Xét xử vụ tàu vỏ thép QNa-94679.TS nằm bờ:

Công ty đóng tàu phải bồi thường do làm hỏng máy tàu của ngư dân

Thứ năm, 31/08/2017 11:30

Ngày 30-8, TAND TP Tam Kỳ (Quảng Nam) xét xử vụ kiện giữa nguyên đơn là ngư dân Trần Văn Liên (trú xã Bình Mình, H. Thăng Bình, Quảng Nam) và bị đơn là 2 doanh nghiệp, gồm: Cty CP đóng tàu Bảo Duy (Đà Nẵng- viết tắt: Cty Bảo Duy) và Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật Liên Á (Hà Nội- viết tắt: Cty Liên Á) gây thiệt hại trong việc đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67 của Chính phủ.

Con tàu vỏ thép phải nằm bờ do hỏng máy.

Theo cáo trạng, thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ, ông Liên đã vay vốn đóng tàu vỏ thép để vươn khơi bám biển. Ông Liên ký hợp đồng với Cty Bảo Duy đóng vỏ tàu với số tiền hơn 10,7 tỷ đồng, ngoài ra ông Liên ký hợp đồng với Cty Liên Á cung cấp máy và các bộ linh kiện với tổng giá trị 2,8 tỷ đồng. Thời gian bàn giao tàu cho ông Liên vào ngày 30-4-2016. Ngày 25-3-2016, khi phần thân tàu hoàn thành, Cty Liên Á cung cấp và lắp đặt máy theo hợp đồng ký kết. Khi tiến hành chạy thử, máy tàu không có vấn đề gì, trước giám sát các bên liên quan, nhưng đến tối 29-3-2016, Cty Bảo Duy thuê người vận hành con tàu chạy thử đường dài nhưng lại không có người giám sát của Cty Liên Á, khi tàu vừa chạy qua cầu Mân Quang (Đà Nẵng) thì xảy ra sự cố chết máy.

Sau khi sự việc xảy ra, Cty Liên Á, và Cty Bảo Duy cùng ông Liên tiến hành bàn cách khắc phục, nhưng qua rất nhiều lần làm việc, không bên nào chịu trách nhiệm về việc làm hỏng máy tàu. Chính vì vậy, con tàu của ông Liên phải nằm bờ, gây thiệt hại nặng về kinh tế cho gia đình ông. Trước tình trạng này, ông Liên khởi kiện ra TAND TP Tam Kỳ yêu cầu hai đơn vị ký hợp đồng đóng tàu phải khắc phục sự cố. Tuy nhiên, qua 2 phiên tòa trước đó, vẫn chưa phân xử được công ty nào chịu trách nhiệm về thiệt hại của ông Liên. Khi Cty Bảo Duy cho rằng chất lượng máy tàu của Cty Liên Á cung cấp có vấn đề, còn Cty Liên Á lại nói do vận hành không đúng.

Ngư dân Trần Văn Liên tại phiên tòa.

Trao đổi với P.V Báo Công an TP Đà Nẵng tại phiên tòa, ngư dân Trần Văn Liên cho biết, từ ngày tàu bị sự cố máy, ông chịu rất nhiều thiệt hại về kinh tế. “Tàu hỏng máy, bắt buộc phải nằm bờ. Hai con tôi là thuyền trưởng, máy trưởng phải đi làm thuê cho tàu cá khác để kiếm sống. Ngoài ra, tôi phải trả tiền cho các ngư dân vì đã ký hợp đồng đi biển trước đó. Vì vậy tôi rất mong tòa xử sớm vụ việc để xác định đơn vị chịu trách nhiệm bồi thường cho tôi”, ông Liên nói.

Trong phiên tòa chiều 30-8, đại diện các bên lại một lần nữa tranh cãi gay gắt, không bên nào nhận trách nhiệm đã gây ra hỏng máy tàu của ông Liên. Tuy nhiên với những biên bản và chứng cứ xác thực, TAND TP Tam Kỳ đã xác định Cty Bảo Duy phải chịu toàn bộ trách nhiệm việc máy tàu bị hỏng. Theo HĐXX, qua đề nghị của tòa, hãng Mitsubishi (Nhật Bản) đã có văn bản xác nhận máy tàu mà Cty Liên Á lắp đặt trên tàu của ông Liên là máy chính hãng, máy mới 100% và chưa qua sử dụng. Vì vậy, không có căn cứ cho rằng máy tàu do Cty Liên Á cung cấp là không đảm bảo chất lượng. Việc Cty Bảo Duy tự ý vận hành tàu vào tối 29-3-2016 khi không có nhân viên kỹ thuật và ý kiến thống nhất của Cty Liên Á nên Cty Bảo Duy phải chịu toàn bộ trách nhiệm máy chính bị hư hỏng. Chính vì vậy, TAND TP Tam Kỳ đã tuyên Cty Bảo Duy chịu trách nhiệm bồi thường việc xảy ra sự cố hỏng máy, với số tiền 2,8 tỷ đồng cho ngư dân Liên. Ngoài ra, Tòa yêu cầu Cty Bảo Duy chịu hoàn toàn án phí của vụ án.

HOÀNG ANH