“Cuộc đảo chính” kỳ lạ

Thứ năm, 23/11/2017 09:12

Quyết định từ chức của ông Mugabe là đỉnh cao của một tuần đặc biệt trong lịch sử Zimbabwe, bắt đầu khi các nhà lãnh đạo quân sự hành động can thiệp chính trị để ngăn chặn việc đệ nhất phu nhân Grace Mugabe lên nắm quyền.

Khi cuộc khủng hoảng nổ ra, nó mang tất cả các dấu hiệu của một cuộc đảo chính. Tuy nhiên, cuối cùng, nó hầu như giống một cuộc nổi dậy có tiếng và được người dân ủng hộ. “Chúng tôi lâm vào khủng hoảng một thời gian dài, và đây là một ngày mới cho người dân Zimbabwe”, một người dân nói.

Với những gì diễn ra trên chính trường Zimbabwe, có thể nói, đây là một cuộc “đảo chính” kỳ lạ nhất thế giới. Tất cả những gì diễn ra ở Zimbabwe là bức tranh đối lập hoàn toàn với nhiều cuộc đảo chính thường thấy ở các nước Châu Phi. Trên thực tế, dù tổng thống bị bắt giữ và quản thúc tại gia, quân đội Zimbabwe vẫn khẳng định “không phải đảo chính”. Trong khi đó, nội các vẫn nhóm họp bình thường và tổng thống vẫn xuất hiện trong các sự kiện như không có vấn đề gì xảy ra. Dù vẫn khăng khăng không từ chức trong bài phát biểu hôm 19-11, Tổng thống Mugabe vẫn bình an vô sự, và thậm chí về mặt lý thuyết vẫn nắm quyền lãnh đạo ở nước này.

Và một điều khác biệt nữa là những hình ảnh trên đường phố. Thông thường, khi xảy ra đảo chính, lệnh giới nghiêm sẽ được ban bố, nổ ra các cuộc biểu tình phản đối và dẫn đến các hành động đàn áp biểu tình, nhuốm máu bạo lực. Tuy nhiên, ở Zimbabwe thì không. Dù binh sĩ xuất hiện nhiều hơn trên đường phố thủ đô, mọi việc vẫn yên ắng và hầu như không có tiếng súng. Lãnh đạo quân đội thậm chí cho phép các cuộc tuần hành quy mô lớn vài ngày sau đó. Hàng chục ngàn người dân còn xuống đường ca hát, khiêu vũ và chụp ảnh với những binh sĩ khi trực thăng quân sự bay vòng quanh. Sự khác biệt chính ở đây là những người biểu tình và quân đội đều cùng chung mục đích loại bỏ ông Mugabe.

Những điều này cho thấy, tất cả đều nằm trong chiến lược được lên kế hoạch kỹ lưỡng của quân đội Zimbabwe sau nhiều năm dưới quyền điều hành hà khắc của “Tổng tư lệnh” Mugabe. Một cuộc chiến không tiếng súng, không đổ máu thật sự đã được đền đáp.

THANH VĂN