“Cú xé toạc” mang tên dự án Xkeyscore

Thứ bảy, 10/08/2013 11:00

(Cadn.com.vn) - Câu chuyện về kẻ bán đứng Edward Snowden tiếp tục trở thành đề tài nóng hổi. Tờ Guardia mới đây công bố những thông tin "rò rỉ" từ cựu nhân viên Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) cho biết về hệ thống do thám bí mật mang tên Xkeyscore, có khả năng giám sát "tuốt tuồn tuột" những gì người sử dụng thao tác trên mạng điện toán Internet trên quy mô toàn cầu.

Dự án Xkeyscore –giáo sư “biết tuốt”

Theo Guardian, dự án Xkeyscore là công cụ lợi hại của NSA để do thám thông tin, đặc biệt là giám sát Internet và nhờ nó mà NSA có thể biết được mọi hành động của đối tượng trên mạng.

Trong đó, có hơn 700 máy chủ, gần 150 khu vực trên khắp thế giới được sử dụng cho dự án này. Theo Snowden "tôi có thể ngồi ngay trên bàn làm việc của mình mà vẫn nghe được điện thoại của mọi người, kể cả kế toán, thẩm phán hay của tổng thống nếu có địa chỉ e-mail cá nhân". Thật quá khó tin nên ông Mike Roger - Chủ tịch Ủy ban tình báo Quốc hội Mỹ đã phải thốt lên "Snowden quá thể, đã bịa đặt trắng trợn và không được phép công bố những gì anh ta không được quyền tiết lộ".

Cũng theo Guardian, dự án Xkeyscore là một trong những chương trình phủ sóng trên phạm vi rất rộng. Nó có khả năng phân tích tìm kiếm các thông tin, dữ  liệu của người sử dụng Internet mà không cần sự cho phép của "các cơ quan ban ngành" và chữ ký của bất kỳ ai. Theo đó, người ta chỉ cần ngồi trong phòng làm việc là có thể biết được mọi chuyện. Xkeyscore được xem là hệ thống giám sát Internet "rộng nhất xưa và nay", có khả năng thu thập được nhiều thông tin tình báo ngay trên mạng điện toán.

Xkeyscore đích thực là công cụ kiểm soát mọi hoạt động của người dùng Internet, như thư điện tử, tán gẫu (chat), tên người dùng, danh sách bạn bè, lịch sử cuộc gọi cho đến cả thông tin cá nhân của hàng triệu người trên khắp thế giới. Đặc biệt, bằng công cụ có tên DNI Presenter, NSA có thể đọc được các nội dung trao đổi, thông tin lưu giữ trên mạng, đọc nội dung các cuộc trò chuyện hoặc các thông tin bí mật người dùng gửi cho nhau. Tóm lại, với Xkeyscore, NSA có thể biết được mọi thâm cung bí sử, thậm chí cả những ý nghĩ, ý tưởng của từng cá nhân ngay từ trong trứng nước.

Theo William Binney, cựu nhân viên NSA, người có thâm niên tới 4 thập kỷ làm cho NSA, trong thời gian 30 ngày năm 2013 dự án Xkeyscore thu thập và lưu giữ đến 41 tỷ hồ sơ lớn nhỏ. Còn theo tiết lộ của Snowden, dự án Xkeyscore được hỗ trợ từ 700 máy chủ đặt ở hàng trăm vị trí khác nhau trên khắp thế giới, phục vụ mục đích thu gom dữ liệu.

Thông tin tuyệt mật, có giá trị thường được phân loại và lưu giữ trong hệ thống đa năng có tên là Pinwale và có thể lưu giữ đến vài năm. Cũng nhờ thông tin này, NSA giúp cho các cơ quan an ninh bắt giữ được 300 thành viên thuộc các tổ chức khủng bố hồi năm 2008. Tuy nhiên, để vận hành dự án này, Mỹ phải chi ra một khoản tiền khổng lồ.

Trung tâm dữ liệu Utal của NSA ở Bluffdale, nơi có những siêu máy tính chuyên làm nhiệm vụ  thu thập số liệu cá nhân.

Phản ứng của NSA

Đầu tháng 8 mới đây,  phát ngôn viên của Nhà Trắng, Jay Carney cho biết, cộng đồng tình báo cũng như chính phủ Mỹ giải thích việc buộc tội thu thập dữ liệu của NSA qua dự án Xkeyscore là sai lầm.

Đặc biệt, Jay Carney còn khẳng định thông tin trên chứa đựng nhiều điều sai lệch. Khi điều trần trước Quốc hội, các quan chức NSA còn khẳng định, Snowden là dối trá và NSA  làm hết sức mình để người Mỹ hiểu rằng, họ không bị theo dõi và kiểm duyệt. Rằng sự án Xkeyscore không có khả năng thu thập dữ liệu trên diện rộng và tổng hợp mọi thông tin chỉ qua một địa chỉ e-mail như cáo buộc. Rằng chỉ có rất ít những người có thẩm quyền mới được truy cập vào Xkeyscore cũng như các công cụ phân tích khác của NSA, tất cả đều được tiếp cận hạn chế và có giới hạn.

Đến nay chưa ai biết cụ thể dự  án Xkeyscore tác động thế nào đến đời sống của người dân song nó thực sự là "cú xé toạc" về hoạt động kiểm duyệt đời tư công dân, đi ngược lại với những điều pháp luật quy định. Dự án Xkeyscore gây tranh cãi không khác gì chương trình Prism hay Marina, Pinwale hoặc Trafficthief đã được Edward Snowden tiết lộ hồi tháng 6, vốn là công vụ giúp các cơ quan an ninh có thể truy cập một cách không hạn chế vào cơ sở dữ liệu của những tập đoàn lớn  như Facebook, Google, Apple, Microsoft hay Yahoo...

Tuy nhiên, NSA và những người ủng hộ ở Washington vẫn cho rằng, những điều họ làm đang bị hiểu lầm, thậm chí còn có tác dụng cho công cuộc chống khủng bố, lợi ích cho nước Mỹ.

Kim Hùng

(Theo CSMonitor)