“Cuộc chiến” chưa kết thúc
(Cadn.com.vn) - Trung Quốc vẫn ngang ngược tuyên bố không công nhận phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA), vốn bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Bắc Kinh trên vùng biển Đông tranh chấp.
Khoảnh khắc vỡ òa hạnh phúc của người dân Philippines sau phán quyết lịch sử của PCA |
Mặc dù PCA cuối cùng ra phán quyết về vụ Philippines kiện tuyên bố “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở biển Đông, “cuộc chiến” giữa hai bên vẫn chưa kết thúc. Thực tế cho thấy, những phản ứng thái quá của Bắc Kinh có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng trong khu vực, ít nhất là trong ngắn hạn.
Giới phân tích cho rằng, trong thời gian tới, những hành động của Bắc Kinh thậm chí sẽ còn hung hăng và khiêu khích hơn. Những kịch bản mà giới chuyên gia đặt ra cho thời kỳ hậu phán quyết lịch sử của PCA là khả năng Trung Quốc thiết lập Vùng xác định phòng không (ADIZ) như cảnh báo, đe dọa bất kỳ tàu nước ngoài hoặc máy bay nào quá cảnh gần những tảng đá và rạn san hô mà Bắc Kinh đang cải tạo trái phép ở biển Đông.
Nền kinh tế số 2 thế giới cũng có thể sẽ vận dụng sức mạnh kinh tế để buộc các quốc gia khác tôn trọng tuyên bố của mình hoặc buộc các nước ngồi vào bàn đàm phán song phương. “Có vẻ như ngày càng ... có nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ tìm cách trả đũa bằng cách nào đó, trên mặt đất hoặc trên biển, để cho thấy nó sẽ không bị ràng buộc bởi phán quyết của PCA”, Gregory B.Poling, Giám đốc Sáng kiến Hàng hải Châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) ở Washington, nhận định.
Và tất nhiên, nếu Trung Quốc tiến hành các bước như vậy, Mỹ, Philippines, và các quốc gia khác sẽ cảm thấy bắt buộc phải đáp trả. “Mỹ có thể sẽ phản ứng với một chiến dịch ngoại giao lớn chống lại Trung Quốc và điều tàu khu trục tuần tra thường xuyên biển Đông để củng cố tự do hàng hải và an ninh biển ở một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới này”, Thomas Eder, một nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Mercator ở Berlin cho biết.
Theo giới chuyên gia, cách thức phản ứng của Trung Quốc trong các ngày và các tuần tới về cơ bản sẽ xác định vị thế quốc tế của nước này trong những thập kỷ tiếp theo. Và tất nhiên, Trung Quốc sẽ gặp khó khăn lớn nếu cứ tiếp tục giả đò và phớt lờ phán quyết của PCA dựa trên lập luận cho rằng, văn kiện này không mang tính pháp lý. Các quốc gia như Mỹ, Australia, Nhật và nhiều quốc gia Châu Âu khác vốn mạnh mẽ ủng hộ Philippines trong vụ việc này, cảnh báo, nếu Bắc Kinh từ chối chấp nhận phán quyết phù hợp luật quốc tế này, nó có thể mở ra kỷ nguyên mới của “sự ép buộc và đe dọa” trong đó sẽ làm lu mờ hình ảnh một Trung Quốc đang lên và khiến Bắc Kinh bị cô lập hơn nữa.
Eric Shimp, một cố vấn thương mại và tư vấn pháp lý của Cty luật Alston & Bird nói rằng, các động thái của Trung Quốc còn có thể ảnh hưởng lớn đến thương mại. “Một sự gia tăng hiện diện quân sự và hoạt động ở biển Đông đồng nghĩa với việc gia tăng các nguy cơ xung đột trong khu vực”, ông nói đồng thời nhấn mạnh, những căng thẳng và rủi ro này sẽ khiến các Cty tránh tuyến đường vận chuyển qua biển Đông.
Phán quyết của PCA là sự kiện có tính bước ngoặt lịch sử trong vấn đề biển Đông, được cộng đồng quốc tế hoan nghênh đặc biệt. Nhưng những phản ứng bước đầu của Trung Quốc thật sự gây lo ngại. LHQ, Mỹ và nhiều quốc gia lên tiếng bày tỏ mong muốn những tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải ở Châu Á được giải quyết một cách hòa bình mà không cần ép buộc. Nhưng bóng đã nằm ở phần sân của Trung Quốc, và việc hóa giải vấn đề biển Đông như thế nào là phụ thuộc vào cách đá của Bắc Kinh.
Khả Anh