnh quốc gia bây giờ là sản phẩm hàng hóa, nó đi được đến đâu? Tất nhiên, sản phẩm cụ thể thì DN lo, nhưng còn hình ảnh hàng hóa mang tầm quốc gia thì cần tổng lực, cần hỗ trợ nhiều phía, cần có chiến lược chứ không thể để DN tự bơi. Người Thái làm thương hiệu hàng hóa bài bản như vậy nên uy tín xuất xứ trong sản phẩm họ rất cao. Hàng hóa đi đến đâu thấy xuất xứ từ Thái Lan là người dùng có niềm tin” – ông Phan Hải nói. Còn hàng Việt thì sao?, ông Hải cho rằng để xây dựng niềm tin cho hàng Việt, trước hết phải từ DN sản xuất, DN phải cam kết công bố minh bạch và chịu trách nhiệm sản phẩm của mình trước người dùng chứ không chỉ là hô hào. Vấn đề ở đây là kinh doanh phải có đạo đức, thì sản phẩm mới có chuẩn mực, có niềm tin với người dùng.

Nhưng không phải mặt hàng nào của Thái cũng mạnh. Họ cũng không xây dựng theo kiểu “dàn hàng ngang” tất cả mà có những chọn lọc nhất định. Đây cũng được xem là một bài học cho hàng Việt. “Để có thương hiệu hàng Việt mạnh, tạm gọi là thương hiệu quốc gia thì cần phân tích từng ngành, cái nào mình có thế mạnh thì đầu tư, còn cái nào người Thái đã mạnh rồi thì phải chấp nhận thua, dù ngay trên sân nhà. Thời trang, giày dép mình xuất khẩu thứ 3 thế giới, rõ ràng có thế mạnh, nhưng lại quá ít thương hiệu Việt mà chủ yếu gia công, vậy vì sao Nhà nước không tập trung vào ngành này để đầu tư mạnh?”- ông Hải băn khoăn.

Hải Hậu