Đà Nẵng bước vào giai đoạn phát triển bứt phá (Bài 3: Những dự án sẽ thay đổi Đà Nẵng)

Thứ hai, 07/09/2020 10:22

Để mở rộng quy mô kinh tế cần triển khai nhiều dự án, đặc biệt là các dự án động lực, có tính chất lan tỏa. Trong khi nguồn lực đầu tư công hạn chế, muốn có nhiều dự án động lực để phát triển chủ yếu vẫn phải dựa vào việc huy động nguồn lực từ xã hội. Nhưng làm gì và bằng cách nào, đây là thách thức lớn đặt ra cho Đà Nẵng trong giai đoạn tới!

Cảng Liên Chiểu đang tích cực được triển khai sẽ tạo động lực quan trọng làm thay đổi kinh tế Đà Nẵng trong giai đoạn tới (Trong ảnh: Khu vực sẽ xây dựng cảng Liên Chiểu).

Khởi động lại nhiều dự án lớn

Theo đồ án quy hoạch chung sẽ được Thủ tướng phê duyệt, trong giai đoạn 5 năm tới Đà Nẵng cần khoảng 232 ngàn tỷ đồng đầu tư phát triển. Trong đó khoảng 61 ngàn tỷ đồng ngân sách chi đầu tư xây dựng cơ bản, còn lại nguồn vốn huy động xã hội. Như vậy, nhiều dự án động lực sẽ triển khai được dự báo làm thay đổi diện mạo vào qui mô kinh tế TP. Đơn cử như dự án Làng đại học được qui hoạch từ lâu nhưng chưa thể triển khai do thiếu vốn thì nay đã được xắp xếp vốn, chính thức khởi động trở lại. Cụ thể, vào cuối tháng 7-2020, Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các công trình cấp thiết cho Đại học Đà Nẵng tại Hòa Quý.

Theo đó, tổng vốn đầu tư dự án hơn 119 triệu USD, triển khai từ năm 2021 đến 2025. Trước đó, Chính phủ đã phê duyệt qui hoạch phân khu Làng đại học Đà Nẵng diện tích 300 ha (110 ha tại Hòa Quý, 190 ha tại Điện Ngọc) với 60 ngàn sinh viên, hơn 3,3 ngàn cán bộ. Giữa tháng 8-2020, Đà Nẵng phê duyệt điều chỉnh chi tiết 1/500 Khu tái định cư phục vụ giải tỏa Làng đại học tại Hòa Quý. Theo đồ án điều chỉnh qui hoạch chung, dự án Làng đại học sẽ là trọng tâm của phân khu Đổi mới sáng tạo. Phân khu này rộng hơn 3,9 ngàn ha, dân số khoảng 233 ngàn người, phát triển các dịch vụ giáo dục, y tế, thể thao chất lượng cao, trong đó trọng tâm là Đại học Đà Nẵng, công viên phần mềm, các bệnh viện quốc tế.

Tương tự, dự án Cảng Liên Chiểu đang được triển khai tích cực với các công đoạn như: Lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, trình thẩm định phê duyệt quy hoạch phân khu 1/2000. Đầu tháng 8-2020, Đà Nẵng đã trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định nguồn vốn, cân đối vốn theo chỉ đạo của Chính phủ. Dự án cảng Liên Chiểu phần cơ sở dùng chung được đầu tư từ ngân sách, tổng vốn hơn 3,4 ngàn tỷ đồng có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng 100 ngàn tấn, tàu container đến 8.000 TEU. Hợp phần 2 của cảng Liên Chiểu kêu gọi vốn tư nhân xây dựng các bến cảng mới, kho hàng tổng hợp, khu logistics, hậu cần sau cảng, đô thị cảng…

Tổng cộng, cảng Liên Chiểu có công suất 46 triệu tấn/năm, diện tích 450 ha, khu vực hậu cần 195 ha. Theo chuyên gia logistics Nguyễn Hữu Sia, đây là lĩnh vực kinh tế khổng lồ, có đóng góp lớn cho GRDP. Đơn cử, như cảng Tiên Sa với công suất khoảng 12 triệu tấn/năm thì đã thu về hơn 3,4 ngàn tỷ trong năm 2019. Với cảng Liên Chiểu lớn, hiện đại hơn nhiều, chắc chắn đóng góp vào GRDP của TP rất lớn. Ngoài ra, cảng Liên Chiểu sẽ là động lực kéo theo hàng loạt dự án, dịch vụ khác (vận tải, kho bãi, bảo hiểm, tài chính…) hình thành lên một đô thị công nghiệp cảng biển hiện đại phía Bắc TP.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ thực tế hiện trường xây dựng dự án Làng đại học Đà Nẵng giữa năm 2020. Dự án sẽ là trọng tâm phân khu Đổi mới sáng tạo của TP trong tương lai.

