Cộng đồng ASEAN 2015 và tác động đối với hợp tác khu vực trên tuyến Hành lang kinh tế Đông-Tây
(Cadn.com.vn) - Đây chính là chủ đề chính của Hội thảo diễn ra vào chiều 15-8 tại TP Đà Nẵng do UBND TP Đà Nẵng phối hợp với Học viện Mekong (Thái Lan) tổ chức. Hội thảo được tổ chức với mục đích chia sẻ tác động của việc hình thành Cộng đồng ASEAN 2015 đối với các địa phương trên EWEC; các cơ hội, thách thức và giải pháp để tăng cường hợp tác trên EWEC vì sự phát triển thịnh vượng của mỗi địa phương trên tuyến và của cả khu vực.
Chính điều này nên Hội thảo đã thu hút sự tham gia của gần 100 đại biểu trong nước và quốc tế cùng đại diện các Bộ, ngành T.Ư; kể cả Ngài Davis Joseph Devine, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Canada tại Việt Nam.
Trong bài phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đặc biệt nhấn mạnh, Cộng đồng ASEAN 2015 sẽ tạo dựng một thị trường thống nhất cho các quốc gia thành viên ASEAN, thúc đẩy dòng lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động có tay nghề trong ASEAN.
Với sự ra đời của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), chính sách thuế quan, thương mại và hàng hóa giữa các nước trên tuyến EWEC sẽ có những thay đổi nhất định. Do đó, Hội thảo sẽ là cơ hội để chính quyền và doanh nghiệp (DN) của các địa phương trên EWEC cũng như các tổ chức, cá nhân có thể nắm bắt được những tác động của việc hình thành Cộng đồng ASEAN, qua đó nhanh chóng thích ứng với tình hình mới kể từ năm 2015.
Không những vậy, Hội thảo còn là dịp để các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ, các đối tác của ASEAN và các địa phương trên EWEC trao đổi nhằm đưa ra những định hướng cho sự hợp tác trong tương lai.
Các đại biểu chủ trì cuộc Hội thảo. |
Ở một góc độ khác, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, với việc hướng tới Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 là một dấu mốc có ý nghĩa trọng đại trong lịch sử hình thành và phát triển ASEAN. Khi đó, ASEAN sẽ là tổ chức hợp tác liên Chính phủ liên kết sâu rộng và ràng buộc hơn trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải còn cho biết, cho đến thời điểm này, với hơn 800 đầu việc được giao trong Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN trên cả 3 trụ cột: chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội, hiện đã đạt được 80% khối lượng. Như vậy, còn gần 1,5 năm nữa để giải quyết 20% công việc còn lại, ASEAN phải thúc đẩy theo lộ trình, với những nội dung, những đầu việc phải liên kết ở mức cao hơn cả tầm quốc gia và tầm khu vực.
TS Wacharas Leelawath, Giám đốc Học viện Mekong khi kết thúc phát biểu của mình đã nói rằng “Cùng với nhau, chúng ta có thể tạo ra khác biệt”. Trước đó, vị Giám đốc này đã đề cập đến những cơ hội và thách thức trên tuyến EWEC ở khía cạnh kinh doanh liên biên giới và phân tích khá kỹ về các dự án của tuyến EWEC được thiết kế không ngoài mục đích củng cố mối quan hệ hợp tác kinh tế Lào, Myanmar và Việt Nam; giảm chi phí vận tải và vận chuyển hàng hóa, di chuyển con người thuận lợi hơn; giảm nghèo thông qua phát triển khu vực nông thôn và biên giới.
TS Wacharas Leelawath khẳng định: “Cho đến nay, chúng ta đã vượt qua một số thách thức vật lý và đảm bảo rằng những hành lang kinh tế thúc đẩy hội nhập kinh tế và kết nối giữa các tiểu vùng đã đạt được hiệu quả”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Minh, Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao cũng đã giới thiệu đến các vị dự hội thảo về quá trình hình thành cũng như nội dung của Cộng đồng ASEAN; sự tham gia của Việt Nam trong xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Ông Minh cho rằng, mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong việc thực thi các biện pháp xây dựng AEC, ASEAN vẫn đang phải đối mặt với một số thách thức.
Đối với Việt Nam, những thách thức chủ yếu liên quan tới năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và cơ sở hạ tầng kém phát triển so với các nước trong khu vực. Những lĩnh vực khó khăn trong thực thi AEC của Việt Nam bao gồm: hoàn thành các cam kết về cắt giảm thuế quan, giải quyết các rào cản phi thuế, thực thi các biện pháp thuận lợi hóa thương mại, hoàn tất gói cam kết thứ 9 và thứ 10 về thương mại dịch vụ...
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Canada tại Việt Nam David Joseph Devine trong phát biểu của mình đã nhấn mạnh, ASEAN là đối tác kinh tế, chính trị, an ninh trọng yếu của Canada. Với tư cách là một trong những đối tác đối thoại lâu dài của ASEAN, chúng tôi ngày càng gắn kết với ASEAN hơn bao giờ hết so với trước đây.
Ngài Đại sứ cho biết, ASEAN và Canada đều là đối tác kinh tế trọng yếu. Trong 5 năm qua, kim ngạch thương mại song phương đã tăng hơn 17% và ASEAN hiện đứng thứ 7 trong số những đối tác thương mại lớn nhất của Canada.
Canada cam kết đóng góp vào tiến trình hội nhập của ASEAN thông qua việc hỗ trợ sáng kiến phát triển khu vực tiểu vùng như sáng kiến EWEC sẽ kết nối biển Đông bắt đầu từ TP Đà Nẵng với biển Andaman ở Ấn Độ Dương thông qua các nước Lào, Thái Lan và Myanmar.
Các diễn giả Madhurjya K Duta và ông Aryuwath Pratumsa, Học viện Mekong cũng đã nêu ra các sáng kiến về nâng cao năng lực trên EWEC dành cho các dự án phát triển khu vực tư nhân, kết nối doanh nghiệp dọc tuyến.
Nhiều nội dung khác cũng được đưa ra thảo luận cũng như các khuyến nghị giải quyết các vấn đề liên quan đến xúc tiến thương mại qua biên giới, xúc tiến đầu tư, hợp tác xúc tiến du lịch trên EWEC; thúc đẩy giao lưu văn hóa, nhân dân; đóng góp của các tổ chức quốc tế để thúc đẩy hợp tác khu vực trên EWEC...
Phương Kiếm