“Cuộc chiến” Nga-NATO

Thứ sáu, 04/04/2014 11:33

(Cadn.com.vn) - Nga cáo buộc NATO quay trở lại thời kỳ “Chiến tranh Lạnh” khi tăng cường hiện diện quân sự ở Đông Âu và đình chỉ hợp tác với Moscow.

Trong tuyên bố đưa ra ngày 3-4, Điện Kremlin buộc NATO giải thích rõ ràng kế hoạch tăng cường hiện diện quân sự ở Đông Âu.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định, Moscow muốn có câu trả lời từ NATO liên quan đến các hoạt động ở khu vực nhạy cảm hiện nay. “Chúng tôi không chỉ mong chờ câu trả lời mà câu trả lời... sẽ phải hoàn toàn dựa vào sự tôn trọng các quy tắc mà chúng ta đã đạt được”, BBC dẫn lời ông Lavrov nói.

NASA hiện vẫn đang phụ thuộc vào Nga để “quá giang” vào quỹ đạo. Ảnh: Verge

NATO hành động theo kiểu “Chiến tranh Lạnh”

Phản ứng của Moscow theo sau tuyên bố tăng cường phòng thủ ở Đông Âu của NATO do việc Crimea sáp nhập vào Nga. Tổ chức quân sự này cũng dừng tất cả các hoạt động hợp tác dân sự và quân sự với Nga.

Rõ ràng, bất chấp những tuyên bố trấn an “không thèm muốn miền Đông Ukraine” của Nga, NATO vẫn lo ngại Moscow sẽ thôn tính khu vực này khi triển khai lực lượng lớn quân đội ở khu vực biên giới phía Đông với Ukraine. Hiện các nhà hoạch định quân sự của NATO đang tìm kiếm các lựa chọn, bao gồm lập căn cứ quân sự thường trú tại các nước Baltic để trấn an các thành viên ở Đông Âu. Ngoài ra, các máy bay NATO cũng sẽ tham gia tuần tra trong khu vực này trong các cuộc diễn tập thường xuyên mà giới phân tích nói là “càng như đổ thêm dầu” vào khủng hoảng lần này.

Trong khi đó, theo báo Wall Street Journal, ngoại trưởng các nước thành viên NATO giao cho chỉ huy liên quân ở Châu Âu Philip Bridlavu chuẩn bị kế hoạch triển khai các lực lượng và trang thiết bị quân sự tại Đông Âu, tổ chức các cuộc tập trận và chuẩn bị sẵn sàng lực lượng phản ứng nhanh. Về phần mình, tướng Bridlav cho biết sẽ trình NATO gói các biện pháp liên quan đến việc triển khai các lực lượng trên biển, đất liền và trên không, cũng như bao trùm các khu vực miền Bắc, Trung, Nam gần biên giới phía Tây của Nga vào ngày 15-4 tới.

Mặc cho những động thái “đưa quan hệ hai bên trở về thời Chiến tranh Lạnh”, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen vẫn nói rằng, NATO không xem xét một giải pháp quân sự thay thế cho lựa chọn chính trị đối với tình hình ở Ukraine.

Đến lượt NASA

Sau NATO, đến lượt NASA hành động với Moscow khi tuyên bố cắt đứt toàn bộ các tiếp xúc với Nga trừ việc hợp tác trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).

Theo AP, quyết định này đồng nghĩa với việc nhân viên NASA không thể đến Nga hoặc tổ chức du khách đến xứ sở Bạch Dương cho đến khi có thông báo mới. Họ cũng bị cấm gửi email hoặc tổ chức hội nghị qua điện thoại với đối tác Nga. Và tất nhiên, người Nga cũng không được thăm các cơ sở của NASA. Tuy nhiên, các hoạt động tại ISS hoặc các cuộc họp đa phương được tổ chức bên ngoài Nga mà có thể có sự tham gia của Nga, “miễn nhiễm” với quyết định này. “NASA và Nga sẽ tiếp tục làm việc với nhau để duy trì hoạt động an toàn và liên tục của trạm không gian”, NASA cho biết trong tuyên bố đưa ra tối 2-4 (sáng 3-4, giờ Việt Nam).

Những động thái trên của phương Tây cho thấy, họ đã khơi mào cho “cuộc chiến” căng thẳng kéo dài với Nga. Giới phân tích cho rằng, quyết định của NATO và cả NASA sẽ không có lợi cho cả đôi bên, chứ không riêng gì Moscow. Theo họ, hành động của NATO sẽ tạo ra “một hiệu ứng nhàm chán”. Còn nhớ, NATO cũng từng đình chỉ hợp tác với Moscow năm 2008 sau cuộc chiến chớp nhoáng giữa Nga và Georgia nhưng khôi phục hợp tác do bản chất của mối quan hệ này là cùng có lợi trong tất cả các điều kiện.

Trong khi đó, kể từ khi cho đội tàu con thoi Endeavour, Discovery và Atlantis “nghỉ hưu”, NASA phụ thuộc vào Nga để “quá giang” vào quỹ đạo, trả gần 71 triệu USD cho một chỗ ngồi trên tàu Soyuz của Moscow.

Khả Anh