Cuốn sách hấp dẫn về tướng Cao Văn Khánh

Thứ tư, 18/07/2018 10:24

Tôi vừa đọc cuốn sách “Tướng Cao Văn Khánh- Hồi ức lịch sử” của Cao Bảo Vân do NXB Tri Thức ấn hành. Cuốn sách hấp dẫn, xúc động và chân thực đã làm tôi nhiều lần bâng khuâng rơi nước mắt. Tác giả Cao Bảo Vân (sinh 1962) là con gái của tướng Cao Văn Khánh, là tiến sĩ dược khoa của Pháp, cựu phó Viện trưởng viện Pasteur TP Hồ Chí Minh. Bà đã dành 10 năm để thu thập tài liệu, đọc 452 tài liệu, sách tham khảo, hàng chục cuốn hồi ký tướng  lĩnh cả hai phía và nghe  hàng trăm người của cả hai phía kể chuyện nên độ chân thực rất cao. Cuốn sách như là “tượng đài” về vị tướng chiến lược người Huế lừng danh của QĐNDVN. Trong sách, tác giả Cao Bảo Vân có thông tin một chi tiết mà lâu nay dư luận đồn đoán: “Thời chiến tranh, ở miền Bắc có tin đồn ba tôi là anh ruột Cao Văn Viên, Đại tướng tổng tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn… Khi tôi còn học cấp I Trường Lê Ngọc Hân ở phố Lò Đúc (Hà Nội), trên mặt bàn học thường có dòng chữ nguệch ngoạc tô đậm bằng mực tím: “Cháu của chó săn Cao Văn Viên!”, mặc dù hai ông tướng không có mối liên quan họ hàng gì, nhưng tin đồn dai dẳng vẫn làm nhiều người nghi hoặc…

 

Trung tướng Cao Văn Khánh (CVK), Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN, là vị tướng trí thức, nổi tiếng là “con nhà giàu học giỏi” ở Huế. Trước năm 1945 ông dạy toán ở các Trường Tư thục Phú Xuân, Lyceum Việt Anh, Thuận Hóa Huế… cùng với các trí thức nổi tiếng Cao Xuân Huy, Thanh Tịnh, Hữu Ngọc… Ông  từng là học viên Trường Thanh niên Tiền Tuyến Huế năm 1945 thời chính phủ Trần Trọng Kim. Chính ngôi  trường này đã đào tạo cho cách mạng nhiều vị tướng nổi tiếng sau này. Ông là một trong số ít vị tướng tham gia, chỉ đạo trực tiếp hầu hết chiến dịch quan trọng nhất, ác liệt nhất suốt trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ, là người được đại tướng Võ Nguyên Giáp tin cậy trao những trọng trách khó khăn nhất từ ngày đầu cuộc kháng chiến chống Pháp (giữ chức Khu trưởng Khu 5 với mặt trận ác liệt ở Nha Trang, An Khê…) cho đến các chiến dịch Biên giới, Điện Biên Phủ (chống Pháp) và Tây Nguyên, Đường 9-Nam Lào, Quảng Trị 1972, rồi Tổng tiến công Xuân 1975. Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Anh cao Văn Khánh là một trí thức yêu nước, tham gia cách mạng tháng Tám từ năm 1945. Anh là một cán bộ quân đội chỉ huy Đại đoàn 308, đánh những trận lớn trong kháng chiến chống Pháp, từng là Tư lệnh B70 (Trị Thiên) trong kháng chiến chống Mỹ, một người hăng hái trung thực, có nhiều kinh nghiệm hợp đồng binh chủng, được bộ đội tin yêu”.

