Cơn lốc hàng Thái

Thứ năm, 05/05/2016 09:15

Bài 1: “Phủ sóng” khắp nơi

(Cadn.com.vn) - Tại Đà Nẵng hàng Thái đã thâm nhập bằng nhiều đường, "phủ sóng" nhiều nơi đang dần thay thế hàng Trung Quốc và tạo áp lực rất lớn lên hàng Việt.

Khu sản phẩm hàng Thái tại Metro Đà Nẵng. Ảnh: H.H

Từ tạp hóa tới siêu thị

Hàng Thái đang len lỏi khắp nơi từ cửa hàng tạp hóa trong khu dân cư, trong chợ và cả siêu thị. Cửa hàng tạp hóa Cô Phận (số 313-Nguyễn Phước Nguyên - Đà Nẵng) thời gian gần đây xuất hiện nhiều hàng Thái trên kệ từ bột giặt, mì tôm, dép... Cô Nguyễn Thị Phận cho biết trước đây mình kinh doanh tạp hóa không quan tâm tới xuất xứ là hàng nước nào, chỉ thấy có khách mua là nhập về. Tuy nhiên vài tháng nay, mối bỏ hàng giới thiệu một số mặt hàng xuất xứ Thái Lan, mẫu mã đẹp, giá lại không chênh lệch với hàng Việt, hàng Trung Quốc nên cô đồng ý bán thử, không ngờ lại được nhiều người chọn mua thế.

Tại Đà Nẵng  nhiều cửa hàng chuyên bán hàng Thái cũng mọc lên. Bất kể đối diện với Big C Đà Nẵng (Q.Hải Châu) song T-mart chuyên bán hàng Thái vẫn mọc lên và thu hút hàng trăm lượt khách mỗi ngày. Tất cả các mặt hàng tiêu dùng từ lọ dầu, gói bánh, kem đánh răng, nước rửa bát, dầu gội, dao, chổi lau nhà đến mỹ phẩm, đồ nhựa, đồ điện gia dụng, quần áo... đều là hàng Thái. Giá cả các mặt hàng cũng khá phù hợp. Các loại sữa tắm, dầu gội đầu, mỹ phẩm... giá chỉ từ 50.000 đến 200.000 đồng; các mặt hàng gia dụng như rổ đựng đồ, móc áo, bát đũa, cốc chén, chổi lau nhà, thùng đựng rác... chỉ từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng; nồi cơm điện, quạt điện, lò vi sóng... giá trên một triệu đồng.

Tương tự trên đường Hà Huy Tập (Q. Thanh Khê), Nguyễn Lương Bằng (Q.Liên Chiểu)... những cửa hàng chuyên bán hàng Thái cũng được mở ra thu hút nhiều người tới mua. Chị Hoa - chủ cửa hàng trên đường Nguyễn Lương Bằng cho biết, do chồng mình có tuyến xe khách chạy Vientiane (Lào) - Đà Nẵng vì thế thường mua hàng Thái ở khu vực phi thuế quan đem về bán. Lúc đầu số lượng rất ít, song bán đắt khách nên chị đã nhập hàng về nhiều hơn, dần dà chuyển hẳn sang kinh doanh hàng Thái. “Nhà mình có xe từ Lào về nên lấy hàng Thái giá gốc, rẻ, chất lượng còn một số cửa hàng khác có khi họ đi siêu thị Metro, BigC lấy hàng Thái về bán lại”- chị Hoa tiết lộ.

Tại Metro Đà Nẵng hiện thuộc ông chủ người Thái thì vừa bước vào cửa, khu vực hàng Thái đã được giới thiệu trang trọng, bắt mắt. Các mặt hàng xuất xứ Thái Lan cũng bày bán nhiều, đủ chủng loại từ hàng tiêu dùng thiết yếu đến xa xỉ. “Tôi mua chiếc nồi cơm điện của Thái dùng 10 năm nay giờ vẫn còn tốt nên tôi tin hàng Thái rất tốt. Đặc biệt, bây giờ hàng Thái được bày bán nhiều hơn, đa dạng hơn và giá cũng không chênh lệch với thị trường bao nhiêu, đó là lý do tôi thường tới Metro mua hàng Thái” - Chị Trần Mỵ Vân (Q.Cẩm Lệ) chia sẻ. Sau Metro Đà Nẵng thì mới đây BigC Đà Nẵng cũng đã thuộc về ông chủ người Thái. Khi mà đại siêu thị ở vị trí trung tâm TP này thuộc ông chủ người Pháp thì hàng Thái đã được bày bán nhiều, nay thuộc về người Thái, đương nhiên hàng Thái sẽ tràn vào nhiều hơn.

