Cứu thành công 12 công nhân trong vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng: Cuộc giải cứu ngoạn mục!
(Cadn.com.vn) - Sau 4 ngày đêm vượt qua cái giá lạnh cắt da của miền rừng núi Lạc Dương (Lâm Đồng), các lực lượng chức năng từ T.Ư đến địa phương từng giờ từng phút làm mọi cách để cứu 12 công nhân mắc kẹt trong vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng, Đa Chomo. Và điều kỳ diệu nhất đã đến, đúng 16 giờ 35 ngày 19-12, 12 nạn nhân được cứu thoát trong niềm hạnh phúc vỡ òa!
Giây phút xúc động trong đường hầm khi các công nhân gặp nạn được đưa ra. |
HƠN 80 GIỜ KHÔNG NGHỈ!
Ngay sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương và Bộ Y tế đã cử đoàn lãnh đạo, cán bộ vào Lâm Đồng tham gia xử lý sự cố. Qua thị sát hiện trường và nắm tình hình, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu tập trung tất cả cho việc thoát nước ngập trong đường hầm ra ngoài, đảm bảo an toàn cho các nạn nhân, trước khi tiếp tục đào thông hầm để giải cứu nạn nhân. Bộ Xây dựng đã thành lập tổ công tác đặc biệt tại Lâm Đồng do Thứ trưởng Lê Quang Hùng phụ trách để tham gia xử lý sự cố, giải cứu người bị nạn. Về phía Bộ Công Thương, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, để phục vụ công tác cứu hộ, bộ đã cử một đội thuộc Trung tâm cứu hộ mỏ của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam từ Quảng Ninh vào hỗ trợ do lực lượng này có kinh nghiệm xử lý các sự cố trong hầm mỏ.
Toàn cảnh trước cửa hầm lúc 16 giờ 35 ngày 19-12. |
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến hiện trường vụ tai nạn, kiểm tra công tác cứu hộ của lực lượng y tế. Bộ trưởng cho biết, ngay khi sự cố xảy ra ngành Y tế Lâm Đồng đã khẩn trương triển khai công tác cứu hộ, tập trung mọi nguồn lực, tăng cường trang thiết bị y tế, cung cấp dưỡng khí và dinh dưỡng cho nạn nhân, lập lán trại dã chiến để sẵn sàng cứu chữa ngay tại hiện trường.
Ngoài lực lượng được huy động trước đó, như Cảnh sát PCCC - Cứu hộ cứu nạn của TPHCM lên chi viện vào đêm qua thì sáng ngày 18 có thêm khoảng 100 chiến sĩ được Bộ Tư lệnh Công binh điều động từ một lữ đoàn ở tỉnh Khánh Hòa được điều lên tham gia cứu nạn.
Hơn lúc nào hết, thời gian đang trở thành thứ quý giá nhất trong cuộc chạy đua giải cứu nạn nhân. Công tác chỉ huy và thường trực vẫn đang sẵn sàng tích cực trong điều kiện trời không mưa nhưng nhiệt độ đã giảm xuống dưới 15 độ C, trời rất lạnh. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, kỹ sư, công nhân thuộc các lực lượng vẫn miệt mài hướng về hầm sâu, nơi 12 công nhân đang mong ngóng.
NIỀM VUI VỠ ÒA!
16 giờ 35 ngày 19-12, nạn nhân đầu tiên được đưa ra khỏi hầm! Niềm vui bất ngờ, vỡ òa đến với tất cả mọi người! Chiến dịch cứu hộ đã thành công ngoài dự kiến. Cả công trường với hơn 700 người có mặt đang dậy sóng, hàng chục người thân lao đến, lực lượng cứu hộ khẩn trương đưa các nạn nhân vào lán trại cho các bác sĩ theo dõi chăm sóc.
