Cứu sống bệnh nhân mắc bệnh tim do vết thương từ thời chiến tranh

Thứ tư, 28/02/2018 12:33

 

                                         Bệnh nhân Huy được chăm sóc sau phẫu thuật và đã bình phục.                      Ảnh: P.V

 

Gần 4 tháng trước, ông Vũ Thế Huy (64 tuổi, trú Quảng Ngãi) bỗng nhiên bị khàn tiếng không rõ nguyên nhân. Ông đi khám nhiều nơi thì được kết luận là do viêm họng, viêm thanh quản. Tuy nhiên quá trình điều trị, dùng thuốc cả Đông-Tây Y vẫn không hết khàn giọng. Sau đó, tình trạng càng nặng dần, sau đó, ông Huy nhập Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng (BVHMĐN), trong tình trạng mệt, khó thở tăng dần khi vận động nhẹ. Sau khi thăm khám và rà soát lịch sử bệnh, bác sĩ nghi ngờ ông bị bệnh tim hoặc phổi nên đã cho chỉ định chụp CT, kết quả cho thấy một túi giả phình động mạch thân cánh tay đầu dọa vỡ cần sớm phẫu thuật để cứu chữa, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Các bác sỹ đã phát hiện, trước đây ông Huy bị trúng đạn để lại một lỗ thủng ở khu vực động mạch chủ, tuy nhiên quá trình gắp viên đạn ra khỏi cơ thể 6 năm trước không phát hiện được. Khu vực bị thủng theo thời gian tự bọc lại và phát triển thành một túi máu ở ngực gọi là Túi giả phình động mạch thân cánh tay đầu, kích thước to bằng quả cam (65x89mm). Điều nguy hiểm là rất dễ bị nhầm Túi giả phình này với U trung thất, nếu không chẩn đoán chính xác sẽ ứng dụng sai phương pháp phẫu thuật và dẫn đến xuất huyết dữ dội, gây tử vong. Quá trình gây mê và phẫu thuật kéo dài 3 giờ đồng hồ để cắt bỏ túi phình, tạo hình lại động mạch thân cánh tay đầu cho bệnh nhân đã diễn ra thành công tốt đẹp.

Theo Ths.Bs Nguyễn Thanh Hiền– Trưởng Ekip phẫu thuật cho biết: "Điểm mấu chốt trong ca phẫu thuật của ông Huy chính là xác định cho được nguyên nhân gây bệnh. Nếu chẩn đoán bệnh của ông Huy là u trung thất và tiến hành phẫu thuật bóc tách khối u, bệnh nhân sẽ bị vỡ túi phình và chắc chắn sẽ tử vong do xuất huyết. Việc thực hiện đầy đủ và chặt chẽ các quy trình khám và điều trị bệnh trên tất cả bệnh nhân đã giúp ekip hội chẩn và phẫu thuật không mắc phải những sai lầm đáng tiếc, qua đó chắt chiu từng cơ hội sống cho bệnh nhân. Ca phẫu thuật diễn ra thành công tốt đẹp, chúng tôi đã cắt bỏ túi giả phình và tái tạo lại khu vực bị cắt, bệnh nhân đã khỏe và có thể xuất viện trong ngày 28-2”.

Ông Huy tâm sự: "Tôi là cựu chiến binh đóng quân tại Tịnh Hà, Quảng Ngãi. Trong một lần giao chiến với địch năm 1972 thì bị đạn bắn găm vào khu vực ở gần ức, rất may viên đạn đập vào tường trước khi găm vào người nên không chết nhưng đạn vẫn nằm yên trong đó trong gần 40 năm. Khi biết mình bị u lớn trong người, tôi rất lo lắng và có dặn con trai rằng nếu u ác tính thì chở bố về nhà, bố sống vậy đủ rồi. May sao nhờ các bác sĩ tư vấn tận tình và điều trị kịp thời, giờ tôi đã cảm thấy khỏe lên nhiều, hít thở rất nhẹ và cảm thấy năng lượng trong cơ thể đã dần được tái tạo còn mạnh mẽ hơn trước đây, dù chỉ mới 5 ngày sau mổ. Tôi xin chân thành cảm ơn các y bác sĩ đã điều trị cho tôi".

Bệnh tim mạch là căn bệnh phát triển thầm lặng và rất nguy hiểm, cộng với thói quen “lười” kiểm tra sức khỏe định kỳ của người dân đã tiếp tay cho bệnh tim mạch phát triển mạnh trong những năm gần đây, để lại nhiều hậu quả đáng tiếc cho xã hội. Để góp phần ngăn ngừa các biến chứng đáng tiếc của bệnh tim mạch, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng tổ chức chương trình “Mỗi cuộc gọi- một trái tim”. Bệnh nhân tim mạch hoặc người dân có nghi ngờ bệnh tim (biểu hiện: mệt và khó thở khi gắng sức, bệnh tim càng tiến triển thì càng dễ mệt và khó thở; bệnh nhân trải qua những cơn khó thở về đêm)..., chỉ cần gọi điện đến số điện thoại:0905.133.639 để được bác sỹ chuyên khoa tư vấn về bệnh tim. Những hỗ trợ của chương trình dành cho bệnh nhân: miễn phí100% phiếu khám, miễn phí 100% chi phí siêu âm tim tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng;  hỗ trợ 30% chi phí phẫu thuật đối với: Bệnh tim bị hẹp hở van hai lá hoặc hẹp hở van động mạch chủ (nếu có chỉ định của bác sĩ).                            

Hồng Nhật