 Hàng Thái xuất hiện tại cửa hàng tạp hóa Cô Phận. (Ảnh: H.H)

Không vội bi quan

 Hàng Việt vốn đã yếu hơn hàng Thái về mẫu mã, chất lượng lẫn khâu quảng bá tuy nhiên bù lại còn có kênh phân phối (về lý thuyết ai làm chủ kênh phân phối sẽ chiếm lĩnh thị trường) thì nay các kênh phân phối cũng đang rơi vào tay người Thái. Thống kê cho thấy từ khi mở cửa thị trường bán lẻ theo cam kết WTO chỉ vài năm trở lại đây, 50% thị phần bán lẻ đã bị thâu tóm bởi các ông chủ nước ngoài, trong đó mạnh nhất là hệ thống Metro, BigC của các ông chủ người Thái. Tất nhiên hàng Thái cũng theo đó tràn ngập còn hàng Việt sẽ khó có chỗ đứng hơn. Giám đốc hãng giày BQ của Đà Nẵng thừa nhận sản phẩm của ông gần đây khó vào các siêu thị vốn ngoại hơn bởi họ đòi chiết khấu cao. Khi DN Việt không theo nổi đành để sản phẩm “đứng ngoài” siêu thị thì cũng là lúc hàng ngoại theo các ông chủ siêu thị tràn vào.

* Năm 2015 người Việt đã chi 8,3 tỷ USD nhập khẩu hàng Thái, quý I-2016 kim ngạch nhập khẩu từ Thái Lan tăng 1,8 tỷ USD. Trong khi tại Đà Nẵng riêng trái cây năm 2015 nhập 25 tấn từ nước ngoài thì có đến 74% nhập từ Thái Lan.

Ông Phan Thống - Giám đốc Co.opmart Đà Nẵng chia sẻ, bản thân rất tiếc vì Saigoncoop không mua được BigC, bởi nếu nắm được BigC sẽ có cơ hội lớn để người Việt nắm kênh phân phối, có lợi rất lớn cho nền sản xuất trong nước. Khi người Thái nắm hệ thống phân phối họ sẽ đưa hàng Thái vào, chắc chắn chính phủ Thái cũng có những tác động để đưa hàng Thái vào. Tuy vậy, việc này cũng không quá bi quan, dù người Thái nắm kênh phân phối thì không có nghĩa hàng Thái sẽ chiếm 100% trong siêu thị của họ ở Việt Nam. Bởi có những hàng Việt mà hàng Thái không thay thế được, đơn cử như nước mắm, làm sao họ hơn mình. Ông Thống nói: Tôi đã đi nhiều siêu thị ở Thái và thấy rằng họ chỉ có một số mặt hàng thế mạnh là tốt thôi còn nhiều mặt hàng chất lượng cũng như hàng Việt. Điều cơ bản người mình có thiện cảm tốt với hàng Thái xuất phát từ rất lâu, từ thời kỳ sản xuất trong nước còn bao cấp, yếu kém. Lúc đó mình đi đôi dép nhựa vài tháng là rách trong khi đi đôi tông Thái cả năm. Bây giờ thì tông Việt đi có khi bền hơn cả tông Thái. Hoặc câu chuyện chiếc xe Dream, thời đó đắt thế dân mình cũng bỏ tiền mua. Nói chung ấn tượng về hàng Thái tốt do đã có từ lâu, nhất là trong bối cảnh người dân e dè hàng Trung Quốc thì sẽ quay sang chọn hàng Thái”- ông Thống phân tích.

Nhìn ở mặt tích cực ông Thống cho rằng, áp lực cạnh tranh với hàng Thái trong bối cảnh phi thuế quan sẽ tạo động lực buộc nhà sản xuất trong nước phải thay đổi công nghệ, cho sản phẩm chất lượng, mẫu mã đẹp, giá cạnh tranh. Đó là yêu cầu bắt buộc bởi không thay đổi sẽ chết, nguyên tắc của hội nhập, yếu là thua.

Hải Hậu

(còn nữa)