Đã đến lúc phải “quét rác” trên mạng xã hội

Thứ hai, 17/06/2019 06:30

Mạng xã hội đã, đang phát triển mạnh mẽ với hàng tỷ người sử dụng trên thế giới và hơn 60 triệu người dùng ở Việt Nam. Không thể phủ nhận vai trò tích cực của mạng xã hội nhưng phải nói rằng có không ít những vấn đề tiêu cực do mạng xã hội gây ra, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường xã hội và giới trẻ, đặt ra nhiều khó khăn cho công tác quản lý của các cơ quan chức năng.

Hành động nước đôi của Youtube

Theo điều khoản cộng đồng của Youtube, một kênh đủ điều kiện bật tính năng kiếm tiền phải có ít nhất 4.000 giờ xem trong 12 tháng gần nhất cho toàn bộ video và 1.000 người đăng ký (subscribe). Bên cạnh đó, kênh phải đạt 10.000 lượt xem (view). Việc phát hiện view thật hay ảo thực hiện thông qua công cụ chuyên dụng của Youtube. Lượt xem càng nhiều, số tiền kiếm được càng lớn... Chính vì cách kiếm tiền khá dễ dàng như vậy, nhiều người sẵn sàng sử dụng các chiêu trò gây sốc, câu lượt thích (like), view để thu được những nguồn lợi bất chính. Điển hình như thời gian qua, rộ lên một hiện tượng giang hồ “ảo” Khá Bảnh với những trò giật gân, cổ súy cho lối sống bạo lực, khuyến khích các hành vi vi phạm pháp luật. Đáng lưu ý, ngay từ khi đăng tải những video đầu tiên, nội dung trên kênh Youtube của Khá Bảnh đã vi phạm các chính sách của mạng xã hội này, tuy nhiên nó vẫn tồn tại suốt gần 2 năm và thu về lợi nhuận đáng kể cho chủ nhân. Ngay cả khi phải gỡ bỏ kênh của Khá Bảnh theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông, Youtube vẫn không thừa nhận những nội dung trên đó là bạo lực, gây ảnh hưởng xấu tới người xem. Lý do được mạng xã hội này đưa ra là: do tổn hại đến danh tiếng chung của cộng đồng nhà sáng tạo nội dung trong mắt các nhà quảng cáo.

Q.N

Mặc dù kênh Khá Bảnh đã bị gỡ bỏ nhưng những “di sản” của kênh này tiếp tục được tồn tại trên Youtube. Ảnh chụp ngày 16-6-2019.

Hiện Youtube có khoảng 55.000 video clip xấu, độc

Đầu năm 2017, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã phát hiện tình trạng quảng cáo sản phẩm, dịch vụ của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, kể cả một số thương hiệu toàn cầu được gắn trong các video có nội dung xấu độc, phản động vi phạm pháp luật Việt Nam phát trên mạng xã hội Youtube thông qua dịch vụ quảng cáo của Google. Đặc biệt, dòng tiền quảng cáo này lại được Goolge chia sẻ cho các đối tượng sản xuất clip xấu độc, phản động, gián tiếp tiếp tay cho các hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam. Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về quảng cáo, là nguy cơ đáng lo ngại, gây ảnh hưởng đến sự an toàn, uy tín của các thương hiệu, doanh nghiệp. Bộ đã gửi công văn cảnh báo tới các doanh nghiệp, đồng thời tổ chức làm việc với các doanh nghiệp, các đại lý quảng cáo, đại diện của Google yêu cầu khắc phục triệt để tình trạng nêu trên. Sau tháng 3-2017, tình trạng gắn quảng cáo trên các clip phản động đã tạm thời được khắc phục. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng này đã, đang tái diễn trở lại.

Đầu tháng 1-2019, Bộ TT&TT đã đã công bố một loạt hành vi sai phạm của Facebook và đến ngày 7-6-2019, Bộ tiếp tục công bố các hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam của Google và Youtube. Theo đó, các chủ thể tham gia vào hoạt động trên Google và Youtube đều có các sai phạm. Cụ thể, đối với Youtube, sai phạm do nhiều chủ thể tham gia hoạt động trên trang, gồm: Youtube, Google; các đại lý quảng cáo của Google tại Việt Nam; những nhãn hàng, thương hiệu mua quảng cáo trên nền tảng Youtube, Google; những nhà sáng tạo nội dung trên Youtube (content creator) và các công ty đối tác quản lý đa kênh của Google tại Việt Nam (MCN). 3 sai phạm lớn nhất của Google, đó là: Cơ chế quản lý nội dung đăng tải của Youtube rất lỏng lẻo. Không kiểm soát được hoạt động đăng phát quảng cáo trên các clip Youtube và mạng lưới quảng cáo Google Adsense. Cho phép người dùng mua quảng cáo trực tiếp với Youtube, Google không thông qua đại lý quảng cáo trong nước.

