Công nhân Đà Nẵng: Nhọc nhằn chuyện mưu sinh
* Kỳ 1: "Bóp bụng" vì cơn lốc tăng giá
(Cadn.com.vn) - Trong thời buổi giá cả thị trường ngày càng tăng cao, đời sống của những người công nhân khó khăn nay lại càng khó khăn hơn khi mức thu nhập của họ chỉ gói gọn trong vài triệu đồng tháng. Sự thắt chặt chi tiêu không chỉ đối với thức ăn mà tất cả các khoản đều được "thắt". Những bộ áo quần đến cả việc phải không, hiếu hỉ, bạn bè... đều được "cân đo" đong đếm chi ly.
Trời đã bắt đầu tối nhưng ngôi chợ sau lưng Khu công nghiệp Hòa Khánh- Đà Nẵng vẫn còn hoạt động nhưng phần đông là người bán. Tại một quầy hàng cá, hai cô công nhân đang xem đi xem lại nhưng vẫn chưa quyết định mua. Sau một hồi "hội ý", cuối cùng họ quyết định giảm tiền mua các loại rau củ quả, để dồn tiền mua mớ cá nục. Hương An, tên một trong 2 công nhân tính toán: "30.000 đồng cá nục này ăn cũng được 3 bữa nếu tiết kiệm anh à. Rau củ thì đâu thể mua ào ào như dịp lễ được. Hồi mới ra Tết, lương có tăng nhưng chẳng thấm vào đâu khi bước chân ra chợ. Cũng may là chợ ở trên này giá còn tạm chấp nhận được chứ vào chợ trung tâm thì thôi khỏi bàn". Khi được hỏi vậy còn chất lượng thực phẩm, rồi vệ sinh an toàn thực phẩm ra sao, An chặc lưỡi: biết sao được hả anh, tiền nào của nấy rồi, giờ mà còn đòi hàng vừa rẻ vừa tốt thì lấy đâu ra! Đành phải chấp nhận những món "cơ bản" thôi.
Người công nhân luôn cân đo, đong đếm bữa ăn trước khi quyết định lựa chọn do giá cả tăng, |
20 giờ, chị Hoàng Phương (công nhân) mới xách trên tay vài mớ rau và một con cá. Phương cười, trần tình: "Em là công nhân trong KCN Hòa Khánh. Được giao chỉ tiêu đi chợ trong 40.000 đồng cho 3 người ăn nên em phải tính sao cho "khớp"... Khi người mua căn ke thì người bán cũng sốt ruột. Chị Nam, bán trái cây tại khu vực chợ Hòa Khánh nói: "Trước đây công nhân đi chợ đông lắm, ghé hàng mua không kể xiết, bán sướng vô cùng. Muộn lắm là đến khoảng 5 giờ 30 chiều là dọn hàng, nay phải dựng quầy bán đến hơn 8, 9 giờ tối chưa chắc được số thu vừa ý. Anh thấy đó, khu vực chợ trên này chỉ trông cậy chủ yếu vào công nhân, sinh viên là chính nhưng giờ đây họ giảm mua không chỉ riêng hàng của tôi mà giảm đều các thứ khác. Từ trái cây đến rau, thịt đều phải giảm cả. Nhiều khi gặp khách hàng quen, còn phải cho nợ để "gối đầu" nữa"...
Khu vực chợ đêm trước đây đông đúc công nhân nhưng giờ vắng vẻ hẳn. |
Đấy là chuyện bữa ăn hàng ngày, chuyện uống càng đơn giản hơn. Trước đây, quán cà-phê ở khu vực đường Ngô Văn Sở lúc nào cũng đông khách nhưng giờ mãi đến 7 giờ tối mới chỉ lác đác vài quán có khách. Anh Nguyên, chủ quán cà-phê trên đường Ngô Văn Sở nói: "Giờ ế ẩm hơn lúc trước nhiều, dạo gần đây có vẻ có khách một tí nhưng chẳng thấm vào đâu, chắc phải đầu tư xuống dưới trung tâm thôi. Dưới đó, tuy cũng vãn khách nhưng được cái dù sao họ cũng chịu chi chứ trên này tính toán kỹ lắm. Mấy hàng quán karaoke bên cạnh cũng vậy, mấy ông chủ này cũng đã xuống đầu tư mấy quán ở trung tâm".
Quả vậy, lương tăng ít, có nơi không tăng, trong khi giá cả leo thang khiến công nhân phải đau đầu tính toán "tinh giảm" không chỉ nhu yếu phẩm mà ngay cả đời sống tinh thần nhiều khi cũng phải thu hẹp hẳn. Bên cạnh đó, các khu nhà trọ cũng bắt đầu rục rịch tăng giá phòng. T.L, quê Quảng Nam, công nhân cơ khí băn khoăn: "Hai mẹ con em thuê phòng trọ trước đây giá 600.000 đồng/tháng. Vừa qua Tết, chủ nhà trọ tăng thêm 300.000 đồng, bị phản đối dữ quá nên nay giảm xuống còn 800.000 đồng/tháng. Em thì bóp bụng ăn ít cũng được nhưng con đang học lớp 1 thì không thể. Biết thì biết vậy nhưng thức ăn vừa mắc mà giá nhà lại tăng, đành xót xa nhìn con ăn uống kham khổ theo mình. Điện cũng tăng, thế là chủ nhà phải tính tăng thêm. Giờ xăng tăng nữa, nhiều khi tiết kiệm chi phí, xe máy có cũng không đi, điều hòa, máy lạnh cũng chẳng bật". Quả vậy, đời sống công nhân ngày càng chông chênh trước cơn lốc giá cả...
P.V
(còn nữa)