Cuộc thi robocon khu vực miền Trung: Vẫn hừng hực ngọn lửa sáng tạo

Thứ sáu, 25/04/2008 00:00

* Luật thi năm nay nhiều hạn chế so với năm 2007

(Cadn.com.vn) - Hôm nay (25-4), Cuộc thi sáng tạo robocon vòng loại khu vực miền Trung bắt đầu khai mạc tại ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Có lẽ,  dư  âm từ chiến thắng Vô địch Quốc gia của Đội BKDV (ĐH Bách khoa Đà Nẵng) năm ngoái vẫn còn phảng phất đâu đây, tạo nên một không khí sôi động, hào hứng cho các bạn sinh viên đam mê sáng tạo kỹ thuật tại miền Trung. 39 đội robot mạnh nhất miền Trung đã tề tựu tại Đà Nẵng tranh tài trong 3 ngày từ ngày 25 - 27, chắc chắn hứa hẹn nhiều trận đấu kịch tính, hấp dẫn.

Tôi gặp lại Đỗ Thế Cần-Đội trưởng Đội Robocon Đại học Bách khoa Đà Nẵng Vô địch toàn quốc năm 2007. Sau khi ra trường, Cần được giữ lại làm giảng viên của Trường và giờ là chỉ đạo viên cho các đội robocon của ĐHBK Đà Nẵng. Cần bảo, dù ở cương vị nào, ngọn lửa đam mê sáng tạo trong em vẫn luôn bùng cháy mãnh liệt. Cứ nghe những tiếng reo hò, cứ nhìn những chú robot và khuôn mặt hào hứng của các bạn sinh viên lòng Cần lại xốn xang. Năm ngoái, Cần được thỏa sức sáng tạo, điều khiển “đứa con tinh thần” của mình, còn năm nay, làm chỉ đạo viên, chỉ động viên tinh thần, hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm, kỹ năng cho các bạn sinh viên khác.

Kinh nghiệm xương máu mà Cần rút ra được và áp dụng cho các em sinh viên của mình là: hãy để các em tự do sáng tạo. Bởi vì, các em tự sáng tạo, sẽ tự hiểu “tính nết” con robot của mình, và khi thi đấu mới điều khiển được nó cho kết quả tốt nhất. Năm ngoái, con robot của đội Cần chưa hẳn đã tốt nhất toàn quốc, nhưng đó là đứa con đẻ của đội, các thành viên trong đội hiểu từng chân tơ kẽ tóc của nó, vì vậy khi điều khiển nó phát huy hiệu quả rất cao. Một thành viên khác của Đội robot ĐH BK Đà Nẵng năm ngoái là Phạm Văn Anh. Năm nay, Anh là giảng viên đồng thời là chỉ đạo viên cho các đội robot của Đại học Phạm Văn Đồng - Quảng Ngãi. Cùng với ĐH Khoa học Huế, ĐH Phạm Văn Đồng là thành viên mới lần đầu tiên tham dự robocon.

Các đội robot đang chuẩn bị cho những trận thi đấu kịch tính.

Được trở về sân chơi robot, Anh rất mừng, nhưng không giấu khỏi lo lắng cho một trường lần đầu tham dự còn thiếu thốn nhiều kinh nghiệm. Lê Ngọc Dũng - Đội trưởng Đội robot Núi Ấn-tâm sự: Vì ĐH Phạm Văn Đồng mới thành lập, chúng em cũng mới lần đầu tiếp cận với cuộc thi nên gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, trong quá trình làm robot ở Quảng Ngãi không có linh kiện, vì vậy các em phải thường xuyên chạy ra Đà Nẵng để mua linh kiện. Đội của Dũng gồm 3 thành viên, từ hơn 2 tháng nay, các em chưa khi nào ăn cơm đúng giờ, chưa một lần về thăm nhà, hầu như đêm nào cũng miệt mài chăm chút làm con robot Núi Ấn đến 2-3 giờ sáng mới ngủ. Dũng bảo, nếu không có lòng đam mê sáng tạo mãnh liệt, thật khó để các em có thể hoàn thành con robot Núi Ấn để dự thi.

Cuộc thi Robocon khu vực miền Trung năm nay có 39 đội đến từ 9 trường ĐH, CĐ, chia làm 10 bảng. 10 đội nhất 10 bảng cùng với 2 đội nhì có số điểm cao nhất sẽ vào vòng trong, sau đó chia tiếp làm 3 bảng, lấy 2 đội nhất, nhì tổng cộng 6 đội để dự thi robocon toàn quốc vào giữa tháng 6 tới. Sau vòng thi toàn quốc, VN sẽ chọn đội vô địch tham dự Cuộc thi Robocon khu vực Châu Á- Thái Bình Dương tại Ấn Độ. Tại đất nước của nàng Xi-ta xinh đẹp và vua khỉ Hanuman huyền thoại, chủ đề cuộc thi là “Vươn tới bầu trời” sẽ được đưa ra thử thách sáng tạo và lòng đam mê chinh phục của các bạn sinh viên. Theo quy định, cuộc thi được tổ chức ở nước nào thì nước đó sẽ đưa ra quy luật chơi, các nước dựa vào đó để sáng tạo ra những chú robot đáp ứng được tốt nhất yêu cầu của BTC.

Theo nhận xét của các đội tham dự robocon khu vực miền Trung năm nay thì luật thi của Ấn Độ (sẽ áp dụng trong cuộc thi toàn quốc) không thuyết phục bằng luật thi của Việt Nam khi cuộc thi Châu Á - Thái Bình Dương được tổ chức năm ngoái tại Hạ Long (Quảng Ninh). Cụ thể, theo Đỗ Thế Cần, luật chơi của Ấn Độ năm nay hạn hẹp, chỉ yêu cầu tốc độ chứ không đòi hỏi công nghệ, chiến thuật cao. Các bộ cảm biến màu của robot hầu như không còn nhiều giá trị khi mà yêu cầu luật chơi cho phép robot của hai bên đối phương chỉ cần gắp một quả cầu là được tính điểm mà không cần phân biệt quả cầu đó của robot nào, màu sắc ra sao.

Năm ngoái, robot đã ghi được điểm nhưng có khi không được tính điểm do robot đối phương gắp ra trở lại, còn năm nay, robot chỉ cần gắp được quả cầu vào vị trí là được tính điểm. Với luật thi đấu của Ấn Độ năm nay, chỉ cần 2 phút các đội robot đã hoàn thành phần thi, 1 phút còn lại để trống, rất tẻ nhạt, khác với năm ngoái ở VN, luật chơi hấp dẫn đến giây cuối cùng, nhiều đội thậm chí chắc thắng mười mươi vẫn có thể bị loại ở giây cuối, do bị đối phương cướp điểm. Rõ ràng, năm nay luật chơi đòi hỏi tốc độ hơn là công nghệ và chiến thuật, điều đó làm giảm khả năng sáng tạo của sinh viên.

Văn Thuấn