Cuối năm chạy đua thi công cao tốc

Thứ sáu, 07/01/2022 21:59

Tranh thủ thời tiết ổn định, hàng chục nhà thầu thi công cao tốc La Sơn- Cam Lộ đang hối hả đêm ngày chạy tiến độ để kịp hoàn thành dự án vào tháng 10-2022. Tinh thần sẽ thi công xuyên Tết, đơn vị nào chậm trễ, rớt tiến độ sẽ bị thay chỉ huy trưởng công trình, cắt giảm khối lượng để điều chuyển cho đơn vị khác thi công đảm bảo.

​Thứ trưởng Lê Đình Thọ kiểm tra tiến độ cao tốc Cam Lộ- La Sơn. 

Làm xuyên Tết

Cao tốc Cam Lộ- La Sơn dài hơn 98km, tổng vốn 7.699 tỷ đồng là dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc- Nam phía Đông với 11 gói thầu xây lắp. Dự án khởi công từ năm 2019, dự kiến hoàn thành đầu năm 2022, tuy nhiên do thiên tai, dịch bệnh, thiếu nguồn đất đắp nền…vì thế kéo dài hơn. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ kết nối với cao tốc từ La Sơn- Hòa Liên dài 66km đã hoàn thành sắp đưa vào khai thác. Tiếp đến, sẽ kết nối với cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi dài hơn 139km đã đưa vào khai thác. Riêng đoạn cao tốc từ Hòa Liên tới Túy Loan khoảng 11km đang xúc tiến đẩy nhanh giải phóng mặt bằng để triển khai. Như vậy, khu vực Trung Trung Bộ sẽ có tuyến cao tốc trải dài qua 5 tỉnh, thành góp phần giảm tải QL 1A đồng thời thúc đẩy liên kết phát triển kinh tế xã hội trong vùng. Với ý nghĩa quan trọng đó, đoạn cao tốc Cam Lộ - La Sơn luôn được quan tâm, tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ.

Ông Lê Văn Sáu- Phó giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, mưa kéo dài những tháng cuối năm, cùng tác động của đại dịch và khan hiếm vật liệu đất đắp... đã đặt ra áp lực rất lớn cho tiến độ của dự án. "Có những đợt mưa lũ lịch sử bất thường, kéo dài nên gần như khoảng 4 tháng không thể thi công đào, đắp nền. Nhiều tuyến đường công vụ, máy móc thiết bị, lán trại công trường cũng bị ảnh hưởng, hư hỏng do sạt lở, ngập lụt"- ông Sáu chia sẻ. Tuy nhiên, khó khăn hơn cả vẫn là nguồn cung đất để đắp nền. Trong giai đoạn khảo sát thiết kế, nguồn đất đắp cho dự án vẫn đủ nhưng đến lúc đấu thầu và triển khai thi công dự án thì trên địa bàn có một số dự án khác triển khai nên nguồn đất đắp thiếu so với dự kiến ban đầu. Tổng cộng dự án thiếu gần 2 triệu m3 đất đắp. Trước thực trạng đó, Ban đã chủ động, linh hoạt nhiều giải pháp đề xuất, sau đó Chính phủ đã có 2 Nghị quyết 60 và 133 tháo gỡ khá nhanh về thủ tục mở rộng mỏ đất, nâng công suất đang khai thác và thời gian, thủ tục một số bước giảm đi. Nhờ đó, nguồn nguyên liệu đất đắp nền được gỡ vướng. Đến nay, dự án qua địa bàn Thừa Thiên- Huế vẫn còn thiếu khoảng 500 ngàn m3 đất đắp, địa phương đã chỉ đạo rút ngắn thủ tục, mở rộng mỏ đất, trong tháng 1-2022 sẽ có đủ đất cung cấp cho dự án.

Ghi nhận trên công trường, hiện cao tốc Cam Lộ- La Sơn cơ bản hoàn thành thi công nền đường. Trong đó gần 70km rải xong lớp cấp phối đá dăm loại 2 và đang hoàn thiện lớp cấp phối đá dăm loại 1. Đáng kể, công tác thảm bê-tông nhựa đang được một số nhà thầu triển khai. Tuy vậy, một số gói thầu vẫn đạt khối lượng thấp. Chẳng hạn gói thầu XL5, XL6 chỉ đạt chưa đầy 50% tiến độ vì thiếu đất đắp; gói XL7, XL8 vướng mắc xử lý đất yếu và nền đất bổ sung sau khi có mặt bằng...Chính những vướng mắc, chậm trễ này dẫn tới tiến độ toàn bộ dự án bị đẩy lùi tới cuối năm 2022 thay vì hoàn thành dự án vào đầu năm 2022 như dự kiến.

Các đơn vị thi công đang hối hả đẩy nhanh tiến độ dự án.

Xử lý nhà thầu rớt tiến độ

Ngoài khó khăn khách quan, việc trễ tiến độ một số gói thầu còn do yếu tố chủ quan. Ông Lê Văn Sáu cho biết, ngay trong tháng 1-2022, những nhà thầu không có chuyển biến tích cực, không đáp ứng biểu đồ tiến độ mới sẽ thay thế chỉ huy trưởng của nhà thầu, đồng thời điều chuyển một phần khối lượng cho các nhà thầu đáp ứng đủ năng lực để triển khai thi công đảm bảo tiến độ dự án. Ban QLDA cũng điểm danh một số nhà thầu rơi vào "báo động đỏ" trễ hạn tiến độ, như Cty TNHH xây dựng Hoàng Nguyên (gói thầu XL3); Cty 319 (gói thầu XL3); Cty 388, Nhà thầu Tân Thành (gói thầu XL5); Nhà thầu Trường Anh Sơn (gói thầu XL9). Ban kiến nghị cắt chuyển toàn bộ khối lượng Cty TNHH xây dựng Hoàng Nguyên cho các nhà thầu đáp ứng đủ năng lực để thực hiện.

Thứ trưởng Bộ Giao thông- Vận tải Lê Đình Thọ cho biết, các đơn vị phải đẩy nhanh tiến độ thi công, làm ngày làm đêm, làm xuyên Tết, không để việc nghỉ tết làm đứt gãy tiến độ. Trên thẩm quyền cho phép, Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu Ban QLDA phải có giải pháp linh hoạt để  điều chuyển thiết bị giữa các nhà thầu, đơn vị thi công trên tuyến, nhằm kịp thời hỗ trợ, "chi viện" thiết bị, vật tư cho các gói thầu chậm tiến độ, với tinh thần đoàn kết, chia sẻ, hiệp đồng cao nhất. Riêng 1- 2 điểm phải xử lý nền đất yếu hiện đang gia tải (thời gian gia tải 14 tháng) cũng phải có giải pháp xử lý để thông xe kỹ thuật, không chờ đến tháng 10-2022.

Không chỉ thúc tiến độ cao tốc Cam Lộ- La Sơn, để phát huy hiệu quả đầu tư, thúc đẩy liên kết, phát triển kinh tế xã hội toàn vùng, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng yêu cầu phải hoàn thiện dứt điểm thủ tục cao tốc La Sơn- Túy Loan trong tháng 1-2022. Sớm giải phóng mặt bằng, thi công đoạn cao tốc 11km từ Hòa Liên tới Túy Loan để thông toàn tuyến cao tốc từ Quảng Trị tới Quảng Ngãi, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển cho cả vùng. 

HẢI QUỲNH