"Cuộc chiến" ở Bắc Cực
(Cadn.com.vn) - Bắc Cực - nơi lạnh nhất trái đất - hiện đang "nóng" lên bởi tình trạng biến đổi khí hậu và cuộc chạy đua giữa các ông lớn, nhất là khi băng tan lộ dần khối tài nguyên khổng lồ.
Vì nguồn tài nguyên hay biến đổi khí hậu?
Vài năm gần đây, Bắc Cực càng "nóng" lên khi các cường quốc như Nga, Pháp, Trung Quốc... đầu tư những khoản tiền khổng lồ vào đây.
Và ngay đầu tháng 9 này, Tổng thống Mỹ Obama đến Anchorage, Alaska, để tham dự Hội nghị Lãnh đạo toàn cầu về Bắc Cực, gọi tắt là sự kiện GLACIER. Trong hội nghị có 9 quốc gia tham dự, trọng tâm về vấn đề biến đổi khí hậu nhưng xa hơn là mối quan tâm của con người đến vùng đất tiềm năng đầy mới lạ này.
Theo ông Evon Peter, đại diện tộc người ở Gwichin, thổ dân của Bắc Cực, đây là sự kiện trọng đại bàn về biến đổi khí hậu liên quan đến Bắc Cực. Chủ đề hội nghị GLACIER là lạc quan, nhưng giới quan sát lại cho rằng, nó không mang tính thực tế. "Biến đổi khí hậu ai cũng biết, nhưng chủ đề này chỉ là cái cớ để thảo luận trong GLACIER", Giáo sư Pavel Baev ở Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo, Na Uy nhận xét. Người ta cho rằng, biến đổi khí hậu chỉ là chất "xúc tác" giúp các cường quốc tranh giành miếng bánh Bắc Cực, tạo ra "biên giới tâm lý", và xa hơn có thể dẫn đến xung đột vượt tầm kiểm soát.
Trên thực tế, thay đổi về khí hậu khiến băng tan ở Bắc Cực. Nhưng, chính nó lại mở ra cơ hội chưa từng có trong nỗ lực có thể tiếp cận và khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên ẩn sâu ở đây.
Mỹ đang có kế hoạch đưa một tàu phá băng mới đến Bắc Cực. |
"Cuộc chiến tranh lạnh mới"
Cuộc chạy đua khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên và sử dụng các tuyến đường thương mại mới ở Bắc Cực được ví như "Cuộc chiến tranh lạnh mới".
Nga từng áp đặt chủ quyền đối với vùng lãnh thổ này bằng cách cắm cờ tại Bắc Cực năm 2007. Và đầu tháng 8, Moscow còn tuyên bố quyền sở hữu của 1 triệu km2 thềm Bắc Cực. Gần đây, một dự án có tên "Yamal" liên doanh giữa 3 Cty Novatek của Nga, Total của Pháp và CNPC của Trung Quốc, biến Yamal trở thành một trong những dự án khí tự nhiên hóa lỏng lớn nhất thế giới, vận chuyển hàng hóa đến cả Châu Á và Châu Âu.
Tờ New York Times cho rằng, Mỹ tụt hậu sau các quốc gia khác, nhất là Nga bởi theo dự kiến đến năm 2020, Moscow sẽ tăng số nhân viên quân đội tại Novaya Zemlya, Bắc Cực lên gấp đôi. Ngoài ra, Điện Kremlin còn có ý định mở rộng ranh giới lục địa ra Bắc Cực phù hợp với Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS), trong khi đó Mỹ lại không tham gia cuộc chơi này. Theo Đô đốc Paul Zukunft, Chỉ huy Lực lượng Phòng vệ bờ biển Mỹ, hiện Nga có tới 41 tàu phá băng đang hoạt động tại Bắc Cực.
Trong tương lai, Bắc Cực sẽ là điểm nhấn trong sự cạnh tranh địa chính trị mới, một bên là Mỹ cùng đồng minh, và bên kia là Nga. Theo giới quan sát, việc Nga trở lại Bắc Cực là điều dễ hiểu. Nhưng ngoài Nga, Trung Quốc cũng theo đuổi các lợi ích của họ, rất tích cực trong chương trình nghiên cứu Bắc Cực, vì vậy, theo tờ New York Times, đã đến lúc Mỹ nên xem lại vấn đề này một cách nghiêm túc.
Trước nhiều chỉ trích của báo giới về việc "để Nga lấn át ở Bắc Cực", hôm 2-9, ông Obama đến thăm Bắc Cực, trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm vùng đất này và đánh dấu nỗ lực của Mỹ trong cuộc đua với Nga. Theo thông báo từ Nhà Trắng, Washington hiện đang có kế hoạch đưa một tàu phá băng mới đến khu vực này, đồng thời yêu cầu Quốc hội trao quyền cho chính phủ, trong đó có tiến độ ký kết UNCLOS.
Kim Hùng
(Theo AP/BBC)