Công tác cứu hộ nạn nhân vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng: Nước đã rút, họp khẩn thêm phương án đào đường hầm phụ

Thứ năm, 18/12/2014 13:40

(Cadn.com.vn) - Sáng nay (18-12), 48 tiếng đồng hồ sau sự cố sập hầm, công tác cứu hộ vẫn đang khẩn trương được tiến hành nhưng gặp rất nhiều khó khăn do phương án nào cũng gặp trở ngại lớn. Hiện vẫn đang tiếp tục tìm ra phương thức tối ưu để có thể nhanh chóng tiếp cận, đưa các nạn nhân đưa ra ngoài.

2 giờ hôm nay, một bóng đèn nhỏ đã được luồn vào qua ống thông từ vị trí hầm bị sạt lở vào chiếu sáng cho các nạn nhân, đã khích lệ, động viên tinh thần cho các công nhân gặp nạn rất lớn, sau hơn 40 giờ sống trong tăm tối. 4 giờ, mũi khoan thứ 3 do các lực lượng cứu hộ đã thành công. Một phương án mới phục vụ công tác cứu hộ các công nhân đang mắc kẹt là đào thêm một đường hầm mới song song với nơi nạn nhân bị sập. Thực hiện công việc này, phải lấy ra khoảng khoảng 100m3 khối đất. Với công suất làm việc liên tục thì nhanh nhất cũng phải sau 24 tiếng mới hoàn thành để có thể tiếp cận các nạn nhân.

Lúc này, bên trong hầm, nơi hàng trăm người thuộc đủ các lực lượng tham gia cứu hộ, nước vẫn liên tục nhỏ từ trên xuống rất nhiều gây khó khăn cho công tác cứu hộ. Một máy bơm nước công suất lớn cũng đang được đưa tới hiện trường.

Lực lượng cứu hộ thức trắng đêm triển khai công tác cứu hộ.

Đến 9 giờ 30, nước trong hầm đã dâng lên đến gần 2m. Trong khi đó, chiều cao hầm - nơi các công nhân đang mắc kẹt chỉ là 3,7m. Vì vậy, theo chuyên gia công trình ngầm Nguyễn Thế Phùng, lúc này, việc được ưu tiên hơn cả là tiêu thoát nước trong hầm.

9 giờ 45, ông Bùi Văn Sơn - Giám đốc CA tỉnh Lâm Đồng cho biết, đã đưa được 2 đường ống vào trong hầm để hút nước ra. Bên trong hầm, các chuyên gia hầm mỏ vẫn đang xúc tiến việc đào hầm. Từ tối qua đến giờ, đã đào được 4m đường hầm. Tốc độ này được đánh giá là khá nhanh. Bên ngoài, một tổ chuyên gia đang bàn đến tình huống: Nếu việc đào hầm gặp đá, đội cứu hộ sẽ xin phép cho nổ đá để tiếp tục mở đường máu cứu người.

Triển khai mũi khoan thứ 3 từ điểm sụt đất.

10 giờ, một Cty xây dựng từ TPHCM đã cử 10 công nhân cùng 2 máy tán sỏi đến hiện trường, tiếp sức cho công tác cứu hộ. Hiện, số người tham gia đào hầm đã lên đến khoảng 400 người. Những người này sẽ thay phiên nhau làm việc.

Theo quan sát của chúng tôi, ngoài lực lượng CSPCCC - Cứu hộ cứu nạn của TPHCM lên chi viện vào đêm qua thì sáng nay có thêm khoảng 20 chiến sĩ của Bộ Tư lệnh Công binh được điều lên tham gia cứu nạn.

Thi công mũi khoan trên đỉnh đồi, hy vọng sẽ sớm thành công để việc thông hơi, tiếp tế thực phẩm, thuốc men, quần áo dễ dàng hơn.

10 giờ 15, có hơn 100 chiến sĩ được Bộ Tư lệnh Công binh điều động từ một Lữ đoàn ở tỉnh Khánh Hòa đã đến hiện trường với hàng chục máy khoan tham gia cứu hộ.

10 giờ 30, việc đào đường hầm phụ (ngách) từ vị trí hầm sập để vào nơi các nạn nhân đã đào được hơn 4m (khoảng cách phải đào khoảng 30m). Phương thức đào vẫn là thủ công.

10 giờ 50, Giám đốc CA tỉnh Lâm Đồng, Thiếu tướng Bùi Văn Sơn, cho biết thông tin vô cùng khả quan: “Mức nước trong hầm đã được hút ra ngoài đáng kể, hiện chỉ còn độ khoảng chưa đến 40cm và đã ngừng dâng”.

Bên cạnh đó, các nạn nhân đã nhận được sữa giàu chất dinh dưỡng và thuốc tăng canxi nên sức khỏe, tình thần của tất cả ổn định, tinh thần cũng được trấn an.

CSPCCC - Cứu hộ cứu nạn TPHCM đã có mặt tham gia cứu các nạn.

Đến 11 giờ 20, ông Lê Quang Hùng - Thứ trưởng Bộ Xây dựng, chỉ huy công tác cứu hộ cứu nạn tại hiện trường, cho biết: việc đào hầm thoát nạn bên phía nách phải của đường hầm hiện đã được gần 5m. Lực lượng cứu hộ cứu nạn đang song song triển khai đào tiếp một hầm bên nách trái.

Họp nhanh tại hiện trường để triển khai các phương án cứu hộ

Lúc 11 giờ 30, Ban Chỉ huy lực lượng cứu hộ đã họp nhanh tại hiện trường để triển khai các phương án cứu hộ phù hợp với điều kiện hiện tại. Đến thời điểm hiện tại, việc đào ngách hình chữ A thoát nạn ở bên phải đường hầm đã được hơn 5m, theo tính toán, nếu không có gì trở ngại, đêm nay hoặc sáng mai sẽ đến được nơi các nạn nhân đang mắc kẹt. Để đảm bảo việc cứu hộ nhanh, đồng bộ, linh hoạt, các lực lượng cứu hộ thống nhất đào thêm một đường ngách nữa bên trái đường hầm, phòng khi đường ngách bên phải gặp sự cố hoặc vướng đá lớn gây chậm tiến độ.

Lực lượng chỉ huy cho biết: Đến thời điểm này tất cả các mũi khoan từ 3 hướng cửa hầm chính, phía sau và trên nốc hầm đều đang được các lực lượng tích cực triển khai không ngừng nghỉ và đạt hiệu quả”.

Lực lượng Công binh, công nhân Tập đoàn Than khoán sản Việt Nam (TKV)… đã đào, khoan cửa hầm chính sâu hơn 5m; mũi khoan trên đỉnh đồi hầm xuống sâu 30m và mũi khoan từ phía sau hầm vào khoảng 40m.

Ở mũi khoan từ trên đỉnh hầm (đỉnh đồi), nếu khoan đạt độ sâu từ 70 - 80m sẽ tiếp thêm không khí tự nhiên cũng như tiếp tế được quần áo ấm, thuốc men, lương thực cho các nạn nhân bị mắc kẹt; riêng 2 mũi khoan còn lại sẽ thực hiện song song để bảo đảm nhiều phương án sớm tiếp cận giải cứu các nạn nhân ra ngoài.

Lê Kiên
(truyền từ hiện trường)