Cốt cách người miền Trung qua thơ Thạch Quỳ

Thứ bảy, 01/10/2011 00:00

(Cadn.com.vn) - Miền Trung là vùng đất "gió Lào cát trắng", bão lụt triền miên; là nơi phải chịu đựng bao cuộc chiến tranh vô cùng tàn khốc; cũng là vùng đất có nhiều phong cảnh kỳ thú... Tất cả góp phần tạo cho con người miền Trung những đặc điểm riêng, những cốt cách riêng. Nếu như người miền Bắc lịch lãm, mềm mỏng, tao nhã; người miền Nam phóng khoáng, hào hiệp, cởi mở thì người miền Trung cứng rắn, khảng khái, thật thà. Nét riêng này đã ảnh hưởng ít nhiều đến sáng tác của các tác giả gắn bó khăng khít với mảnh đất miền Trung, trong đó có Thạch Quỳ.  

 Nhà thơ Thạch Quỳ

Nhà thơ Thạch Quỳ tên thật là Vương Đình Huấn, sinh năm 1941, tại làng  Đông Bích, dưới chân núi Quỳ Sơn, thuộc xã Trung Sơn, Đô Lương, Nghệ An, trong một gia đình trí thức Nho học. Ông nội nhà thơ thuộc dòng dõi khoa bảng, ông ngoại  từng thi đỗ 3 khóa tú tài, bà ngoại và mẹ là cả một kho tàng văn học dân gian. Cho đến nay, Thạch Quỳ đã cho ra mắt 8 tập thơ. Ông là một trong những tên tuổi sáng giá của thế hệ những cây bút trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và vững bước trên con đường thi ca đầy chông gai cho đến bây giờ.

Thời niên thiếu, ông vừa đi học vừa phải chăn trâu, cắt cỏ dưới chân núi Quỳ. Cái bút danh Thạch Quỳ sinh ra từ đó (Thạch Quỳ là tảng đá ở núi Quỳ). Những vần thơ đầu tiên anh ngồi viết trên tảng đá ấy là những vần thơ bắt chước những bài hát đồng dao của lũ trẻ chăn trâu: Nhổ lác nhổ từng cây/ Nhổ năn măn từng rễ/ Lưng cúi gập suốt ngày/ Bắp chân đầm máu đỉa... (Bài hát của những người nhổ cỏ năn, cỏ lác ở vùng đồng chiêm trũng). Anh kể: thời đó, anh cùng với nhà thơ Vương Trọng từng bụng đói cồn cào, cố hết sức leo dốc, vượt qua đỉnh núi Quỳ để làm lụng, mưu sinh. Có lẽ phải trải qua những tháng năm nghèo túng ấy mà sau này, khi viết về cái nghèo, hiếm nhà thơ nào ở xứ ta diễn tả sinh động, hóm hỉnh, thấm thía và sâu sắc như anh: Cái nghèo đội nón cời và nhón chân từng bước/ Cười sưa răng trên miệng ấm sứt vòi. Anh nhân cách hóa cái nghèo thành một kẻ vô cùng ranh mãnh: Mày núp trong vừng trán mẹ răn reo/  Mày ẩn dưới gót chân em nứt nẻ / Mày luồn lọt qua trăm ngàn mối chỉ/ Để nằm trong mảnh vá áo con ta.../ Đêm ta ngủ thì mày hóa kiến/ Bò nôn nao trong ruột đói của ta. Nhưng người dân quê anh nói riêng và người miền Trung nói chung không cam chịu cảnh nghèo. Họ cố tìm đủ mọi cách để thoát khỏi đói nghèo. Thạch Quỳ thể hiện cái ý chí, cái nghị lực phi thường ấy theo cách của mình: Lòng viên sỏi vẫn giữ màu máu đỏ/ Núi nghiêng vai vác con đường lên (Tặng những cô gái đập đá bên đường không tên); Về con  người Thạch Quỳ, nhà thơ Võ Văn Trực nhận xét: Vì yêu quê đến câu nệ, đến "cố chấp", anh cố giữ được bản tính của quê hương đôi lúc gàn dở và cực đoan - người ta thường gọi là "cái gàn của anh đồ Nghệ".  "Bản tính của quê hương" mà nhà thơ Võ Văn Trực nói đến ở đây cũng chính là cốt cách của người miền Trung.

Đọc thơ Thạch Quỳ, điều dễ nhận nhất là cái khí chất mạnh mẽ và đầy bản lĩnh của một cây bút từng trải. Mặc dù trải qua bao gian nan, thử thách song anh vẫn không nguôi khát vọng: Từng đối mặt với bạo tàn, chết chóc / Máu trào tuôn, sẹo đóng tự trong hồn / Tôi mệt mỏi đến không còn sợ chết / Nhưng vẫn lòng ham sống thật tôi hơn. Anh khảng khái tuyên bố: Những đau khổ không làm tôi gục xuống (Tôi).  Cái cứng rắn, cái thẳng thắn, cái khảng khái trong thơ Thạch Quỳ thể hiện cốt cách của người miền Trung rõ nét.

Mảnh đất miền Trung là mảnh đất giàu truyền thống thơ ca. Nhiều nhà thơ tài danh đã sinh ra trên mảnh đất này như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Tố Hữu, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Hữu Loan... Bằng tài năng và tâm huyết của mình các nhà thơ miền Trung đã góp phần thúc đẩy sự phát triển  nền thơ ca nước nhà qua các thời đại. Tìm hiểu cốt cách người miền Trung trong thơ Thạch Quỳ cũng chính là tìm hiểu bản sắc riêng của tác giả, của  từng vùng miền khác nhau. Thơ dù đổi mới, cách tân đến đâu nhưng nếu đánh mất bản sắc của mình, của quê hương mình, của dân tộc mình thì khó lòng có sức lan tỏa và sức sống lâu bền.

Mai Văn Hoan