“Cuộc chiến” chọn trường tại Trung Quốc

Thứ năm, 11/07/2013 10:36

 

(Cadn.com.vn) - Để con cái mình được học ở một ngôi trường tốt là ưu tiên hàng đầu của nhiều bậc cha mẹ ở Trung Quốc. Họ không ngần ngại bán nhà, chuyển đến nơi ở mới để được nhập học vào những ngôi trường chất lượng cao. Tình trạng này gây ra những câu chuyện dở khóc dở cười.

 

Chuyển nhà vì tương lai của con

 

Jiang Ying, một giảng viên đại học là mẫu phụ huynh điển hình hiện nay ở Trung Quốc.

 

Cô đặt kỳ vọng cao vào cô con gái của mình và tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc: Để thành công trong xã hội cạnh tranh của Trung Quốc, bạn phải tốt nghiệp một trường đại học uy tín. Và tất nhiên, trước đó bạn phải học tại một trường trung học có uy tín, và dĩ nhiên, bạn cần một nền giáo dục chất lượng cao ở bậc tiểu học. Mặc dù con gái của Jiang mới 3 tuổi, cô bị lôi kéo vào một cuộc chiến để được nhập học một trường tiểu học có uy tín trên địa bàn quận Từ Hối, Tây Nam Thượng Hải.

 

 

 

  Căn hộ trong khu vực Wudaokou là một trong những nơi đắt nhất tại thủ đô Bắc Kinh.  Ảnh: Chinadaily

 

Trong 9 năm, hệ thống giáo dục bắt buộc của Trung Quốc - 6 năm tiểu học và 3 năm trung học – các bậc cha mẹ không được phép chọn trường công lập cho con. Thay vào đó, họ phải ghi danh ở trường học gần nhà. Tuy nhiên, đối với các bậc cha mẹ luôn đặt việc giáo dục con em lên hàng đầu, họ sẽ không ngừng nỗ lực phá vỡ các quy tắc cứng nhắc này. Đối với Jiang, điều đó có nghĩa là cô phải chuyển đến sống ở quận Từ Hối, nơi được biết đến với các trường học chất lượng cao. Nhưng thực tế khắc nghiệt là buộc Jiang phải xem xét lại kế hoạch. Một căn hộ ẩm ướt, tối tăm rộng 28m2 được xây từ những năm 1980 có giá hơn 50.000 NDT (8.000 USD)/m2.

 

Jiang hối tiếc vì không nghĩ đến yếu tố giáo dục khi mua căn nhà đầu tiên ở Minhang. Bây giờ cô phải tốn nhiều tiền vì tính toán sai lầm đó.

 

Đẩy giá nhà tăng cao

 

Ở các thành phố hạng nhất như Thượng Hải, trường chất lượng cao trở nên khan hiếm.

 

“Nhiều căn hộ rẻ hơn một nửa so với cái của chúng tôi, nhưng chúng không nằm trong khu vực tuyển sinh của các trường học lý tưởng”, Jiang nói. Cô cho biết, mọi người chỉ mua căn hộ này như “vé vào cửa” một trường học tốt, không ai thực sự sống ở đó. Cuối cùng, Jiang chọn cách: “Chúng tôi sẽ bán căn nhà hiện tại ở Minhang và dùng số tiền này để mua căn hộ ở Từ Hối. Khi con được nhập học, chúng tôi sẽ bán căn hộ đó cho những người cần nó. Tôi biết chắc giá sẽ tiếp tục tăng vì nhiều phụ huynh đang tìm nhà trong khu vực này”, Jiang cho biết.

 

Sự cạnh tranh khốc liệt để được nhập học ở những trường chất lượng cao đang ảnh hưởng đến giá nhà trong thành phố. Những căn hộ gần các trường học này rất đắt. Căn hộ 28m2 một phòng ngủ gần đây được bán với giá 2,35 triệu NDT. Song Huiyong, Giám đốc bộ phận nghiên cứu và tư vấn tại Cty tư vấn bất động sản Thượng Hải Centaline, cho biết, sự điên cuồng tìm kiếm các căn hộ là kết quả của số lượng rất hạn chế các trường chất lượng cao ở Trung Quốc. “Các bậc cha mẹ Trung Quốc sẽ cố gắng mọi cách để gửi con em đến trường học tốt nhất và tiếp tục đẩy giá của những ngôi nhà gần đó tăng lên”, ông nói.

 

Để đáp ứng nhu cầu, Cty phát triển bất động sản Greenland bắt đầu bán dự án dân cư mới ở quận Yangpu, đông bắc thành phố, khu vực có nhiều trường học nổi tiếng.

 

Nhìn xa trông rộng, chưa chắc đã đúng

 

Nhưng đôi khi, nhiều người vẫn thất bại trong kế hoạch đảm bảo vị trí tại một ngôi trường chất lượng cao dù đã mua một ngôi nhà trong khu vực, vì trường học có thể thay đổi khu vực tuyển sinh mỗi năm.

 

Yu Lu, nhân viên ở một Cty có trụ sở tại Mỹ, biết quá rõ rằng, việc mua một ngôi nhà gần trường không phải sẽ luôn đảm bảo vị trí cho con mình. Yu và chồng mua một ngôi nhà gần một trường nổi tiếng ngay cả trước khi sinh con. “Tôi luôn muốn gửi con đến Liushifuxiao (một trường tiểu học chất lượng cao ở khu Pudong New Area, Thượng Hải). Chúng tôi mua một căn hộ ngay cạnh trường tiểu học này vào năm 2000”, cô nói. Tuy nhiên, chỉ 2 năm sau, khu vực tuyển sinh của trường thay đổi và căn hộ của họ không còn nằm trong danh sách của trường. Yu phải gửi con mình đến một trường khác chẳng mấy nổi tiếng.

 

Các bậc cha mẹ Trung Quốc cũng dần rút ra bài học cay đắng: ngay cả khi họ bỏ ra một số tiền lớn, chuyển đến một ngôi nhà gần một trường học tốt, kế hoạch vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát.

 

An Bình (Theo Chinadaily)