Cung đường hạnh phúc (Kỳ cuối: Nơi địa đầu Tổ Quốc)
Dọc đường khám phá vẻ đẹp của cao nguyên đá Hà Giang, chúng tôi lại một lần nữa may mắn khi đến đây đúng vào mùa hoa Tam giác mạch. Tam giác mạch-loài hoa có cái tên kỳ lạ gắn với một sự tích cũng lạ kỳ không kém. Chuyện kể rằng, thời xa xưa, ở vùng núi cao này, nàng Tiên Gạo và nàng Tiên Ngô đi gieo hạt nơi hạ giới, mày trấu, mày ngô chẳng biết làm gì bèn đổ vào khe núi. Cây ngô, cây lúa lớn lên cho hạt, người người lấy về ăn. Khi ngô, lúa trong nhà đã cạn mà vụ sau vẫn chưa tới, cái đói về u ám bản làng, chiều đã buông dài nơi rừng cây mà vẫn chưa thấy ai nhóm bếp. Mọi người họp nhau lại rồi chia đi khắp núi rừng tìm cái ăn. Nhiều ngày trôi qua, nhiều nơi đã đến, nhiều hang cùng góc núi đã lục tìm mà vẫn chưa ai tìm thấy gì có thể làm no cái bụng. Một hôm, thoảng bay trong gió mùi hương là lạ, trước đến giờ chưa ai được ngửi, mọi người đổ xô tìm đến khe núi, ngỡ ngàng khi nhìn thấy một rừng hoa li ti trải dài các sườn núi. Nhìn kỹ mới thấy những cái lá có hình tam giác ẩn khá kín dưới hoa. Khi chúng kết hạt, người đem về ăn thử thấy ngon không kém gì ngô, gạo. Thế là cái bụng đã ngủ yên không lóc óc đòi ăn nữa. Khói bếp lại bay lên mỗi chiều trên bản nhỏ. Vì là họ nhà lúa, được nảy lên từ mày lúa, mày ngô, nên gọi là mạch, lá có hình tam giác, ghép lại thành tên "tam giác mạch". Người Mông còn gọi Tam giác mạch là "chez". Sau mùa lúa nương thu hoạch, người dân ở đây bắt đầu gieo hạt Tam giác mạch, đến cuối tháng 11, đầu tháng 12 thì bắt đầu thu hoạch. Thân Tam giác mạch khi còn non có thể luộc ăn hoặc nấu canh như rau. Hạt Tam giác mạch có thể xay thành bột làm lương thực, hoặc nấu với ngô tạo nên một thứ rượu có hương vị rất đặc biệt...
Dưới chân Cột cờ Lũng Cú. |
Hiện nay, người dân Hà Giang đã biết kết hợp du lịch và nông nghiệp. Anh phóng viên Truyền hình an ninh Hà Giang đi cùng, cho biết, tỉnh Hà Giang có chủ trương chỉ đạo chính quyền cơ sở tại 4 huyện vùng Cao nguyên đá (Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ) vận động nhân dân gieo trồng cây Hoa Tam giác mạch, vừa làm cảnh quan du lịch, vừa xóa đói, giảm nghèo. Những hộ dân trồng hoa Tam giác mạch được hỗ trợ tiền giống, phân bón. Do làm tốt công tác chăm bón nên các diện tích Tam giác mạch cũng sinh trưởng tốt hơn và cho hoa đẹp hơn. Trong các dịp diễn ra Lễ hội Hoa Tam giác mạch, tỉnh Hà Giang đã thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch đến tham quan, chụp ảnh, với mức thu bình quân 10 nghìn đồng/1 du khách. Trung bình mỗi ngày một vườn hoa Tam giác mạch thu về từ 2 - 2,5 triệu đồng, ngày đông khách có vườn thu về trên 5 triệu đồng... Vì vậy, cây hoa Tam giác mạch không chỉ tạo vẻ đẹp trong cảnh quan du lịch, mà còn là cây trồng thế mạnh mang lại nguồn thu nhập cao, góp phần thúc đẩy quá trình xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc vùng Cao nguyên đá Đồng Văn.
Tạm biệt những vườn hoa Tam giác mạch, chúng tôi đến điểm tham quan cuối cùng tại Hà Giang là cột cờ Lũng Cú. Trên đường lên cột cờ, tôi còn tận mắt chiêm ngưỡng hóa thạch Bọ Ba Thùy. Qua tìm hiểu, được biết Bọ Ba Thùy có tên khoa học là Trilolista, sống phổ biến trong kỷ Cambri và kỷ Ordovic hệ tầng Chang Pung, chúng biến mất vào cuối đại cổ sinh và tuyệt chủng vào kỷ Devon. Bọ Ba Thùy là một trong những loài chiếm lĩnh đại dương hơn 270 triệu năm. Có thể thấy cao nguyên đá Đồng Văn là một trong những vùng đá vôi đặc biệt trong cả nước, có sức lôi cuốn mạnh mẽ khách du lịch và những nhà nghiên cứu khoa học bởi chúng chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển vỏ quả đất, những hiện tượng tự nhiên, những cảnh quan đặc sắc, tính đa dạng sinh học cao và những truyền thống văn hóa đặc sắc của cộng đồng người dân miền rẻo cao nơi địa đầu đất nước...
