Cựu Giám đốc Công an kể ngày đầu theo Đảng
Ngày đầu xuân, Đại tá Nguyễn Hạnh Kiểm - nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) đã chia sẻ với chúng tôi kỷ niệm sâu đậm về Đảng kính yêu và hành trình hơn nửa thế kỷ theo Đảng của mình.
Ông Nguyễn Hạnh Kiểm (phải) nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng tại Quận ủy Hải Châu (Đà Nẵng) - 2016. Ảnh: T.L |
Chưa kết nạp vì "thở hơi ra"
Trò chuyện với khách, ông Nguyễn Hạnh Kiểm vẫn giữ phong thái nhẹ nhàng, điềm tĩnh của một người từng trải. "Tôi đến với Đảng như thế nào ư? Suýt không được kết nạp đấy, "treo" gần hai năm để thử thách, chỉ vì thở hơi ra". Ông cười thật trẻ trung, hoài niệm những ngày đã qua không nhuốm màu anh hùng chốn sa trường mà vẫn kiêu hãnh, tự hào.
Quê xã Điện Hòa, TX Điện Bàn, cha là chủ tịch Việt Minh xã, hy sinh trên đường đi tập kết bởi vết thương thời đánh Pháp, tuổi thơ của cậu bé Kiểm lớn lên trong hơi thở cách mạng. Anh trai Nguyễn Phước Hạnh đã thoát ly làm an ninh rất sớm. 17 tuổi, Kiểm xin mẹ cho đi theo anh. Lên căn cứ Ô Rây, cứ nghĩ mình cao ráo, mạnh khỏe sẽ được các chú nhận ngay, nào ngờ bị từ chối thẳng thừng. Lý do được người dì dẫn đi tiết lộ: "Các chú thấy mày bị bủng (thật ra do nước da trắng) nên sợ tiểu tư sản, không chịu được gian khổ". Về nhà, Kiểm tiếp tục ý định "nhảy núi". Thay vì lên Quảng Đà, lần này cho chắc ăn, cậu lên căn cứ Tam Kỳ, nơi anh trai đang ở đó. Người anh luôn truyền cho em mình động lực phấn đấu mà trước tiên là phải được kết nạp vào Đảng. Ngày đó Kiểm hăng hái lắm, không từ nan việc gì từ phục vụ cho đến trực tiếp chiến đấu bảo vệ ban an ninh tỉnh. Vậy mà đến ngày xét kết nạp, người giới thiệu thứ hai trong chi bộ đứng lên nói rằng, thỉnh thoảng còn thấy cậu Kiểm thở hơi ra lúc đi chặt củi, vác gạo, cuốc đất trồng sắn. Như vậy là lập trường chưa vững vàng. Kiểm đứng lên phân trần: "Cháu mệt thì thở thôi chứ!" nhưng cơ quan vẫn quyết để lại, thử thách thêm. Gần hai năm sau, tròn 20 tuổi (1966), chàng trai Điện Hòa mới được kết nạp Đảng như mong ước.
Chín chắn, quả cảm, sau Mậu Thân 1968, ông được tổ chức tin cậy đưa ra Đà Nẵng xây dựng tổ điệp báo và an ninh đô thị Khu 5. Đó là những ngày phải sống trên nghĩa địa Cồn Dầu để bắt liên lạc với cơ sở. Sau này, khi mạng lưới vững vàng, ông về ở nhà dân nhưng phải căng mình khi chạm trán với kẻ thù. Chính điều đó rèn cho ông bản lĩnh không chùn bước trước bất cứ thử thách nào.
Vượt rào đi "buôn"
Khi hỏi vì sao dòng họ Nguyễn Phước lại lấy tên anh trai làm chữ lót, ông Kiểm giọng nghèn nghẹn: "Anh Hạnh tôi, lúc ấy là phó phòng hy sinh trong chuyến công tác dưới Thăng Bình cùng 3 đồng chí nữa. Đau đớn vì thương nhớ, tôi lấy tên anh đặt bên cạnh tên mình thêm ý nghĩa, nguyện sống xứng đáng với sự hy sinh của anh và đồng đội". Sau giải phóng, nhận cương vị phó phòng chống gián điệp, phản động, ông trải qua không ít lần thử thách. Không chỉ phá gỡ các tổ chức đội lốt tôn giáo, tín ngưỡng với âm mưu phá hoại chính quyền non trẻ, ông còn cùng lực lượng của mình ngày đêm theo dõi, nắm bắt, ngăn nạn vượt biên trái phép, ổn định đời sống nhân dân.
