Cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”: Đã có sự lan tỏa lớn trong xã hội

Thứ sáu, 31/10/2014 11:17

(Cadn.com.vn) - Ngày 30-10, Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Đà Nẵng đã tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả 5 năm thực hiện cuộc vận động này tại Đà Nẵng.

Thay đổi nhận thức

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBMTTQVN, Trưởng Ban chỉ đạo đánh giá, với sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ ngay từ đầu, cuộc vận động đã tạo được sự chú ý, quan tâm, đồng thuận của người dân và nhận thức của người dân cũng như các doanh nghiệp (DN) về cuộc vận động đã có kết quả rõ nét.

* Tại hội nghị, có 1 tập thể, 1 cá nhân được Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQVN tặng bằng khen; Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng tặng bằng khen cho 17 tập thể và 2 cá nhân.

Theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo T.Ư) tổ chức vào tháng 7-2014 cho thấy, có 92% người tiêu dùng được hỏi “rất quan tâm” và “quan tâm” đến cuộc vận động, 63% số người tiêu dùng “tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, 54% người tiêu dùng “khuyên người thân trong gia đình, bạn bè, người quen biết nên mua hàng Việt Nam”.

Tại Đà Nẵng, ước tính tỷ lệ người dân biết về cuộc vận động không dưới 90%. Cũng theo ông Hùng, từ năm 2009 đến nay, Đà Nẵng đã tổ chức hơn 22 hội chợ triển lãm thương mại, công nghiệp và khoa học. Đặc biệt, từ năm 2011 đến nay, định kỳ tổ chức thành công Hội chợ hàng Việt với quy mô từ 350-400 gian hàng. Đây là dịp để các DN Việt Nam giới thiệu tiềm năng, sản phẩm đặc trưng của mỗi vùng miền và là nơi các DN mở rộng hợp tác, kết nối cung cầu.

Các DN cũng đã ý thức hơn về trách nhiệm đối với người tiêu dùng; chú trọng nâng cao chất lượng, cải tiến công nghệ để giảm giá thành, tích cực quảng bá thương hiệu, sản phẩm. Nhiều DN chủ động đưa hàng hóa về bán tại các KCN, vùng nông thôn, tham gia tích cực các hội chợ, triển lãm thương mại; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến mở rộng thị trường nội địa.

Hiện nay, hệ thống phân phối bán lẻ của các chợ, siêu thị cơ cấu tỷ lệ hàng Việt trong các quầy tăng lên không ngừng. Tại Siêu thị Big C có 95% là hàng Việt, Siêu thị Co.op Mart có 90% là hàng Việt, riêng nhóm hàng thực phẩm chiếm 95%; Siêu thị Intimex có nhóm hàng Việt hơn 85%...

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân. 

Tiếp tục chinh phục thị trường nội

Ông Lữ Bằng, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Đà Nẵng cho rằng, từ khi triển khai cuộc vận động đến nay, Sở đã tạo điều kiện cho các DN tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng, từ đó giúp DN xây dựng chiến lược, kế hoạch kinh doanh thị trường nội địa. Đến nay, cuộc vận động đã tạo được hiệu ứng tích cực, góp phần thay đổi dần thói quen tiêu dùng của người dân, đồng thời thay đổi nhận thức của DN đối với thị trường trong nước.

Ông Bằng cho biết, sẽ tiếp tục theo sát diễn biến thị trường, đảm bảo lưu thông hàng hóa, đáp ứng đủ các loại hàng hóa thiết yếu; triển khai có hiệu quả các chương trình “Tháng bán hàng khuyến mãi”, Hội chợ triển lãm, “Phiên chợ hàng Việt”, tổ chức các đoàn tham gia Hội chợ; đẩy mạnh kết nối giữa DN sản xuất, phân phối và người tiêu dùng.

Nghiên cứu đề xuất các giải pháp hỗ trợ DN để nâng cao năng lực cạnh tranh; đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống đầu cơ buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo VSATTP... nhằm bảo vệ quyền lợi cho DN và người tiêu dùng.

Bà Trần Tường Anh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Cty CP Dệt may Hòa Thọ cho biết, bên cạnh phát triển thị trường xuất khẩu, Tổng Cty đã nỗ lực quay về chinh phục thị trường nội địa, tìm hướng phát triển bền vững. Doanh thu thị trường nội địa luôn tăng trưởng 40% qua các năm.

Ở khía cạnh lĩnh vực phân phối, ông Nguyễn Long Trung, Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Đà Nẵng đề cập nhiều đến việc đa dạng hóa các hình thức phân phối mới kết hợp với các chương trình khuyến mãi, giảm giá, từ đó từng bước thay đổi hành vi của người tiêu dùng khi lựa chọn hàng Việt trong nhu cầu mua sắm trong cuộc sống hàng ngày. Ông Trung kết luận, công cuộc giành lại thị trường trên “sân nhà” muốn thành công thì không thể thiếu vai trò “bà đỡ” của các hệ thống phân phối, nhất là nhà phân phối thuần Việt.

Sau 5 năm thực hiện cuộc vận động, hàng Việt Nam đã bắt đầu có chỗ đứng trong người tiêu dùng Việt Nam.

Trong khi đó, ông Phan Hải, Giám đốc Cty TNHH&TM BQ Đà Nẵng xác định 3 yếu tố trụ cột để xây dựng thành công thương hiệu Việt. Đó là “Chất lượng sản phẩm, dịch vụ khách hàng và hệ thống phân phối”.

Ông Lê Văn Hiểu, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP Đà Nẵng khẳng định, bản sắc nhận diện thương hiệu cần được thể hiện nhất quán trong mọi công cụ marketing, truyền thông và giao tiếp, để từ đó tạo ra “Hình ảnh thương hiệu” trong tâm trí khách hàng mục tiêu. Khi đã có một bản sắc thương hiệu vững vàng, DN sẽ đối phó tốt với những thông tin tiêu cực về thương hiệu và tăng rào cản vào thị trường đối với các đối thủ cạnh tranh.

Với cách nhìn từ góc độ của người tiêu dùng, ThS Ngô Thị Liên Hương, Phó Chủ tịch Hội nữ trí thức Đà Nẵng đặt vấn đề “Tôi rất tâm đắc với một số ý kiến cho rằng, nên chăng, chúng ta phải đặt một cái tên khác cho cuộc vận động. Đó là Cuộc vận động “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”. Chỉ có như vậy mới thực sự kích cầu tiêu dùng, đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, đúng hướng và bền vững; đồng thời giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống”...

Phương Kiếm