Covid-19 định hình lại các mối đe dọa khủng bố ở Indonesia

Thứ ba, 12/05/2020 11:08

Ramadan - dịp lễ lớn nhất của người Hồi giáo- luôn là thời điểm tốt nhất để nhóm khủng bố Jamaah Ansharut Daulah (JAD) mở các cuộc tấn công. Đại dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng đến xu hướng đó như thế nào?

An ninh được thắt chặt ở Indonesia trong tháng Ramadan.

Kể từ đầu năm 2020, 57 kẻ tình nghi khủng bố đã bị Cảnh sát Quốc gia Indonesia bắt giữ. Hầu hết trong số đó, bao gồm cả 3 người mới nhất bị bắt ở Đông Java vào ngày 23-4, có liên quan đến nhóm JAD, một tổ chức khủng bố thường lên kế hoạch tấn công trong tháng Ramadan. Tuy nhiên, sự bùng phát Covid-19 hiện tại có thể khiến chúng xem xét lại kế hoạch của mình.

Điều quan trọng nhất là tránh lây nhiễm bệnh

Thực tế, các nhánh JAD khác nhau đã phản ứng theo những cách khác nhau kể từ khi bùng nổ đại dịch. Hầu hết đều tin rằng, điều quan trọng nhất là tránh lây lan virus để theo đuổi các chương trình nghị sự cấp tiến trong giai đoạn phục hồi cuối cùng. Theo một số cách, giống như bất kỳ nhóm xã hội nào khác, chúng đang thực hiện kế hoạch dự phòng riêng. Đây chủ yếu là các thành viên của JAD phụ trách tuyển dụng và diễn thuyết, các cá nhân cao cấp trong tổ chức. Mặt khác, một số thành viên muốn “tử vì đạo” muốn lợi dụng cơ hội này (tức là trong thời điểm bộ máy an ninh Indonesia tập trung chống dịch) để mở các cuộc tấn công khủng bố.

Thật vậy, bất chấp Covid-19, JAD vẫn tích cực truyền bá các câu chuyện cấp tiến, lập kế hoạch hoạt động và lựa chọn mục tiêu, hưởng lợi từ khe hở trong lúc lực lượng an ninh tập trung vào việc xử lý khủng hoảng. Đại dịch cũng đang mang đến cho JAD những động cơ và mục tiêu mới cho những hành động như vậy. Cho đến tháng 1 vừa qua, một số cuộc biểu tình đã được tổ chức và dàn xếp chống lại Đại sứ quán Trung Quốc tại Jakarta, nhằm phản đối cách hành xử của Bắc Kinh đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Các mục tiêu lớn

Làn sóng chống Trung Quốc càng trầm trọng hơn do sự bùng phát Covid-19 và khiến các thành viên JAD tập trung vào các mục tiêu mới.

Mô hình này được nhìn thấy trong vụ bắt giữ một nhóm ở Batang, Trung Java vào ngày 25-3. Subhan, thủ lĩnh của nhóm, chuẩn bị một quả bom hẹn giờ để nhắm vào đồn cảnh sát. Cùng với đó, y và nhóm của mình lên kế hoạch cho các cuộc tấn công và cướp bóc - hay còn gọi là “FaI”, có nghĩa là cướp những kẻ ngoại đạo hay kẻ thù của người Hồi giáo để phát triển và bảo vệ đức tin – tại các cửa hàng do người Indonesia gốc Trung Quốc sở hữu. Nhóm này cũng lên kế hoạch tấn công một ngân hàng.

Điều quan trọng cần lưu ý là việc nhắm mục tiêu các tài sản của người Indonesia gốc Trung Quốc không phải là điều mới đối với các nhóm cực đoan như JAD. Mới đây tên Abu Rara, kẻ đã đâm chết cựu bộ trưởng điều phối các vấn đề chính trị, pháp lý và an ninh Wiranto, đã lên kế hoạch tấn công một cửa hàng của một người Indonesia gốc Trung Quốc trước khi quyết định nhắm vào vị bộ trưởng này. Abu Rara được một người bạn tên Syamsuddin dẫn dắt, đã thuyết phục anh ta rằng, Trung Quốc là một kẻ thù mới của Hồi giáo. Giống như Subhan, Abu Rara và Syamsudin nhằm mục đích cướp các doanh nghiệp của người Indonesia gốc Trung Quốc dưới danh nghĩa “FaI” để tài trợ cho các hoạt động cực đoan của chúng.

Sự hỗ trợ của nhóm IS cho nhóm người Duy Ngô Nhĩ và Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) có vẻ không rõ ràng. ETIM được coi là một “nhượng quyền thương mại” của Al-Qaeda- một đối thủ của IS- cho người Duy Ngô Nhĩ. Tuy nhiên, tình hình trở nên rối rắm khi nhóm Duy Ngô Nhĩ quyết định cam kết trung thành với IS. Trong khi sự hợp tác này - ở cấp độ toàn cầu với IS và ở cấp địa phương với JAD - đã bị suy yếu bởi cuộc khủng hoảng hiện tại, mối đe dọa vẫn còn đó.

Các vụ bắt giữ gần đây

Làn sóng chống Trung Quốc đang tạo cớ cho các tổ chức khủng bố  ở Indonesia nhắm vào bất cứ điều gì hoặc bất cứ ai mà chúng coi là người Trung Quốc, như các vụ bắt giữ gần đây.

Vào ngày 15-4, cơ quan thực thi pháp luật Indonesia đã bắt giữ Zulfikar tại Sidoarjo, Đông Java. Y đã lên kế hoạch nhắm mục tiêu vào các tài sản của người Indonesia gốc Trung Quốc và xác nhận rằng làm vậy vì muốn phản đối các vấn đề Duy Ngô Nhĩ và sự bùng phát covid-19. Giống như Subhan ở Batang, Zulfikar bị bắt vì sở hữu chất nổ, vũ khí và thiết bị để chuẩn bị các cuộc tấn công khủng bố nguy hiểm. Câu hỏi đặt ra là vì sao Zulfikar và một số thành viên khác liên quan đến kế hoạch khủng bố y, vốn đã bị trục xuất khỏi Thổ Nhĩ Kỳ sau khi họ cố gắng gia nhập IS ở Syria, lại có thể dễ dàng đến Indonesia. Nhiều công nhân Trung Quốc, các Cty Trung Quốc và thậm chí cả cộng đồng người Hoa gốc Indonesia dễ bị tổn thương vì họ có thể được coi là mục tiêu của nhóm cực đoan như JAD.

Tháng Ramadan thực sự rất căng thẳng đối với các cơ quan an ninh Indonesia, đặc biệt là cho Đội 88, được huy động để tiêu diệt các phần tử khủng bố và ngăn chặn âm mưu khủng bố. Những nỗ lực chống khủng bố cần được mở rộng, vì câu chuyện mới này có thể không dừng lại ở cuối tháng Ramadan hoặc trong giai đoạn hậu Covid-19.

KHẢ ANH