Việc xử lý những nội dung độc hại trên thực tế như “bắt cóc bỏ đĩa”. Rà soát của Bộ TT&TT cho thấy: Hiện, trên Youtube có khoảng 55.000 video clip có nội dung xấu độc vi phạm pháp luật. Dù thời gian qua, Google đã ngăn chặn, gỡ bỏ gần 8.000 video clip xấu độc trên Youtube theo yêu cầu của Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử nhưng do cơ chế quản lý nội dung trên Youtube còn nhiều bất cập, nên việc ngăn chặn, gỡ bỏ này chưa phát huy tác dụng...

Trên nền tảng Google và Youtube đang tái diễn tình trạng quảng cáo của các thương hiệu nhãn hàng uy tín được gắn vào các clip phản động chống phá nhà nước, hoặc quảng cáo chưa được cấp phép xuất hiện trên Google Adsense. Ngoài ra còn rất nhiều kênh có nội dung bạo lực, có nội dung sai phạm vẫn được Youtube xét duyệt cho kiếm tiền từ quảng cáo. Trường hợp Khá Bảnh có thể kể đến như một ví dụ về sai phạm của Youtube. Bên cạnh đó, hàng loạt các kênh với nội dung như tin giả, nói xấu chính quyền và các kênh giang hồ vẫn được Youtube cho phép hiển thị quảng cáo, kiếm tiền...

Quản lý dòng tiền quảng cáo trên Youtube và Google

Nhằm tiếp tục “quét rác” các nội dung xấu, Bộ TT&TT đã đề ra một số giải pháp để kiên quyết thực hiện trong thời gian tới. Theo đó, Bộ sẽ yêu cầu Youtube định danh các kênh Youtube tiếng Việt, yêu cầu có đăng ký đủ thông tin, mã số thuế, tài khoản. Chỉ kênh được định danh, không đăng tải nội dung vi phạm pháp luật, mới có thể xem xét chia sẻ tiền quảng cáo. Đối với kênh đã bị Bộ thông báo vi phạm sẽ không được chia sẻ tiền quảng cáo. Bộ TT&TT đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng để có biện pháp quản lý chặt chẽ dòng tiền quảng cáo trên Youtube và Google.

Bên cạnh đó, Bộ TT&TT sẽ yêu cầu Youtube bỏ tính năng suggest (đề xuất xem) đối với các kênh đã có thông báo vi phạm, bổ sung cơ chế không cho người dùng đăng lại clip vi phạm đã bị gỡ bỏ trước đây; yêu cầu Youtube tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ trong việc phối hợp ngăn chặn gỡ bỏ với các clip, kênh vi phạm.

Bộ cũng yêu cầu Google, Youtube, Facebook nghiên cứu mở văn phòng đại diện hoặc chi nhánh Công ty tại Việt Nam để chăm sóc khách hàng tại Việt Nam, thực hiện các nghĩa vụ về thuế, quản lý nội dung đối với nhà nước. Hiện nay, Google và Facebook đang thu khoảng 400 triệu USD ở Việt Nam nhưng không có văn phòng đại diện, nên khi có sự cố, tranh chấp hoặc khiếu nại của khách hàng chỉ có thể liên lạc qua mail rất chậm, khó được giải quyết thỏa đáng cho người dùng...

Các hoạt động này được xem như quyết tâm “dọn rác trên mạng xã hội” của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng như đã nói tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, ngày 6-6-2019. Theo đó, người đứng đầu Bộ TT&TT khẳng định: Vấn đề đầu tiên là phải thực hiện việc quét rác trên mạng xã hội. Đầu tiên từng người tham gia mạng xã hội không “xả rác’’, dọn rác của chính mình. Các cơ quan, bộ ngành cũng phải thực hiện dọn rác; phải định nghĩa rác của mình, giám sát, phát hiện và tuyên bố đây là rác. Bộ TT&TT có cơ quan giám sát, cơ bản có thể phân tích, đánh giá, phân loại. Sau khi các bộ, ngành xác định rác, thông báo đến Bộ TT&TT, yêu cầu nhà mạng gỡ bỏ, kể cả mạng xã hội nước ngoài ở Việt Nam phải thực thi luật pháp Việt Nam... Nhà mạng có công cụ sàng lọc, chính quyền mạnh tay hơn, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thời gian tới, không gian mạng của Việt Nam sẽ lành mạnh hơn.

Q.N – P.H