Cướp biển - trộm dầu trá hình ở Nigeria
(Cadn.com.vn) - Theo báo cáo mới công bố cuối tháng 6 của Cục Hàng hải Quốc tế (IMB), tình trạng cướp biển ngoài khơi bờ biển Tây Phi đang là vấn nạn đau đầu đối với Nigeria. Hiện nay, cướp biển ngoài khơi bờ biển Tây Phi còn phổ biến hơn cả khu vực xung quanh Somalia. Điều này một phần là do một lực lượng hải quân quốc tế được triển khai tuần tra bờ biển ngoài khơi Somalia, nhưng một phần là do đặc thù của nền kinh tế Nigeria và tình trạng tham nhũng tràn lan ở nước này.
Do không đủ điều kiện tinh chế dầu
Trong khi các phương thức hoạt động điển hình của bọn cướp biển Somalia là bắt cóc tàu và thủy thủ đòi tiền chuộc, tại Nigeria, mục tiêu chính là ăn cắp dầu thô hoặc các sản phẩm dầu mỏ tinh chế từ các tàu chở dầu. “Nhiều tàu bị tấn công khi đang thả neo, đang trôi, hoặc đang chuyển hàng từ tàu này sang tàu khác”, báo cáo IMB cho biết.
Báo cáo của IMB và tình trạng nhiều tàu chở dầu đang hoạt động dọc bờ biển trong và ngoài khơi Nigeria cho thấy, thất bại của chính quyền Nigeria trong việc xây dựng và duy trì các nhà máy lọc dầu trong nước. Việc xuất khẩu dầu thô của Nigeria, đất nước khai thác dầu mỏ lớn nhất tiểu vùng, mang lại cho nước này rất nhiều tiền, song việc tái nhập khẩu nhiên liệu tinh chế cũng rất lớn. Điều này cho thấy, nỗ lực xây dựng nhà máy lọc dầu gần như bị lãng quên.
|
Một tàu chở dầu đánh cắp bị Nigeria bắt giữ. Ảnh: BBC |
Có lúc, Nigeria sản xuất hơn 2 triệu thùng dầu thô/ngày, biến nó thành một trong những nhà sản xuất dầu thô lớn nhất Châu Phi. Tuy nhiên, nước này chỉ có khả năng tinh chế chưa tới 1/4 trong số đó do các nhà máy lọc dầu không được bảo dưỡng tốt. Vì vậy, mỗi ngày, hàng trăm tàu chở dầu đang miệt mài vào ra Vịnh Guinea và các đầm lầy ngập mặn của đồng bằng sông Niger, nơi có nhiều mỏ dầu nhỏ nằm rải rác. Các tàu chở dầu vận chuyển dầu thô hoặc nhiên liệu qua tinh chế.
Chính lực lượng an ninh yếu kém và tình trạng tham nhũng tạo ra kịch bản hoàn hảo cho bọn cướp biển hoạt động. Các đầm lầy che giấu rất nhiều cầu cảng tư nhân và cảng mini cũng như một mạng lưới các đường ống bị phá vỡ. Gần đây, tham nhũng và các cuộc nổi dậy vũ trang trong khu vực sản xuất dầu mỏ dẫn đến sự hình thành một ngành công nghiệp ăn cắp dầu trên toàn bộ đất nước.
Trợ cấp giá dầu
Ngành công nghiệp xuất nhập khẩu dầu phi pháp này ngày càng trở nên phổ biến bởi chính phủ trợ cấp về giá dầu. Điều này tiêu tốn của đất nước nhiều tỷ USD/năm và khuyến khích các hoạt động bất hợp pháp phát triển. Trợ cấp được trả cho các nhà nhập khẩu nhiên liệu để giữ giá dầu ở mức thấp nhằm ngăn chặn tình trạng bất ổn trong nước vì phần lớn người Nigeria rất nghèo.
Nhưng rồi, nhiên liệu được trợ cấp có giá thấp này sau đó được bán trên thị trường chợ đen với giá cao hơn nhiều. Các trạm xăng được trợ cấp giá. Nhưng số xăng này được các cá nhân mua lại đóng lon và bán với giá thị trường chợ đen cao hơn nhiều lần. Và người dân nghèo Nigeria lại luôn chịu thiệt khi sống trong một thế giới bất ổn, nơi các trạm xăng không bao giờ thực hiện đúng chức năng của nó. Hầu như các trạm xăng ở Nigeria bị bỏ trống, nhưng cạnh đó, bên kia đường, xăng được bán lẻ.
Khi chính quyền kiểm soát chặt chẽ thị trường, cảnh mọi người xếp hàng đợi trước trạm xăng trở nên quá quen thuộc. Một số bộ trưởng Nigeria cố gắng loại bỏ chính sách trợ cấp này và giới thiệu hệ thống hợp lý hơn. Nhưng Tổng thống Nigeria Goodluck Jonathan cho rằng, đây là một “âm mưu xấu xa” nhằm kiếm tiền từ các thỏa thuận.
Và tương lai ngành dầu mỏ kiếm ra tiền của Nigeria không biết đi về đâu.
An Bình (Theo BBC)