Cụ ông đan giỏ vì môi trường

Thứ sáu, 27/04/2018 12:44

Ai đã một lần đến khu vực đường Hà Mục (P. Hòa Thọ Đông, Q. Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng) đều dễ dàng bắt gặp một cụ ông có tên là Đoàn Túc (70 tuổi) đang cặm cụi đan giỏ (sọt chứa rác) ven đường.

Cụ Túc đang đan giỏ chứa rác và giới thiệu giỏ rác có "mác" Chi Hội Nông dân KDC số 19 vì môi trường thân thiện.

Bộc bạch với chúng tôi, cụ Túc với nụ cười thân thiện cho hay, cụ đang hành nghề may mui nệm cũng đủ sinh sống. Kể từ khi thành phố có chủ trương kêu gọi toàn dân hưởng ứng "Năm Văn hóa, văn minh đô thị 2015" thì cụ nhiệt liệt hưởng ứng bằng cách kêu gọi bà con, chòm xóm, gia đình…, cùng chung tay góp sức để xây dựng đường phố xanh-sạch- đẹp, mỹ quan, văn hóa văn minh.

Lúc bây giờ cụ thấy trên đường phố khu vực mình sinh sống không được mỹ quan, sạch đẹp là do bà con đặt "thùng rác" mỗi người mỗi kiểu, không đồng bộ bởi có người dùng: bao xác rắn, thùng xốp, thùng sơn, thùng cạt tông…, làm cho đường phố trở nên nhếch nhác. Lại thêm những cái thùng kín đáy khi phơi ngoài mưa nắng, chứa nước mưa gây hôi thối, muỗi mòng sinh sản, gây bệnh tật và rất vất vả cho các nhân viên vệ sinh môi trường khi thu gom.

Sau nhiều đêm suy nghĩ, ý tưởng đan sọt chứa rác bằng dây nilon phế thải nảy sinh trong đầu. Thế là sáng hôm sau cụ đi đến các công ty bán gạch men để xin phế liệu (dây nilon) và mua lưới sắt B40 về đan sọt. Sau nhiều lần cải tiến, sọt rác bằng nilon của cụ có chiều cao khoảng 0,5 mét, đường kính 0,4 mét, với ba màu xanh, vàng và xám tro với giá khá rẻ mà lại "siêu bền"  nên được địa phương và bà con chấp nhận, hoan nghênh.

Cụ Túc cho hay, đây là loại dây đóng gói các loại gạch men rất bền, nếu dây mua dây nilon mới, giá thành có thể 100.000 đồng /chiếc, nhưng khi đi xin các cơ sở bán phế liệu họ cho nên mình chỉ lấy tiền đan "giao hữu" là 30.000 đồng. Cứ mỗi tuần cụ túc tắc đan 4 ngày (mỗi ngày 5 cái), thời gian còn lại cụ đi tìm nguyên liệu. Gần 3 năm qua, cụ đã xuất ra thị trường hàng ngàn giỏ  chứa rác, trong đó có hàng trăm giỏ chứa rác cụ đan tặng không lấy tiền.

Điều rất ấn tượng với chúng tôi là cụ Túc cho hay, bà con nào có nhu cầu mà chưa có tiền hay không có tiền mua, cụ sẵn sàng bán thiếu hoặc biếu không, nếu bà con ngại không lấy, cụ cũng mang sọt chứa rác tới "tặng" bằng cách âm thầm để trước nhà họ ven đường. Đến nay, khu vực của cụ sinh sống như các đường Hà Mục, Cẩm Bắc 6, Cẩm Bắc 8, Hồ Thủy Dương… đều "phủ sóng" sản phẩm  giỏ rác "hand made" của cụ.

Vừa giới thiệu giỏ rác vừa hoàn thành, cụ Túc cho hay: "Giỏ rác này thuộc vào loại rất bền, tôi có thể bảo hành hơn 10 năm và nhất là các nhân viên vệ sinh rất vừa lòng do kích cỡ vừa tay, hợp vệ sinh".

Ban đầu, thấy cụ nhiệt tình "ăn cơm nhà, siêng đan sọt", có người bảo cụ "có vấn đề", có người thương cụ, nói cụ già rồi, nghỉ ngơi cho khỏe. Cụ trả lời rằng, công việc này đã mang lại cho cụ sức khỏe và niềm vui, hạnh phúc khi khu phố luôn luôn sạch, đẹp và chỉ mong có sức khỏe để đan nhiều chiếc giỏ như thế này  góp phần làm cho đường phố  "xanh-sạch- đẹp", vệ sinh hơn.

Cụ Đoàn Lai (81 tuổi, Chi hội trường Người Cao tuổi Khu dân cư số 19), trú trên đường Hà Mục cho hay, nhờ sự quan tâm của địa phương cùng các đoàn thể và sự ý thức của bà con nhân dân và sự góp phần đặt đồng bộ giỏ chứa rác của cụ Túc làm cho những con đường trong khu vực thêm phần mỹ quan, xanh- sạch -đẹp.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Mỹ Linh- Phó Chú tịch UBND P.  Hòa Thọ Đông cho hay, đây là mô hình mới mẻ của địa phương nhằm hưởng ứng các "Năm Văn hóa, văn minh đô thị". Giỏ chứa rác của cụ Túc đạt tiêu chuẩn, chất lượng, tiêu chí do địa phương và các đoàn thể đề ra nhằm góp phần cải thiện môi trường, cảnh quan khu vực. "Chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình này trên địa bàn nhằm góp phần mang lại "xanh-sạch- đẹp", mỹ quan, văn hóa, văn minh", bà Linh nhấn mạnh.

TIÊN SA