Cuộc hội ngộ của những người lính
Sáng mồng 6 Tết Mậu Tuất 2018, o Lành đến Đài Chiến thắng Cửa Việt ở TT Cửa Việt (H. Gio Linh, Quảng Trị) từ khá sớm chờ hội ngộ với những biệt động giao liên đặc công hải quân khu vực Gio Linh – Vĩnh Linh trong ngày đầu xuân. Ngó ra đường Xuyên Á, o ngắm dòng xe đang xuôi ngược từ cảng về các lò hấp nghi ngút khói mà trong lòng dâng lên niềm vui khó tả. “50 năm trước, cả vùng Cửa Việt – Gio Hải đồn bốt Mỹ -ngụy dày đặc. Mỗi trận đánh trên tuyến Cửa Việt – Đông Hà đều ác liệt lắm. Chừ nhà cửa khang trang, đời sống lên cao, mừng rồi”, o Lành bồi hồi nói với chúng tôi. Lúc đó, những đồng đội của o vừa đến, họ ôm chầm lấy nhau mừng vui khôn xiết. “Cứ đầu năm là giao liên đặc công gặp nhau tại đài chiến thắng, thắp nén hương tưởng nhớ tri ân đồng đội và chiến sĩ đặc công hải quân đã ngã xuống cho hòa bình hôm nay, cũng là dịp để động viên nhau vượt qua khó khăn cuộc sống”, o Nồng cho hay.
Những giao liên đặc công Hải quân năm xưa dâng hương tưởng nhớ Anh hùng liệt sĩ |
Theo lịch sử Đoàn đặc công Hải quân 126, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đoàn đã nhận được sự giúp đỡ của quân dân địa phương Quảng Trị và đơn vị bạn (Mặt trận B5, Phân đội 23 Hải quân), qua 7 năm chiến đấu trên chiến trường Cửa Việt – Đông Hà (1966 – 1972) đã trực tiếp đánh hơn 300 trận, đánh chìm đánh hỏng 336 tàu thuyền, phá hủy hàng vạn tấn hàng hóa và phương tiện chiến tranh; bắn cháy 28 xe tăng, bắn rơi 3 máy bay, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Quân dân Quảng Trị tham gia Chiến dịch Đường 9 - Bắc Quảng Trị (1967 – 1968); Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1968; Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào (1971) và Chiến dịch Xuân hè 1972 góp phần giải phóng Quảng Trị. Gắn với mỗi sự kiện và chiến công ấy, không thể thiếu sự đóng góp quan trọng lớn lao của những giao liên như o Lành, o Nồng và đồng đội.
O Lành là nữ giao liên Trần Thị Lành (KP 8, TT Cửa Việt), “người hùng” trong lòng mỗi chiến sĩ Đoàn đặc công Hải quân 126 trong những năm dài chiến đấu trên tuyến Cửa Việt – Đông Hà. Năm nay o đã 75 tuổi, là người cao tuổi nhất trong số những đội viên giao liên đặc công còn lại. Còn o Nồng đến từ thôn Nhĩ Hạ, xã Gio Thành (H. Gio Linh) nay sang tuổi 64. Cũng như bao giao liên đặc công Gio Linh–Vĩnh Linh, họ đều tham gia cách mạng khi tuổi mới 15, 16. “Nhiều người đã ngã xuống, mãi mãi nơi này...”, o Lành ngậm ngùi xúc động. Còn o Phan Thị Lý (70 tuổi, xã Gio Hải) mồ côi cha mẹ sớm, theo chân anh trai là Phan Văn Đản, CA vũ trang H. Gio Linh hoạt động cách mạng từ nhỏ rồi tham gia lực lượng biệt động giao liên đặc công hải quân. “Nhà chỉ có 2 anh em, năm 1967, anh trai hy sinh...”, o Lý ngấn lệ. Là xã đội phó Gio Hải đồng thời là nữ giao liên quả cảm kiên cường, o Lý khéo léo hoạt động ngay giữa lòng địch, bao phen đối mặt với hiểm nguy. “Đã đi là đánh, là chiến đấu tới cùng”, o Lý như sống lại thời khắc lịch sử ấy. Trước tinh thần cảm tử của người con gái miền biển anh hùng, anh giao liên Trần Hữu Thiên đem lòng mến yêu và nên nghĩa vợ chồng. Năm 1972, khi o Lý vừa mang thai con đầu lòng được 2 tháng thì chồng hy sinh. “Không chỉ có mỗi ông ấy, nhiều giao liên đã hy sinh”, o Lý cố ngăn dòng đau thương để nhường lại cho niềm vui của ngày gặp gỡ đồng đội. “Đây là o Trần Thị Tâm (71 tuổi, đến từ TT Gio Linh), còn đây là o Lê Thị Tuy (71 tuổi, TT Cửa Tùng, H. Vĩnh Linh). Còn đây là vợ chồng o Trần Thị Bờ - Nguyễn Thanh Nam, đều là giao liên đặc công. Hai người đang đi vào đó nữa là vợ chồng o Nguyễn Thị Thủy– Dương Bá Quy”, o Nồng giới thiệu đầy tự hào.
Như bao lần gặp gỡ, các giao liên năm nào đều ôn lại những kỷ niệm trinh sát, dẫn đường cho bộ đội đặc công tác tổ chức các trận đánh lớn. “Đồn bốt dày đặc, ở thôn 8, đồn 31 nì, rồi đồn Cồn Tòng, bắc Cửa Việt, nam Cửa Việt, đồn Hải Thuyền. Như con khe trước mặt đây, giao liên đi răng không để lại dấu chân, hết sức bí mật”, các o dẫn dắt chúng tôi trở lại trận đánh “Bạch Đằng” trên sông Hiếu khiến địch khiếp sợ trong Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968. Để đơn vị 1A đặc công Hải quân 126 vận chuyển vũ khí vào tới trận địa trên sông bí mật, an toàn chính là nhiệm vụ của những giao liên như o Lành, chú Nam...Từ trong những ngày Tết 50 năm trước, tất cả đội giao liên đã vào nhiệm vụ, trinh sát, thu thập tin tức. Rồi cũng chính họ vượt qua lưới giặc, vận tải đưa thương binh ra đến hậu cứ sau trận đánh.
Hàng năm, những người lính Lữ đoàn 126 lại tranh thủ về thăm đội giao liên đã cưu mang, che chở và sát cánh trong ngày tháng chiến đấu khốc liệt. Với họ, những o Lý, o Lành, chú Nam, o Nồng, o Tâm, o Tuy... đều là lính đặc công thực thụ mà họ mãi tạc dạ ghi ơn.
BẢO HÀ