Vợ của ông là bà Tôn nữ Ngọc Toản (khi ra Bắc đổi thành Nguyễn Thị Ngọc Toản), con quan đại thần triều Nguyễn, Thượng thư Tôn Thất Đàn. Tất cả các chị em bà đều đi theo cách mạng từ năm 1945. Đó là Tôn Nữ Thị Cung là vợ của Giáo sư Bác sĩ Đặng Văn Ngữ; giáo sư Tương Lai (Nguyễn Phước Tương) và nhà văn Nguyễn Thị  Ngọc Trai (Tôn Nữ Ngọc Trai). Bà Ngọc Toản là Giáo sư, Đại tá, Bác sĩ Quân y nay 90 tuổi nhưng vẫn rất minh mẫn. Ông bà gặp nhau ở chiến khu Việt Bắc… Cuốn sách có nhiều chi tiết xúc động. Đó là những lúc sau những trận đánh lớn thắng lợi, ở chiến trường, tướng Khánh bao giờ cũng trầm ngâm nhớ vợ con. Nhiều lần ông viết thư cho vợ với lời lẽ chân tình:  “…Càng thương con, càng thương anh em chiến sĩ, thật là vĩ đại vô cùng, gian khổ bao nhiêu cũng luôn vui vẻ, quyết tâm đánh giặc… Anh càng thấy trách nhiệm của mình làm thế nào giành được thắng lợi mà đỡ hy sinh nhiều cho anh em, và càng thấy lo lắng… Trách nhiệm người chỉ huy trong giai đoạn quyết liệt này thật là quá nặng…”. Đặc biệt là đám cưới Cao Văn Khánh- Ngọc Toản được anh em bộ đội tổ chức ngay tại hầm De Castries ngay sau khi giặc Pháp đầu hàng. Đó là một đám cưới lịch sử, có kẹo nuga, thuốc lá Phillip, rượu Tây máy bay Pháp thả mừng De Castries lên tướng… Chú rể hát “Bộ đội về làng”, cô dâu hát bài “Em bé Mường La”… trong niềm vui thắng trận ngây ngất…”. Cưới xong hai vợ chồng chụp ảnh kỷ niệm trên xe tăng của quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ!

Một chi tiết “có một không hai” nữa làm tôi vô cùng xúc động là sau chiến thắng lớn Biên giới (1950), Đại tá Cao văn Khánh, Đại đoàn phó 308 – đơn vị chủ công của chiến dịch được giao nhiệm vụ ở lại chỉ huy việc thu dọn chiến trường, trao trả tù binh. Ông đã tổ chức đêm lửa trại kỳ lạ nhất trong đời, mang đầy chất “hướng đạo” của Cao Văn Khánh thời trẻ ở Huế. “…Một đống củi chất cao quá đầu bắt lửa hồng bốc cao sáng rực trong đêm… Ngồi vòng trong xung quanh đám lửa là hơn 800 thương binh của ba cánh quân thất trận (Le Page, Charton, De la Boom) và cả các đại đội Vệ quốc đoàn và một ban nhạc. Vòng ngoài là dân công, tải thương, nhiều địa phương… Người chiến thắng hát bài ca cách mạng. Kẻ thất trận hát giọng hát của quê hương mình ở Áo, Pháp, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Ý, Đức… Mấy trăm tù binh nặng đang nằm nhà thương Thất Khê gần đó, cũng xin tham gia. Chị em dân công chiều lòng họ, khiêng cáng từ nhà thương xuyên qua vòng người đang nghiêng ngả, gật gù theo điệu nhạc, đi vòng quanh đống lửa…”.

Một chi tiết đầy ý nghĩa là khi tướng Cao văn Khánh mất (1980), Bộ Quốc phòng quyết định an táng ông tại Nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội) nhưng bà Ngọc Toản tìm cách từ chối. Bà bảo: “Anh Khánh lúc sống là của các anh, bây giờ anh thành tro bụi là của tôi. Thế là bà an táng ông tại nghĩa trang Kỳ Yên, Bất Bạt, Ba Vì, vùng đất xưa nơi ông từng chỉ huy đánh trận, nơi có mộ con trai ông. Tấm bia mộ Bộ làm ban đầu ghi đầy chức tước của Cao Văn Khánh, vài năm sau, bà Toản thay bằng một tấm bia giản dị chỉ có mấy chữ Tướng Cao Văn Khánh, quê quán Huế - 1/5/1917 – 3/10/1980!

Tác  giả Cao Bảo Vân đã bố trí các chương về chiến tranh bom đạn căng thẳng đan xen với các chương tình cảm nên người đọc dễ bị cuốn hút. Để kết thúc bài viết nhỏ này, tôi xin lấy đoạn kết cuối cùng của sách để bạn đọc hiểu thêm Cao Bảo Vân đã viết rất hay về cái chết của cha mình: “Tôi cứ muốn tin những lời của một hướng đạo sinh năm xưa, nhà văn hóa Hữu Ngọc từng viết: “…Những người thân đã mất của ta không chết hẳn, mà chỉ ngủ thôi. Họ lại tỉnh dậy mỗi khi người sống nghĩ đến họ”. Có lẽ các bạn đọc đến dòng này, thì hương hồn Cao Văn Khánh ba tôi cũng đang thức dậy”.

Ngô Minh