Công ty Nông sản lỗ 66 tỷ đồng, cổ đông "chân đất" ngược xuôi kêu cứu
"Chim đầu đàn"... gãy cánh!
Cuối tháng 3-2016, cổ đông Cty CP Nông sản Tân Lâm (viết tắt: Cty CPNS Tân Lâm) choáng váng trước thông báo về phương án tái cơ cấu Cty của UBND tỉnh Quảng Trị. Theo đó, tỉnh Quảng Trị chủ trương bán phần vốn Nhà nước tại Cty cho nhà đầu tư có năng lực (kèm theo điều kiện; hoặc thực hiện thủ tục phá sản theo luật định). Nguyên nhân là từ năm 2012, hoạt động của Cty thua lỗ nặng, tình hình tài chính của Cty mất cân đối nghiêm trọng, lỗ lũy kế 66 tỷ đồng, không có khả năng thanh toán. Như vậy, từ một thương hiệu kinh doanh nông sản nổi tiếng, nay Cty CPNS Tân Lâm chỉ còn "cái vỏ" và những khoản nợ ngân hàng kèm những khuất tất trong làm ăn khiến cổ đông và hộ nhận khoán ngược xuôi kêu cứu.
Dù có "mỏ vàng trắng" hơn 200ha nhưng Cty CPNS Tân Lâm cũng không thể "gánh" nổi |
Tiền thân của Cty CPNS Tân Lâm là Nông trường quốc doanh Tân Lâm (viết tắt: NTTL) được thành lập vào năm 1974. Đến năm 1986, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới được Chính phủ giao cho, NTTL đã mở rộng diện tích cây trồng lên đến 7.000 ha, kinh doanh thêm nhiều mặt hàng nông sản có giá trị cao. Bước vào thời kỳ đổi mới, từ năm 1991, NTTL được đổi tên thành Cty Hồ tiêu Tân Lâm cộng thêm việc sáp nhập Nông trường cà-phê Khe Sanh càng giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh của Cty phát triển mạnh hơn, tăng tính cạnh tranh. Cuối năm 2003, UBND tỉnh Quảng Trị quyết định chuyển đổi Cty Hồ tiêu Tân Lâm thành Cty CPNS Tân Lâm, tỷ lệ chiếm giữ cổ phần Nhà nước là 51%, còn lại bán cho người lao động đã gắn bó với NTTL nhiều năm.
Khoảng thời gian này, chỉ riêng trên địa bàn H. Cam Lộ (Quảng Trị), Cty CPNS Tân Lâm tiếp tục mở rộng diện tích cây cao su tiểu điền lên 200 ha cao su để nông dân phát triển, làm giàu và rất hiệu quả. Thế nhưng chỉ 2 năm sau, Cty CPNS Tân Lâm rơi vào thua lỗ và sau đó chìm trong nợ nần, có nhiều lý do nhưng trong đó một phần mở rộng đầu tư chưa phù hợp. Cũng kể từ đây, người lao động đồng thời cũng là cổ đông của Cty đã phát hiện ra nhiều sự thật kinh khủng. Cụ thể, năm 2011, Cty CPNS Tân Lâm thế chấp nhiều tài sản trong đó có Giấy CNQSDĐ số C935760 tại H. Hướng Hóa cho Ngân hàng NN&PTNT H. Cam Lộ để vay vốn với hạn mức vốn được phê duyệt tối đa là 40 tỷ đồng. Điều đáng nói, diện tích đất trên Giấy CNQSDĐ số C935760 là 170ha cây cà-phê, tài sản của 166 hộ nhận khoán hầu hết là cổ đông của Cty CPNS Tân Lâm. Quá trình vay, Cty không thông qua hộ nhận khoán.
Một hộ nhận khoán bức xúc phản ánh những khuất tất về BHXH, thực hiện cổ phần hóa, |
Cổ đông "chân đất" khóc ròng
Các hộ nhận khoán đã tố giác hành vi sai trái này lên Cơ quan điều tra và đến tháng 4-2015, CA Quảng Trị đã kết luận: HĐQT Cty CPNS Tân Lâm không thông qua các hộ nhận khoán khi vay. Quá trình làm thủ tục vay, Cty không cung cấp thông tin về vườn cây là của các hộ nhận khoán, dẫn đến khi thẩm định ngân hàng không phát hiện ra sự thật này. Cơ quan CA nhận thấy việc làm này là sai, tuy nhiên động cơ mục đích vi phạm không phải vì vụ lợi cá nhân, nhằm phục vụ cho hoạt động sản xuất của Cty, do vậy hành vi của HĐQT không cấu thành tội lừa đảo. Không đồng ý với kết luận này, các hộ nhận khoán đã gửi đơn đi các cấp kêu cứu, kiến nghị.
Ngày 2-2-2016, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã trả lời phản ảnh của các hộ nhận khoán và cho biết lãnh đạo Cty CPNS Tân Lâm đã nhận thiếu sót. Tuy nhiên, câu trả lời của lãnh đạo tỉnh cũng chưa thỏa mãn sự bức xúc của các cổ đông, họ cần người chịu trách nhiệm về hành vi gian dối này, nhất là khi Cty thua lỗ, nợ nần, số phận tài sản hàng chục tỷ đồng của họ như thế nào? Trước tình hình này, ngày 24-3-2016, UBND tỉnh đã mời người dân tiếp tục đối thoại các vấn đề mà họ kiến nghị, tố cáo, phản ảnh, trong đó có số phận 170 ha cây cà-phê nhưng kết thúc buổi đối thoại vẫn chưa làm người dân yên tâm. "Chúng tôi tiếp tục kêu cứu ra T.Ư, liệu có nhà đầu tư nào dám "lãnh" số nợ đó, nếu phá sản thì dân biết xoay xở răng đây", ông Lê Xuân Phú, đại diện các hộ nhận khoán nêu bức xúc.
Ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh: Cty Tân Lâm đang sở hữu nhiều đất đai gắn liền với chương trình xây dựng nông thôn mới và là đất khu vực quốc phòng nên ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN trên địa bàn tỉnh. Do đó, UBND tỉnh đề nghị, nếu thực hiện phá sản, các đơn vị liên quan khi xử lý tài sản là vườn cao su và vườn cà-phê phải đảm bảo cho người lao động nhận khoán trong việc đấu giá, mua lại hoặc tiếp tục được giao nhận khoán như trước đây.
Bảo Hà