Bài học huy động nguồn lực

Chuẩn bị sẵn quỹ đất, hạ tầng và cơ chế thông thoáng, minh bạch là cách tốt nhất để huy động nguồn lực xã hội, triển khai nhanh, nhiều dự án, góp phần tăng qui mô kinh tế TP. Theo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, nguồn lực đất đai của Đà Nẵng còn lớn, nếu khai mở, giải phóng được sẽ thu hút được nhiều dự án lớn, TP cũng có nguồn thu để đầu tư, xây dựng các công trình động lực khác. Đơn cử với khu đất 8,4 ha trên đường Võ Văn Kiệt, khi đấu giá đất tìm nhà đầu tư xây dựng Khu phức hợp thương mại-tài chính-giải trí (còn có tên Gateway), TP vừa thu được 6-7 ngàn tỷ đồng, vừa có dự án lớn tạo động lực phát triển, tăng qui mô kinh tế. Hiện nay dự án 2 tỷ USD này đang có nhiều nhà đầu tư quan tâm, đề nghị đấu giá sử dụng đất. Dự án đã được phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2020 của Q.Sơn Trà, được TP xem xét phê duyệt điều chỉnh qui hoạch chi tiết 1/500.

Một dự án khác huy động nguồn lực xã hội sẽ được triển khai trong thời gian tới dự kiến sẽ tạo động lực làm thay đổi Đà Nẵng, đó là dự án Di dời ga đường sắt và tái thiết đô thị tổng vốn khoảng 10,2 ngàn tỷ đồng. Theo Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Phước Sơn, dự án được đầu tư theo hình thức PPP với 3 hợp phần. Hợp phần di dời nhà ga, tuyến đường sắt ra khỏi trung tâm TP gồm xây dựng tuyến đường sắt mới khổ 1.000mm dài khoảng 29km; xây dựng các công trình vượt sông, đường bộ, đường sắt; xây dựng 1 nhà ga hành khách chính và các ga hàng hóa, kinh phí hợp phần này khoảng 5.350 tỷ đồng.

Hợp phần phát triển đô thị khu vực nhà ga cũ và xung quanh nhà ga mới với tổng kinh phí khoảng 830 tỷ đồng. Hợp phần tái phát triển đô thị hành lang tuyến đường sắt hiện trạng với tổng kinh phí khoảng 2.350 tỷ đồng. Trong hợp phần này sẽ tận dụng lại hành lang đường sắt cũ (40,3 km) tái phát triển thành các trục giao thông chính theo hướng Bắc-Nam từ trung tâm TP đến khu vực Tây Bắc. Cụ thể, xây dựng đại lộ khoảng 33m, 6 làn xe; tái phát triển đô thị 2 bên hành lang tuyến đảm bảo mỹ quan, hiện đại; đầu tư xây dựng các khu tái định cư phục vụ giải tỏa mở rộng hành lang tuyến và làm ga mới.

Việc đầu tư theo hình thức PPP được coi là hướng mở nhiều triển vọng để sớm triển khai dự án. Đầu tháng 8-2020, Đà Nẵng đã có báo cáo về việc tìm kiếm nhà đầu tư quan tâm, nghiên cứu, đề xuất dự án. Hiện các gói thầu tư vấn chuẩn bị đầu tư dự án đang được triển khai.

HẢI QUỲNH

>> Đà Nẵng bước vào giai đoạn phát triển bứt phá (Bài 2: Sức bật từ 3 trụ cột kinh tế)

>> Đà Nẵng bước vào giai đoạn phát triển bứt phá (Bài 1: Tạo bệ phóng vững chắc)