Cột cờ Lũng Cú được xây dựng trên đỉnh núi Rồng với độ cao 1.700m so với mực nước biển, cách huyện lỵ Đồng Văn 24km, cách TP Hà Giang 154km. Có nhiều giả thiết về tên gọi Lũng Cú nhưng đến nay vẫn chưa có khẳng định nào chính thức. Có giả thiết cho rằng Lũng Cú gọi theo tiếng Lô Lô phiên âm Hán Việt là Long Cư, có nghĩa là nơi rồng ở, là vùng đất quần tụ của rồng. Cũng có giả thiết cho rằng địa danh Lũng Cú mang tên một người thủ lĩnh đứng đầu dòng họ dân tộc Lô Lô có công khai khẩn đất hoang, gìn giữ và phát triển vùng đất. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử họ vẫn bám trụ nơi này và người Lô Lô ở các vùng khác như Mèo Vạc (Hà Giang) hay Bảo Lạc (Cao Bằng) luôn coi Lũng Cú - Đồng Văn là quê hương của mình.
Sử liệu ghi lại, cột cờ Lũng Cú xuất hiện từ thời Lý, khi Lý Thường Kiệt hội quân trấn ải biên thùy, ông đã cho treo một lá cờ tại nơi này để đánh dấu chủ quyền lãnh thổ. Đến triều Tây Sơn, sau khi đại phá quân Thanh, Hoàng đế Quang Trung cũng đã cho đặt một chiếc trống đồng nơi đây, cứ mỗi canh, trống lại vang lên 3 hồi đĩnh đạc như khẳng định chủ quyền của đất nước. Có lẽ vì thế, Lũng Cú khi đọc chệch sang tiếng Mông là Long Cổ, tức là tiếng trống của nhà vua. Nơi từng đặt chiếc trống hiện nay là Trạm Kiểm soát Biên phòng Lũng Cú.
Cột cờ Lũng Cú hiện nay được xây dựng lại và khánh thành năm 2010. Phấp phới hiên ngang trên bầu trời miền biên ải là lá cờ Tổ quốc diện tích 54m2 tượng trưng cho sự đoàn kết của 54 dân tộc anh em cả nước. Ngay dưới chân cột cờ có 8 mặt phù điêu tượng trưng cho nền văn hóa của từng vùng miền và 8 mặt của trống đồng. Tại đỉnh cột cờ, chúng tôi gặp Binh nhất Nông Văn Tiếp, công tác tại Đồn Biên phòng Lũng Cú đang trong ca trực bảo vệ cột cờ. Tiếp cho biết, việc canh gác lá cờ được các CBCS của Đồn thực hiện suốt 24/24h. Lá cờ trên đỉnh Lũng Cú cũng luôn được thay mới thường xuyên bởi địa hình núi cao, lộng gió hay giật rách cờ. Mỗi lá cờ bị gió xe rách sau khi hoàn thành nhiệm vụ cao cả của mình sẽ được các chiến sỹ gấp cẩn thận, ghi mã số, ngày thượng cờ, ngày hạ cờ và được bảo quản trang trọng. Những lá cờ này cũng là món quà được các CBCS Đồn Biên phòng Lũng Cú tặng cho các đoàn khách đến thăm Lũng Cú. Hôm ấy mỗi thành viên trong đoàn đều được lãnh đạo CA tỉnh Hà Giang tặng 1 lá cờ diện tích khoảng 3cm2 (được may lại từ những lá cờ bị rách tại Lũng Cú) ngay trong buổi tối đầu tiên đặt chân đến Hà Giang. Đứng trên đỉnh núi cao, trên đầu là lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió, tôi cảm thấy thật tự hào, yêu sao mảnh đất địa đầu của Tổ quốc, được nhân dân trao trọn niềm tin giữ vững chủ quyền đất nước...
Hà Giang-mảnh đất của rất nhiều điều thiêng liêng, quý giá nhưng cũng là nơi vẫn còn phải chịu quá nhiều thiệt thòi, gian khó. Tôi vẫn không nguôi sự so sánh giữa tên cung đường Hạnh phúc với cuộc sống của người dân nơi đây. Dọc đường đi, giữa trưa nắng chang chang, chúng tôi gặp những em nhỏ đầu trần, chân đất lang thang trên đường; những người phụ nữ Mông, Dao, Tày...gầy gò lưng địu con nhỏ, đang mải miết chăm bón nương ngô, những khóm cỏ voi. Bên cạnh những vách núi cheo leo, những lởm chởm của đá tai mèo đều mọc lên những cây ngô, cây cỏ voi xanh mướt...Trên những cung đường Hạnh phúc ở Hà Giang đều cho tôi sự trải nghiệm quý giá, những cảm xúc thiêng liêng về vùng đất của Tổ quốc mình đặt chân tới...
Ghi chép của Thu Huyền