Chống vượt biên nhưng đến lượt ông lại thân chinh lên tàu viễn dương. Đó là năm 1981, tình hình kinh tế của địa phương muôn vàn khó khăn. UBND tỉnh muốn trực tiếp buôn bán nông hải sản với Hồng Kông (chủ yếu là vi cá, yến sào, quế...) để có ngoại tệ. Vậy là ông Nguyễn Hạnh Kiểm được chọn làm thuyền phó - chính ủy tàu. Thủy thủ được học qua các trường hàng hải và đều là "hạt giống đỏ", con em cán bộ kháng chiến. Việc lựa chọn này tránh tình trạng "đào tẩu" ra nước ngoài. Lúc đầu còn băn khoăn nhưng khi được lãnh đạo tỉnh trực tiếp động viên, gửi gắm niềm tin, ông Kiểm khăn gói lên đường. Bao nhiêu nỗi lo đè nặng lên vai vị chính ủy không quân hàm. Bão tố trên biển, buôn bán vừa bất hợp pháp vừa hợp pháp, tình huống bị giam giữ, nộp phạt, thủy thủ buôn lậu,..., không nghiêm trọng bằng liệu có giữ mình gương mẫu để thuyền viên noi theo? Vậy mà ông đã cùng cán bộ, nhân viên trên tàu giao thương thành công nhiều chuyến liền, không gặp sự cố đáng tiếc nào.
Hết xuống biển lại lên rừng, lần này ông dẫn đầu đoàn công tác của công an tỉnh đi xây dựng cơ sở chính trị của tỉnh Battambong (Campuchia) kết nghĩa trong sự rình rập, sẵn sàng truy kích của tàn quân Pol Pot. Lời hứa thiêng liêng khi giơ tay chào cờ Đảng trong buổi kết nạp năm nào lại đồng hành cùng ông trên mỗi bước đường công tác.
"Bộ cho con tôi ở lại"
Năm 1997, khi đứng đầu Công an tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, ông nhận nhiệm vụ làm Giám đốc Công an Quảng Nam. Đúng ra người đi phải trẻ, trong diện quy hoạch nhưng ai cũng có lý do riêng. Mẹ ông - Bà mẹ VNAH không muốn con trai rời mình chút nào. Có lần một vị cán bộ cấp trên đến tận nhà ông xin cho người thân được ở lại thành phố. Mẹ ông, chỉ nghe loáng thoáng là người của Bộ bèn nắm tay nài nỉ: "Đồng chí cho cháu Kiểm được ở nhà với tôi. Tôi chỉ có nó gần gũi". Vị này hoảng quá, không dám khơi chuyện nhờ vả nữa. Thương mẹ nhưng việc nước đâu thể làm khác. Chỉ huy 300 cán bộ, chiến sĩ vào Tam Kỳ ngày tách tỉnh, ông cũng phải "ở" trại giam. Nói vậy, vì lúc ấy chỉ có trại giam là nơi rộng rãi nhất để trú ngụ làm việc. Trong điều kiện tạm bợ, thiếu thốn trăm bề, Công an Quảng Nam đã nhanh chóng hình thành bộ máy các cấp, củng cố lực lượng, xây dựng trụ sở làm việc khang trang. Khi ổn định, thì ông được phân công qua làm Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy.
"Đảng tin, giao việc gì thì mình làm việc ấy thôi!" - ông Kiểm nói chắc nịch, không khác là mấy già làng, trưởng bản ở vùng núi. Thời đó công tác cán bộ tương đối nghiêm nhưng cũng không ít trường hợp "phấn đấu không bằng cơ cấu", gửi gắm từ các cấp, quan hệ thân sơ làm khó những người thẳng thắn như ông. Ba năm trên cương vị mới, ông tự hào là mình đã làm đúng với lương tâm. Con cái ông không ai theo con đường chính trị, tự bươn chải với cuộc sống của mình, không dựa hơi vào cha mẹ. Với uy tín ấy, về hưu, ông được bầu làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Công an hưu trí thành phố Đà Nẵng với hơn 1.500 hội viên. Hơn chục năm nay, mắt đã kém, sức khỏe không còn sung mãn như trước, ông vẫn say mê với công việc như ngày nào.
Đại tá Ngô Thanh Hải - nguyên Trưởng phòng Quản lý hành chính Công an thành phố Đà Nẵng nhận xét: "Anh Nguyễn Hạnh Kiểm là một trong hai đời Giám đốc Công an tỉnh mà tôi và đồng đội kính trọng nhất. Không chỉ có uy tín trong ngành, anh còn được quần chúng nhân dân rất quý mến". Khi được hỏi, cương vị cao mà sao nhà cửa vẫn quá giản dị trên đường Hùng Vương này, Đại tá Nguyễn Hạnh Kiểm trầm ngâm: "Ngày mới giải phóng, với quá trình phấn đấu của mình, tôi có thể chọn một vị trí tốt hơn nhưng cái gì tự làm ra mới bền. Nhà này tôi xây và sửa lại mấy lần".
Chia tay vị cựu Giám đốc Công an tỉnh khi đất trời sang xuân, chợt thấy đời vui hơn từ con hẻm nhỏ...
HỒNG VÂN