Người thân các nạn nhân vỡ òa hạnh phúc. |
DANH SÁCH CỦA 12 CÔNG NHÂN BỊ MẮC KẸT ĐÃ ĐƯỢC GIẢI CỨU: 1. Phạm Xuân Đăng (1964, Vĩnh Phúc), |
Binh nhất Hoàng Văn Thảo - Lữ đoàn Công binh 293 Bộ Tư lệnh Công binh C3, một trong những người đầu tiên tiếp cận nạn nhân nói trong vui mừng: “Đang tối, thấy ánh điện phía đối diện lóe lên và có tiếng động, vừa lúc đó tôi hô to, thấy rồi! Ngay lúc đó tôi và mọi người đã ra sức đào tới. Chỉ vài nhát đào nữa thì một lỗ thủng lớn xuất hiện. Tôi nhìn qua phía bên kia thấy nhiều người. Tôi quẳng dụng cụ, bò qua với các nạn nhân. Ngay lúc đó, các nạn nhân bên trong reo vang lên được cứu rồi!”.
Các chiến sĩ công binh Nguyễn Tấn Bửu, Lê Viết Nhiễm góp vào câu chuyện xúc động: “Lúc đó chúng tôi cùng một số đồng đội đang đào thì bất ngờ đất đổ sập xuống trước mặt. Mọi người nhìn lên ngỡ ngàng thấy các công nhân đang ngồi trong hầm. Thế là tất cả cùng hét lớn rồi lao đến ôm chầm lấy nhau. Lúc này các công nhân trong hầm đều nhường cho chị Ngọc ra trước. Do quá vui mừng nên những người còn lại như khỏe lên và cùng anh em chúng tôi đi ra”.
Thiếu tướng Bùi Văn Sơn - Giám đốc CA tỉnh Lâm Đồng, xúc động: “Kết thúc có hậu này là thành quả xứng đáng cho những vất vả, hiểm nguy của gần 1.000 người tham gia công tác cứu hộ suốt 4 ngày qua. Quan trọng nhất là các chỉ số sức khỏe cả 12 nạn nhân đều ổn, chỉ 4 người bị choáng nhẹ, được đưa lên xe cứu thương chuyển đi, các công nhân còn lại đều đang nằm theo dõi trong lán trại dã chiến, đến tối sẽ được chuyển về bệnh viện”.
Dìu nạn nhân ra ngoài. |
Đại tá Nguyễn Hữu Hùng - Phó Tham mưu trưởng Binh chủng Công binh cũng không giấu được niềm vui: “Mặc dù dự kiến chậm nhất là sáng mai mới tiếp cận được 12 nạn nhân mắc kẹt, nhưng điều bất ngờ đã đến, quá trình đào ngách hầm bên trái đã phát hiện một lỗ hổng nên đã nhanh chóng hướng đào về phía đó và niềm vui đã đến”…
Có mặt tại hiện trường khi các nạn nhân được đưa ra, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng- Đoàn Văn Việt vui sướng: “Niềm vui quá bất ngờ. Chúng tôi đã chuẩn bị tâm lý nhanh nhất là trưa mai mới tiếp cận được nạn nhân. Trước mắt chúng tôi sẽ chỉ đạo việc chăm lo sức khỏe cho các công nhân thật ổn định. Lập đầu mối thông tin để người nhà các nạn nhân vào có chỗ ăn ở đàng hoàng”.
Đưa nạn nhân lên xe và chăm sóc tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng. |
Nạn nhân đầu tiên chúng tôi tiếp xúc là anh Nguyễn Văn Quang (19 tuổi). Anh cho biết, vừa thi trượt đại học, cảnh quê nghèo khó nên anh theo anh trai vào đây làm công nhân 5 tháng trước: “Nói thật với anh là đến giờ em vẫn không tin là mình được cứu sống” - anh Quang như nghẹn lại. Còn anh Trương Tuấn Việt (40 tuổi) cũng nói trong nước mắt: “Tôi sung sướng lắm! Bây giờ điều tôi muốn nhất là gặp vợ con mình”.
Sau khi sơ cứu tại lán trại dã chiến, tất cả các nạn nhân đều đã được chuyển lên xe cấp cứu chạy thẳng về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng. Các bác sĩ khẳng định, không ai bị thương tích hay nguy hiểm đến tính mạng. Rất nhiều tiếng vỗ tay tán thưởng dành cho lực lượng cứu hộ và các nạn nhân vang lên không ngớt. Núi rừng lạnh buốt Đạ Dâng bừng ấm trong niềm vui vỡ òa. Cuộc giải cứu ngoạn mục và đầy nước mắt đã kết thúc có hậu!
Lê Kiên